Nan giải mua bán nợ xấu
Có những tài sản đảm bảo được rao bán từ năm 2019 đến năm 2023 vẫn chưa bán được. Các ngân hàng cho biết, chật vật tìm khách mua tài sản đảm bảo để giải quyết nợ xấu...
Tài sản đảm bảo - bán mãi không được
Thời gian qua, nhiều ngân hàng dồn dập bán đấu giá hàng trăm tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu. Đáng chú ý, số lượng các khoản nợ, tài sản được rao bán trong giai đoạn gần đây ngày càng tăng nhanh từ phân khúc giá trị thấp đến cao cấp với giá trị vài trăm triệu đồng cho đến hàng trăm, nghìn tỷ đồng. Thế nhưng, việc thanh lý tài sản khá khó khăn. Rất nhiều khoản nợ, tài sản đảm bảo giá trị lớn liên quan tới bất động sản dù đã được hạ giá khi rao bán, và rao bán đến 10 - 20 lần vẫn "ế".
Chẳng hạn VietinBank vừa thông báo đấu giá lần thứ 8 đối với tài sản bảo đảm cho khoản nợ của Công ty cổ phần Xây dựng công nghiệp.
Hiện doanh nghiệp (DN) này đang có dư nợ gần 570 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là trên 327 tỷ đồng, còn lại là tiền lãi phát sinh. Tài sản đảm bảo cho khoản nợ là các quyền tài sản phát sinh từ các hợp đồng thi công công trình, quyền tài sản khác và 20 quyền sử dụng đất tại Đồng Nai.
Trong khi đó, giá khởi điểm cho tài sản bảo đảm theo thông báo lần này chỉ còn hơn 156,5 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với mức giá được đưa ra trong lần đấu giá đầu tiên vào tháng 7 vừa qua là hơn 327 tỷ đồng và chỉ bằng gần 1/4 so với dư nợ của DN.
Một tài sản bảo đảm khác mà VietinBank cũng phải phát mại với giá lỗ nặng, đó là tài sản bảo đảm cho khoản nợ của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Võ Thị Thu Hà, hầu hết là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất.
Tổng giá trị khoản nợ tạm tính đến hết ngày 31/10/2023 là gần 1.500 tỷ đồng (nợ gốc hơn 567 tỷ đồng) nhưng VietinBank đưa ra giá khởi điểm bán đấu giá của khoản nợ này chỉ 142 tỷ đồng, tương đương chưa đầy 10% giá trị khoản nợ. Đáng nói, khoản nợ của Công ty Võ Thị Thu Hà đã được VietinBank rao bán suốt từ năm 2019 đến nay nhưng vẫn chưa thể xử lý.
Tương tự, tài sản bảo đảm một khoản nợ khác của Công ty cổ phần Phúc Đạt là hệ thống nhà xưởng, máy móc, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại tỉnh Hải Dương, cũng vừa được VietinBank rao bán tới lần thứ 17.
Giá trị khoản nợ là 161,5 tỷ đồng (nợ gốc hơn 105 tỷ đồng), nhưng giá khởi điểm tài sản bảo đảm chỉ còn hơn 53 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với giá khởi điểm theo thông báo lần đầu là hơn 105 tỷ đồng.
Một thông báo khác liên quan đến tài sản bảo đảm cho khoản nợ của Công ty TNHH Thắng Thảo, là quyền sử dụng đất của 5 thửa đất tại Hải Dương với giá trị khoản nợ tạm tính là trên 30 tỷ đồng (nợ gốc 12,6 tỷ đồng). Sau 7 lần đăng thông báo, giá khởi điểm tài sản này đã giảm từ gần 15 tỷ đồng xuống chỉ còn 11 tỷ đồng, tương đương chỉ hơn 1/3 dư nợ của DN trên.
Mở rộng các phương thức mua bán nợ
Liên quan đến tình trạng ngân hàng “ế” khi thanh lý tài sản bảo đảm, các chuyên gia nhận định, ngoài nguyên nhân do thị trường bất động sản đóng băng; việc xử lý tài sản đảm bảo và thu hồi nợ còn nhiều vướng mắc, bao gồm sự không đồng nhất trong hành lang pháp lý cho quá trình xử lý nợ, chưa có sự đồng bộ và thống nhất trong cách thức thực hiện, còn do thị trường mua bán nợ xấu ở Việt Nam vẫn chưa được định hình và còn nhiều hạn chế.
Trong năm 2023, Công ty Quản lý tài sản (VAMC) dự kiến mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt tối đa là 12.000 tỷ đồng (giá mua nợ), mua nợ xấu theo giá trị thị trường đạt hơn 2.700 tỷ đồng và xử lý thu hồi nợ đạt 14.000 tỷ đồng (dư nợ gốc).
Tuy nhiên, đại diện VAMC cho biết, công ty gặp khó trong việc tìm kiếm các nhà đầu tư quan tâm mua tài sản đảm bảo hoặc khoản nợ và kế hoạch trả nợ của khách hàng khi tình hình kinh tế vĩ mô có nhiều biến động.
Chuyên gia tài chính ngân hàng - TS Cấn Văn Lực cho rằng, cần sớm hoàn thiện nghị định về thị trường mua bán nợ; mở rộng phương thức mua bán nợ và sản phẩm, dịch vụ liên quan (cho phép chứng khoán hóa). Đồng thời, cho phép thành lập Hiệp hội các DN mua bán nợ; tổ chức nhận ủy thác cho nhà đầu tư nước ngoài, công ty định giá, tổ chức xếp hạng tín nhiệm, công ty môi giới… Bên cạnh đó, cần phát triển thị trường thứ cấp, tăng tính thanh khoản (nghiên cứu thành lập công ty tái cho vay thế chấp) để thúc đẩy phát triển thị trường mua bán nợ.
Nợ xấu lâu nay là vấn đề lớn mà nền kinh tế phải đối mặt, để giải quyết phải có những giải pháp mang tính tổng thể, không chỉ từ việc phát triển thị trường tài chính, thị trường tài sản như chứng khoán, bất động sản, trái phiếu, mà cần sự ổn định từ nền kinh tế vĩ mô, ổn định hoạt động xuất nhập khẩu… giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, tăng khả năng trả nợ đúng hạn.