Quảng Ninh: Dân 'khát' bên 2 công ty cấp nước
Thu phí lắp đặt và phí sử dụng nước sạch không có hóa đơn, chứng từ, nước cấp nhỏ giọt... khiến nhiều người dân của phường Phong Hải (TX Quảng Yên, Quảng Ninh) rơi vào cảnh 'khát' nước sạch.
Tiếng than bên bể nước cạn
Có mặt ở phường Phong Hải (thị xã Quảng Yên) những ngày này, đi đến đâu cũng gặp nỗi bức xúc của người dân liên quan đến vấn đề nước sinh hoạt. “Dân chúng tôi sắp chết khát rồi”, nghe tiếng kêu than ấy, tôi chỉ nghĩ chắc bà cụ nói quá lên thôi chứ làm gì đến nỗi. Nhưng đi đến từng nhà, chứng kiến sinh hoạt chật vật của người dân, mới thấy tiếng kêu than ấy là có cơ sở.
Tại nhà ông Nguyễn Hoàng Nghĩa (khu 2, phường Phong Hải), cả 2 bể và 1 téc nước inox đều cạn khô, dù ông Nghĩa đang triển khai xây nhà. “Thiếu nước sạch để tiến hành xây dựng thì có thể khắc phục bằng lấy nước ngòi, dù biết chất lượng công trình sẽ không đảm bảo, nhưng thiếu nước để sinh hoạt, ăn uống thì cả mấy tháng nay dân chúng tôi phải chịu khổ đến cùng cực rồi”, ông Nghĩa than thở.
Ông Nghĩa cho biết thêm, trước đây gia đình ông vẫn dùng nước mưa để sinh hoạt nhưng lượng nước tích trữ thường xuyên thiếu. Cách đây 2 tháng gia đình ông cùng một số hộ khác ở xóm liên lạc với Công ty TNHH Hồng Quảng, đơn vị cấp nước sạch trên địa bàn, để tiến hành lắp đặt, đấu nối vào hệ thống nước của Công ty. Tổng số tiền sau khi lắp đặt xong mà ông Nghĩa phải trả là 8,5 triệu đồng (khoảng cách điểm đấu nối đường ống đến nhà ông Nghĩa là 100m), theo ông Nghĩa là quá đắt. Mặc dù vậy ông vẫn chi trả đầy đủ, không nhận được bất kỳ hóa đơn hay phiếu thu nào. Thế nhưng, sau 2 tháng kể từ khi đấu nối hệ thống nước của Công ty TNHH Hồng Quảng, lượng nước mà gia đình ông được cung cấp chỉ tính bằng… xô, chậu.
Ngay cạnh nhà ông Nghĩa là nhà ông Ngô Bá Bộ và bà Nguyễn Thị Tùy, cả 2 hộ đều lắp đặt cùng thời điểm 2 tháng trước nhưng số tiền phải nộp lại là 9 triệu đồng.
“Ban đầu họ nói thu 8,5 triệu đồng, đến khi lắp xong lại đòi thêm 500.000 đồng, cũng không có hóa đơn hay phiếu thu gì cả. Chúng tôi cũng bấm bụng nộp tiền vì nhu cầu nước bức thiết lắm rồi. Thế mà giờ lại chịu cảnh không có nước dùng như thế này”, ông Bộ bức xúc nói.
Bà Nguyễn Thị Quyết (khu 2, phường Phong Hải), kể: “Mấy tháng nay, nước máy chảy tậm tịt, 1 tháng nay thì tắt hẳn, không thấy nước chảy về. Gia đình tôi phải lấy nước sông về tắm rửa, sinh hoạt, còn nước ăn thì phải đi mua dịch vụ bên ngoài với giá 80.000 đồng/m3”.
Chịu cảnh chật vật vì không có nước sạch nhiều năm nay, bà Ngô Thị Gái (khu 2, phường Phong Hải) nói trong dồn nén: “Tôi đã mắc nước bên Công ty Hồng Quảng gần chục năm nay, nhưng không hiểu lý do gì gần đây gia đình tôi không có nước sinh hoạt. Tôi đã nhiều lần đề nghị được đấu nối mua nước của Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh, nhưng được trả lời là không phải địa bàn Công ty này được cung cấp nước”.
Không chỉ riêng địa bàn phường Phong Hải, nhiều hộ dân ở xã Tiền Phong (thị xã Quảng Yên) sử dụng dịch vụ nước sạch của Công ty TNHH Hồng Quảng cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Dân 'khát' giữa 2 đơn vị cấp nước
Chứng kiến cảnh người dân các xã, phường lân cận được sử dụng hệ thống nước sạch đảm bảo chất lượng, với lượng cung cấp dồi dào, người dân của phường Phong Hải rất bức xúc. Họ cũng đã từng kiến nghị với chính quyền để được sử dụng nguồn cấp nước đảm bảo hơn nhưng theo quy định tại Nghị định 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ quy định: "Đối với địa bàn đã có tổ chức, cá nhân đang thực hiện dịch vụ cấp nước thì tổ chức, cá nhân được chỉ định là đơn vị cấp nước trên địa bàn". Do vậy người dân phải chịu 'khát' như vậy.
Trước những bức xúc của người dân, ngày 8/12 vừa qua, phường Phong Hải đã tổ chức buổi làm việc, đối thoại giữa Công ty TNHH Hồng Quảng và các hộ dân. Tại buổi làm việc này, nhiều ý kiến, kiến nghị của người dân xung quanh vấn đề thu phí lắp đặt giá cao, chất lượng và nguồn cung cấp nước không đảm bảo… đã được UBND phường ghi nhận.
Tại biên bản làm việc ngày 8/12, ông Nguyễn Hữu Quảng, Giám đốc Công ty TNHH Hồng Quảng thừa nhận: “Thời gian vừa qua, nhân dân cũng không có nước để dùng, tôi phối hợp với UBND phường trực tiếp xuống kiểm ra tại hiện trạng. Tuy nhiên, cũng do nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan. Do Công ty Thủy nông đang tiến hành sửa chữa tuyến kênh nên chưa có nước cấp cho Công ty Hồng Quảng để phục vụ nhân dân. Tôi đang khắc phục mắc ống nước khác để đảm bảo sinh hoạt cho nhân dân”.
Một lãnh đạo thị xã Quảng Yên thông tin, vừa qua do đơn vị cung cấp nguồn nước thô cho nhà máy nước phải tạm dừng cấp nước thô để xử lý sự cố kênh nên hồ chứa của nhà máy nước Phong Hải nhỏ có thể đã gián đoạn cấp nước sinh hoạt phục vụ nhân dân trong một thời gian nhất định. Hiện tại, đã hoàn thành việc sửa chữa tuyến kênh và đảm bảo cấp nước trở lại cho nhà máy nên sẽ sớm ổn định phục vụ cấp nước sạch cho nhân dân.
Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, ông Bùi Văn Thắng, Chủ tịch UBND phường Phong Hải cho hay: Chúng tôi đã giải quyết bằng cách thống nhất với Công ty TNHH Hồng Quảng và người dân. Trong trường hợp hộ nào khó khăn không đủ nước sinh hoạt sẽ chủ động thống nhất với Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh để lắp đặt, hoặc sử dụng đồng thời cả 2 đơn vị cung cấp nước. Về kiến nghị của một số hộ dân về giá đấu nối cao, thu tiền không có hoá đơn, UBND phường xẽ xác minh và báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý.
Trả lời câu hỏi của PV liên quan đến việc thu phí giá cao, không có hóa đơn, phiếu thu, ông Nguyễn Hữu Quảng, Giám đốc Công ty TNHH Hồng Quảng trả lời: “Chúng tôi có quy chế lắp đặt, tùy từng vị trí nhà ở khách hàng có mức giá khác nhau, đơn giá này đã được tỉnh duyệt. Việc thu phí lắp đặt được giao cho anh em công nhân”.
Ngoài ra, ông Quảng thừa nhận, việc thu phí lắp đặt và phí sử dụng nước không có hóa đơn giao cho khách hàng (?).
Mục tiêu chủ đề công tác năm 2023 của Quảng Ninh là “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân”. Cụ thể, năm 2023, Quảng Ninh phấn đấu trên 70% hộ gia đình được sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt. Đây là chỉ tiêu được đề ra tại Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 28/11/2022 của Tỉnh ủy Quảng Ninh về phương hướng nhiệm vụ năm 2023. Trong đó, nước sạch được xem là nhu cầu thiết yếu trong đời sống hằng ngày và là yếu tố quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe cho người dân. Đây cũng là một trong những tiêu chí cứng của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025.
Báo Đại Đoàn Kết tiếp tục thông tin vụ việc tới bạn đọc!