Mặt trận đồng hành cùng người dân giám sát
Trong bối cảnh Hà Nội đẩy mạnh phát triển hạ tầng để xây dựng đô thị hiện đại, nông thôn mới, dưới sự chủ trì của MTTQ, các Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã có sự chuyển đổi, thích ứng mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu thời cuộc. Quá trình này giúp các công trình xây dựng ở cơ sở bảo đảm tiến độ, chất lượng; nhiều sai sót được khắc phục kịp thời.
Xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh (Hà Nội) vừa hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, hàng loạt công trình hạ tầng tại thôn Đoài được triển khai xây dựng, nâng cấp như: Sửa chữa, duy tu kênh tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp; đầu tư xây dựng tuyến đường nối xã Vân Nội - Kim Chung đến đường Hoàng Sa; cải tạo, nâng cấp nhà văn hóa thôn Đoài… Đến nay, công trình sửa chữa, duy tu kênh tưới tiêu và công trình đường giao thông đã đưa vào sử dụng trong sự phấn khởi của nhân dân địa phương bởi công trình vừa đạt chất lượng tốt, vừa bảo đảm tiến độ.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã kiêm Trưởng ban Giám sát đầu tư của cộng đồng xã Kim Nỗ Nguyễn Mậu Sỹ cho biết: “Không kể nắng mưa, các thành viên của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã luôn bám công trường thi công từ lúc bắt đầu cho đến khi nghiệm thu công trình. Bất kể ngày hè nóng nực hay ngày đông rét buốt, lúc nào các thành viên trong Ban cũng có mặt ở công trường thi công. Chúng tôi rất vui vì hoạt động của mình góp phần bảo đảm chất lượng công trình, được nhân dân tin cậy”.
Tại huyện Mê Linh, năm 2023, các Ban Thanh tra nhân dân và Giám sát đầu tư của cộng đồng đã giám sát 44 cuộc với các nội dung liên quan như: Việc thu, chi các loại quỹ và lệ phí theo quy định của nhà nước, các khoản đóng góp của nhân dân như: Việc triển khai thu, nộp Quỹ phòng, chống thiên tai năm 2023; Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; phối hợp với Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng giám sát nhiều công trình dự án như các công trình giao thông, trường học, nhà văn hóa thôn; giám sát trong việc kiểm đếm, niêm yết công khai phương án đền bù thu hồi đất và chi trả tiền các dự án... Qua giám sát đã phát hiện 2 vụ vi phạm trong xây dựng công trình, kịp thời khắc phục và góp phần phòng ngừa sai phạm ở nhiều công trình khác. Đây chỉ là những điển hình trong hàng nghìn trường hợp các Ban Thanh tra nhân dân (TTND), Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã tham gia giám sát trên địa bàn thành phố.
Ông Phạm Đình Chiến đã nhiều năm tham gia Ban TTND và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng phường Sơn Lộc, thị xã Sơn Tây. Trong quá trình giám sát, ông Chiến từng phát hiện đơn vị thi công sử dụng sai mác xi măng khi xây dựng nhà văn hóa. Kiến nghị của ông được ghi nhận và đơn vị thi công đã phải tháo dỡ 6 trụ cột bê tông để thi công lại. Ngoài việc giám sát xây dựng, ông còn đứng ra giải quyết nhiều vấn đề phức tạp khác.
Ông Chiến chia sẻ: “Trước đây, địa bàn chúng tôi có công trình thi công cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước thải sinh hoạt và đường đi nhánh ngõ 24 phố Chùa Thông thuộc Tổ dân phố 2. Đây là địa bàn phức tạp của tổ dân phố bởi nhiều nguyên nhân và một số người dân do có khúc mắc với nhau trong cuộc sống nên phản đối, không cho tiến hành thi công đúng theo thiết kế. Trong trường hợp này, tôi phải bảo vệ đơn vị thi công để việc thi công triển khai đúng thiết kế. Mặc dù có những lúc tình hình căng thẳng, một số đối tượng quá khích quyết liệt ngăn cản, đập phá trang thiết bị, có nguy cơ xảy ra va chạm, nhưng khi làm việc chung, mình phải nỗ lực, phải mềm dẻo thuyết phục để giải quyết những tình huống phức tạp xảy ra”.
Trường hợp phải đối mặt với thách thức trong công tác như của ông Chiến không phải là hiếm. Tuy nhiên, hiện nay, việc đại diện cho nhân dân thực hiện công tác giám sát đều là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Đây là lý do nhiều cán bộ MTTQ kiến nghị, cần có cơ chế hỗ trợ cho các thành viên tham gia giám sát, để tăng trách nhiệm với công việc.
Thực tế cũng cho thấy, do sợ bị phát hiện sai phạm nên nhiều doanh nghiệp gây khó khăn. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Kim Nỗ Nguyễn Mậu Sỹ, các doanh nghiệp đều không muốn bị “soi” kỹ quá vào công tác thi công nên nhiều khi họ gây khó dễ cho công tác giám sát. “Do đó, chúng tôi đề xuất phải có sự chỉ đạo thông suốt ở tất cả các cấp ủy, chính quyền về công tác giám sát, để các đơn vị thi công nhận thức rõ được trách nhiệm của họ trong việc tạo điều kiện cho công tác giám sát hiệu quả” - ông Sỹ kiến nghị.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường cho biết, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố đánh giá cao chất lượng hoạt động của các Ban TTND và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng và đặc biệt trân trọng những đóng góp của các cán bộ cơ sở, đã làm việc âm thầm ngày đêm với hiệu quả mang lại rất lớn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số xã, phường, thị trấn, cấp ủy, chính quyền còn thiếu sự quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện đối với công tác TTND, giám sát đầu tư của cộng đồng; việc xử lý, giải quyết các kiến nghị của Ban TTND, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng còn chậm hoặc chưa được giải quyết triệt để, nhất là những kiến nghị về chính sách đền bù giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...
Theo ông Trường, các Ban TTND, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng chính là những người đại diện cho nhân dân trong thực hiện các quyền “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát”. Trong bối cảnh Hà Nội triển khai hàng loạt công trình xây dựng ở cơ sở, MTTQ TP Hà Nội đã chủ động hướng dẫn MTTQ các cấp thực hiện công tác giám sát, nhằm thiết thực tham gia công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nâng cao quyền kiểm tra, giám sát của nhân dân, phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức thành viên.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường cho biết, ngay từ đầu năm 2023, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ TP Hà Nội đã tổ chức 7 lớp tập huấn công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục với tổng số 1.820 người tham dự; 10 lớp tập huấn công tác thanh tra nhân dân, giám sát đầu tư của cộng đồng đối với 30 đơn vị với gần 2.600 người tham dự… Hoạt động này giúp nâng cao chất lượng, ý thức, trách nhiệm của công tác giám sát ở cơ sở, làm nền tảng cho công tác giám sát triển khai hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Duy Tiến - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Kim Nỗ (huyện Đông Anh, Hà Nội), hiện nay, Kim Nỗ có 14 dự án đang thi công thì đồng thời cũng có 14 Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng hoạt động. Khi giám sát, các Ban Giám sát cũng luôn theo dõi sổ nhật kí và theo dõi tiến độ triển khai các dự án. Do đó, khi địa phương xây dựng lại các đường ống nước hay đào móng các công trình chưa đảm bảo, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã kiến nghị với UBND và chủ đầu tư để điều chỉnh. Từ đó, góp phần tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan liên quan khi triển khai thực hiện dự án. Với những thành tích đã đạt được, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng thôn Đoài đang được huyện Đông Anh đề xuất TP Hà Nội khen thưởng vì có nhiều thành tích xuất sắc trong giám sát cộng đồng tại cơ sở.
Ông Lê Ngọc Tuyến - Phó Chủ tịch MTTQ kiêm Trưởng ban Thanh tra nhân dân xã Phú Phương (huyện Ba Vì, Hà Nội) cho biết: Với đặc thù là xã ven sông còn gặp nhiều khó khăn, trong năm 2023, Phú Phương được đầu tư 6 công trình xây dựng cơ bản. Tại mỗi công trình, theo quy định, chúng tôi thành lập một Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Mỗi Ban giám sát có khoảng 5 thành viên. Có một Ban giám sát do tính chất công việc nên có 7 người tham gia. Hiện các công trình được đầu tư trên địa bàn xã chủ yếu là vốn đầu tư của huyện, của thành phố và một công trình được đầu tư từ nguồn hỗ trợ của quận Cầu Giấy. Trong năm 2023, qua giám sát, chúng tôi cũng phát hiện chất lượng bê tông của công trình cải tạo giò ranh thoát nước trong khu dân cư của thôn Phương Châu không đảm bảo chất lượng nên đã kiến nghị chủ đầu tư khắc phục ngay sau đó.