Ra mắt sách: Khéo khôn với tiền - Tránh những ưu phiền
Ngày 14/12, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Kim Đồng đã tổ chức chương trình ra mắt truyện tranh tài chính “Khéo khôn với tiền – Tránh những ưu phiền”. Cuốn sách của tác giả Lê Thị Thúy Sen - Vụ trưởng Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN).
Gần 30 câu chuyện trong sách xoay quanh kiến thức cơ bản liên quan đến tiền (lịch sử của tiền, giá trị kinh tế - xã hội của đồng tiền, tiền điện tử, lạm phát, giảm phát, lãi suất, tỷ giá… tác động ra sao đến cuộc sống, ứng xử trong giao dịch tiền tệ, nội tệ, ngoại tệ…); hiểu biết về đầu tư tài chính (chứng khoán, trái phiếu, bảo hiểm, chứng chỉ quỹ…); hoặc về ngân hàng (lịch sử, lưu ý khi gửi tiết kiệm, vay vốn, thanh toán…).
Đây cũng là những nội dung đang được quan tâm hiện nay, với nhiều khái niệm và thông tin hữu ích được giải thích một cách dễ hiểu, phù hợp với nhiều lứa tuổi. Mỗi câu chuyện là bài học về tài chính và cuộc sống.
Không chỉ nhằm mục đích bổ sung kiến thức, nhiều câu chuyện thấm đẫm tình người, tình cảm gia đình, đồng đội, bạn bè, thầy cô... trong “Khéo khôn với tiền - Tránh những ưu phiền” đã chạm đến những tầng cảm xúc sâu lắng của người đọc.
Qua đó, cuốn sách có giá trị kép ở chỗ, bên cạnh kiến thức, hiểu biết về tài chính, người đọc có dịp suy ngẫm về sự hiếu thuận, lòng biết ơn. Những thông điệp đưa ra không hề khiên cưỡng mà tác động nhẹ nhàng nhưng trực diện đến người đọc.
Tác giả Lê Thị Thúy Sen chia sẻ: “Khó khăn nhất khi tôi viết là truyền đạt kiến thức về tài chính, ngân hàng mà ai đọc cũng gặp hình ảnh của mình ở đó, dễ hiểu, dễ áp dụng và giàu tính nhân văn, giáo dục để hướng đến những điều tốt đẹp. Ca dao, tục ngữ, thành ngữ, truyền thống, văn hóa, lịch sử dân tộc đã giúp tôi dẫn dắt kiến thức tài chính, ngân hàng một cách mộc mạc, dễ hiểu đến bạn đọc”.
Các chuyên gia tài chính cũng đánh giá cao về cuốn truyện. TS Lê Xuân Nghĩa- Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho rằng đây là cuốn truyện tranh thường thức độc đáo, sáng tạo về tài chính – ngân hàng đầu tiên của Việt Nam dành cho trẻ em, gia đình và phần lớn chúng ta.
“Tôi mong các nhà giáo dục nghiên cứu đưa vào chương trình giáo dục cho học sinh, góp phần rút ngắn con đường trở nên an lành và thịnh vượng của cộng đồng” – ông nói.
Trong khi đó, PGS.TS Trương Gia Bình- Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần FPT cũng cho rằng cuốn sách có ý nghĩa nâng cao dân trí quốc gia về tài chính, cho chúng ta nhiều suy nghĩ về cuộc sống và ai đọc cũng thấy mình ở trong đó. “Người đọc sẽ có được kiến thức, tránh rủi ro tài chính và đầu tư, sống có khát vọng, trách nhiệm hơn với bản thân, gia đình và xã hội”.
Đây cũng là cuốn truyện tranh lần đầu tiên có nhiều ca dao, tục ngữ, thành ngữ nhất tại Việt Nam đến thời điểm này (với hơn 80 câu), đã truyền cảm hứng về tình yêu thương, nhân ái, tình yêu quê hương đất nước, tình yêu lao động.
Bà Anna Szalwicki - Phó điều phối viên Dự án hợp tác các Ngân hàng Tiết kiệm Đức DSIK khu vực Đông Nam Á nhận xét:
“ Phổ cập tài chính và hiểu biết các kiến thức tài chính cơ bản đóng vai trò quan trọng không chỉ ở Việt Nam mà cả trên toàn thế giới. Năm 2020, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã công bố một số thông tin thú vị về phổ cập tài chính trên toàn cầu và chúng ta có thể thấy rằng có nhiều quốc gia cần cải thiện trong vấn đề này. Tại Việt Nam, đã có nhiều việc diễn ra kể từ khi công bố Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia vào năm 2020. Tại Việt Nam, việc tăng cường các kiến thức tài chính cho tất cả mọi người là rất quan trọng. Điều quan trọng là Chính phủ rất ủng hộ việc này, và chiến lược tài chính toàn diện quốc gia sẽ giúp mang lại một tương lai tài chính tốt hơn".