TP Hồ Chí Minh: Tăng tốc Vành đai 3
Là dự án liên vùng đặc biệt quan trọng không chỉ của đơn vị “đầu tàu” TPHCM mà đối với cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hiện nay liên quan đến tiến độ của Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM (gọi tắt Dự án Vành đai 3) đang nhận được nhiều sự quan tâm.
Đẩy nhanh bàn giao “đất sạch”
Dự án Vành đai 3 TPHCM được chia thành 8 dự án thành phần, đến đầu tháng 10 năm nay toàn bộ các dự án thành phần này đã hoàn thành phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Tổng diện tích đất dự án đã thu hồi được khoảng 535/654ha (đạt 82%), trong đó TPHCM thu hồi được 387/410ha, đạt 94%; Đồng Nai 4/64ha (đạt khoảng 6%); Bình Dương 94/129ha (đạt khoảng 73%) và tỉnh Long An đã thu hồi 50/51ha (đạt khoảng 98%).
Vướng mắc chung, cũng là vướng mắc lớn nhất mà các dự án thành phần đoạn qua TPHCM gặp phải là khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) để bàn giao “đất sạch” cho dự án. Cụ thể, tuyến Vành đai 3 đi qua TP Thủ Đức ảnh hưởng khoảng 587 trường hợp, đến tháng 10 năm nay Ban bồi thường GPMB TP Thủ Đức đã chi trả tiền cho 412/587 trường hợp, trong đó hơn 200 trường hợp đất nông nghiệp và còn lại là đất ở, với tổng số tiền chi trả hơn 3.000 tỷ đồng.
Theo ông Võ Trí Dũng - Trưởng ban Bồi thường GPMB, UBND TP Thủ Đức, việc bồi thường GPMB tuyến đường Vành đai 3 qua địa bàn TP Thủ Đức gặp nhiều khó khăn, dẫn tới tiến độ bị chậm hơn so với các địa phương khác. Một phần nguyên nhân do số lượng hồ sơ lớn liên quan khoảng gần 600 hồ sơ, với diện tích thu hồi khoảng gần 100ha (chủ yếu là đất ở và đất nông nghiệp có nhà). Bên cạnh đó, dự án đi qua các tuyến đường lớn của TP Thủ Đức khiến công tác bồi thường GPMB gặp khó khăn. Hơn nữa, cũng có tình trạng người dân chưa đồng ý về mức giá trên cơ sở so sánh với các địa phương khác, đã dẫn đến công tác vận động bàn giao mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn.
Cũng theo ông Dũng, qua rà soát và làm việc trực tiếp từng trường hợp hộ dân trong ảnh hưởng của dự án cũng phát sinh tình trạng phần lớn các hộ nhận chuyển nhượng đất bằng giấy tay, chuyển mục đích thành đất phi nông nghiệp sau thời điểm quy định của pháp luật. Do đó, về đơn giá bồi thường đối với đất nông nghiệp còn chưa thống nhất khiến thành phố gặp khó khăn trong công tác vận động.
Không chỉ TP Thủ Đức, theo ông Biện Ngọc Toàn, Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính UBND huyện Bình Chánh (TPHCM), đến ngày 19/10, TPHCM đã phê duyệt phương án điểu chỉnh giá đất cho dự án. Trên cơ sở này, huyện Bình Chánh cũng đã phê duyệt chính sách bồi thường và gửi kho bạc khối lượng giá trị khoảng 750 tỷ đồng. Như vậy, cơ bản số vốn liên quan đến giải phóng mặt bằng, đặc biệt với Dự án đường Vành đai 3 trên địa bàn huyện Bình Chánh sẽ đảm bảo giải ngân theo kế hoạch đăng ký với UBND thành phố. Dù vậy, đại diện UBND huyện Bình Chánh cũng kiến nghị, UBND thành phố và các sở, ngành tiếp tục tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, GPMB ở các dự án trọng điểm của thành phố đi qua huyện Bình Chánh, trong đó có dự án nâng cấp và mở rộng Quốc lộ 50 và Dự án Vành Đai 3.
TPHCM dự kiến tận dụng khoảng 7 khu tái định cư có sẵn tại các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, quận 12 và TP Thủ Đức để bố trí cho các hộ đủ điều kiện tái định cư (do ảnh hưởng của quá trình GPMB liên quan dự án Vành đai 3 - PV) bằng nền đất. Đối với các trường hợp không đủ điều kiện tái định cư cũng sẽ được bố trí căn hộ chung cư. Trong số 225 vị trí công trình hạ tầng kỹ thuật phải di dời thuộc trách nhiệm của TPHCM cũng được yêu cầu tăng cường tiến độ. Hiện nay, chủ đầu tư các hạng mục thành phần liên quan đã ký được hợp đồng bồi thường theo hiện trạng với các chủ sở hữu và dự kiến sẽ hoàn thành di dời/tái lập vào khoảng thời gian cuối quý II năm 2024.
Năm 2025, phải cơ bản hoàn thành
Theo đó, đường Vành đai 3 đoạn đi qua Bình Dương dài hơn 26km, bao gồm dự án thành phần 5 với nút giao Tân Vạn và cầu Bình Gởi và dự án thành phần 6 là bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Tổng mức đầu tư cho các dự án thành phần này là hơn 13.527 tỷ đồng. Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo tỉnh Bình Dương về triển khai thực hiện dự án đường Vành đai 3 TPHCM và giải quyết các khó khăn, vướng mắc của dự án này vào ngày 27/11, Ông Trần Hùng Việt - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Bình Dương cho biết, công tác giải ngân thành phần 5 của dự án đến nay mới đạt được khoảng gần 24%. Để đẩy nhanh tiến độ, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Bình Dương đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và các đơn vị liên quan sớm giải quyết các vướng mắc về công tác đền bù, GPMB.
Đóng góp ý kiến giám sát đối với dự án Vành đai 3 TPHCM, TS Trương Thị Minh Sâm, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TPHCM cho rằng, đây là siêu dự án hạ tầng liên vùng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với không chỉ TPHCM mà còn với cả khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và tỉnh Long An. Nếu so sánh với các “siêu” dự án hạ tầng giao thông đã được khởi công thì đây là dự án hạ tầng lớn nhất phía Nam có tổng mức đầu tư lên đến gần 75.400 tỷ đồng, sử dụng chủ yếu nguồn vốn từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.
Tuy nhiên, theo tiến độ báo cáo về các khó khăn vướng mắc liên quan đến bồi thường, GPMB để bàn giao “đất sạch” cho dự án này, bà Sâm cho rằng, trung ương cần theo sát chỉ đạo, trong khi các địa phương tập trung nghiêm túc đôn đốc, chỉ đạo tháo gỡ kịp thời. Từ đó, đảm bảo theo lộ trình được phê duyệt, dự án cơ bản hoàn thành vào năm 2025 và được đưa vào khai thác từ năm 2026.