Thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng hàng Việt Nam
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD) cho biết, quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam đã vượt con số 180 tỉ USD trong năm 2023 và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tiếp theo. Tuy nhiên, để làm chủ được sân nhà, doanh nghiệp cần không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, sáng tạo những sản phẩm mang tính khác biệt và giá trị.
Theo báo cáo của các địa phương, trong hệ thống siêu thị của một số doanh nghiệp (DN) trong nước, hàng hoá sản xuất trong nước chiếm tỷ trọng lớn từ 80 - 90% như: Co.opmart (90%), Winmart (90%), BRG Retail (80 - 90%),...Tương tự các hệ thống phân phối có vốn đầu tư nước ngoài như Aeon, Central Retail, MMMegaMarket, LotteMart... tỷ lệ hàng Việt khá cao trong kênh phân phối của mình. Hiện hàng Việt đã chiếm tỷ lệ lớn tại các hệ thống siêu thị.
Sau hơn 14 năm triển khai, Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã thực sự là đòn bẩy đóng góp vào việc duy trì mức tăng trưởng của thương mại trong nước và hỗ trợ đầu ra cho sản xuất trong nước. Số liệu của Bộ Công thương cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2023 ước đạt 552,7 nghìn tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 5.667 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên theo bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), việc sản xuất và tiêu thụ hàng Việt đối mặt nhiều khó khăn. Đó là sự gia tăng hàng nhập ngoại có chất lượng cao sau khi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có hiệu lực. Tỷ trọng hàng ngoại nhập trong hệ thống phân phối, đặc biệt là kênh thương mại điện tử xuyên biên giới, có xu hướng tăng. Hàng hóa xuất khẩu cũng gặp không ít khó khăn do đơn hàng giảm, sức mua toàn cầu đi xuống…
Cùng đó, các nền tảng số, thương mại điện tử đang ngày càng chiếm lĩnh thị trường với tốc độ tăng trưởng hơn 20%/năm. Chỉ riêng 3 sàn thương mại điện tử Shopee, Tiktok Shop, Lazada đã chiếm 90% doanh thu của thị trường số, ước đạt 75,3 nghìn tỷ đồng với nhiều hàng hóa nước ngoài có giá cả rất cạnh tranh, hợp thị hiếu và thời gian vận chuyển nhanh đến người tiêu dùng trong nước.
Để đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt, Bộ Công thương cho biết, có 4 nhóm giải pháp được tập trung triển khai gồm: đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về Cuộc vận động; rà soát, bổ sung, ban hành luật pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu dùng trong nước, bảo vệ người tiêu dùng, không trái với quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường trong nước…