NSND Hồng Phong: Tâm huyết cho từng ‘đứa con’
NSND Hồng Phong theo học múa cổ điển châu Âu hệ 7 năm tại Trường Cao đẳng Múa Việt Nam (nay là Học viện Múa Việt Nam) từ khi 11 tuổi. Vóc dáng nhỏ bé tưởng như là cản trở lớn, nhưng bản tính chỉn chu, ham học hỏi khiến Phong học gì cũng tốt.
Con đường học tập kéo dài khi anh trúng tuyển học nâng cao diễn viên múa tại Học viện Múa Hong Kong (Trung Quốc), rồi học biên đạo múa tại Công ty Coline Dance (Pháp), sau đó anh tiếp tục học biên đạo múa tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Anh từng làm việc cho Đoàn Ballet tháng Mười, sau đó về Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam từ năm 1996 cho đến nay.
Tôi biết tới tên tuổi của NSND Hồng Phong từ khá lâu, một phần do những giải thưởng mà anh đạt được, một phần do ấn tượng với cá tính và những “đứa con tinh thần” của anh.
Xem một số tác phẩm do anh biên đạo như: “Kẹp hạt dẻ”, “Giấc mơ thần tiên”, “Carmen”, “Quan âm Thị Kính” (đồng biên đạo với ThS Tuyết Minh), “Nguồn sáng” (đồng biên đạo với NSND Phạm Anh Phương) hay “Ký ức dòng Lam”, “Vũ điệu của nắng”, “Vòng đời”, “Hàm Lệ Minh Châu” tôi đều trầm trồ.
Khi được hỏi bí quyết để “bỏ túi” nhiều tác phẩm ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả, anh khiêm tốn nói rằng: “Tôi luôn coi mỗi tác phẩm như đứa con tinh thần của mình. Lúc nào cũng nghĩ đến nó, dành hết thời gian, tâm huyết, sức lực cho nó. Làm việc gì cũng vậy, hãy nghiêm khắc với bản thân, đừng hời hợt, hãy đặt tấm lòng của mình vào đó thì mới mong người khác cảm nhận được”.
Người ta có thể ví von rằng, biên đạo múa như người lái thuyền. Để băng qua những con sóng cả vươn ra biển lớn thì anh cần vạch được hải đồ hợp lý cho con thuyền của mình.
Giống như người biên đạo múa cần hiểu được mình muốn gì và đang làm gì, có như vậy mới dẫn dắt, truyền cảm hứng được cho diễn viên, khiến họ thích múa và đưa trọn cảm xúc vào tác phẩm của mình. Từ đó tác phẩm mới có “đất sống” lâu bền, giúp trái tim của khán giả, diễn viên và biên đạo có chung nhịp đập. NSND Hồng Phong có lẽ là người thành công với triết lý này. Tôi từng được ngồi hàng giờ để xem anh dựng múa. Ở anh có phong thái của người “thuyền trưởng” vừa hóm hỉnh, vừa nghiêm khắc xong vô cùng trách nhiệm tới say mê cuồng nhiệt.
Khi dựng cho đoàn nào mà diễn viên còn “đuối” là anh sẵn sàng dành cả buổi lên cơ bản cho họ tới thấm đã chứ chẳng vội vã dựng cho xong việc của mình.
Với anh, thành công của tác phẩm là sự tổng hòa của nhiều yếu tố chứ không của riêng cá nhân nào.
Tác giả, tác phẩm và công chúng luôn gắn quyện hài hòa mà người trong nghề thường nói đó là quan hệ “tam giác đều”.
Đó là việc nói thì dễ nhưng làm chẳng hề đơn giản. Cần có sự nỗ lực cố gắng cao và tình yêu nghệ thuật cháy bỏng mới có thể gắn kết hòa quyện như vậy.
Trong cuộc nói chuyện, nghệ sĩ Hồng Phong nhắc nhiều tới 2 từ “biết ơn”. Anh nói mình mang ơn tổ nghiệp khi đã cho anh quá nhiều khi sống và gắn bó mấy chục năm với múa.
Anh biết ơn gia đình, thầy cô, đồng nghiệp, cộng sự đã tương trợ mỗi khi anh cần. Anh biết ơn những tháng ngày gian khó cho anh có cơ hội làm việc với biên đạo múa Tấn Lộc, NSND Hữu Từ, NSND Kiều Lê…
Với anh, cuộc sống thế là đủ đầy chứ chẳng cần bon chen, xô bồ. Phải chăng sự nặng lòng ấy với đời, với người là duyên cớ để anh có cảm hứng cho ra đời rất nhiều tác phẩm thành công về chủ đề cách mạng. Hàng loạt các tác phẩm như: “Dư âm”, “Cánh đồng chết”, “Mắt lá”, “Vượt lũ”, “Sông mặn”… đã gây tiếng vang và giành giải cao trong các đợt hội diễn toàn quân.
Những tác phẩm của NSND Hồng Phong còn cho chúng ta thấy anh đã sử dụng một cách khéo léo, hài hoà giữa yếu tố kỹ thuật và ngôn ngữ luật động của múa dân tộc và hiện đại theo phong cách Neo Classic. Thành công ở chỗ anh sử dụng các yếu tố mới nhưng vẫn thấm đẫm chất dân gian dân tộc mà vẫn mang hơi thở mới, phù hợp với thẩm mỹ đương đại.
Người ta nhìn thấy ở anh nhiều sáng tạo độc đáo, gắn bó với hiện thực đời sống, tạo được những giá trị mới trong nghệ thuật biểu diễn múa, từ múa solo, duo, trio, tập thể đông người, hồi, cảnh, nhiều lớp lang, trường, đoạn...
Với nền tảng anh có là múa cổ điển châu Âu, cộng với kỹ năng biên đạo tài tình, Hồng Phong đã xâu chuỗi ngôn ngữ, đội hình, hợp lý khi di chuyển các tuyến, mảng, khối… Tình yêu dành cho yếu tố dân tộc, cộng với óc quan sát tinh tế, sự nhạy cảm trước cuộc sống khiến người xem như đang nghe được thanh âm của lịch sử ngàn xưa vọng về qua ngôn ngữ chuyển động của múa.
Quả thực chẳng thể nào kể hết số lượng các tác phẩm do anh dàn dựng, nó quá nhiều và quá phong phú.
“Vậy có khi nào anh thấy chai sạn không?”.
Trước câu hỏi ấy, nghệ sĩ Hồng Phong thẳng thắn: “Có đấy! Những lúc như thế anh không tìm đến múa vì sợ sẽ lặp lại chính mình mà thường dành nhiều thời gian đọc những cuốn sách và xem những bộ phim kinh điển để hiểu họ làm thế nào mà thành công”.