Hơn 200 người dân được tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi bò H’Mông
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang vừa phối hợp với Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò cái sinh sản và hướng dẫn quản lý vật nuôi bằng phần mềm quản lý vật nuôi theo mã QR Code - Version 1.0.
Theo đó, đối tượng tập huấn là cho cán bộ MTTQ xã, cán bộ văn hóa, thú y xã, Bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng Ban Công tác Mặt trận và 100 hộ gia đình dân tộc Mông tham gia Dự án liên kết hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bò H’Mông tại các xã Đông Thọ, huyện Sơn Dương; xã Yên Phú, Yên Lâm, Minh Hương huyện Hàm Yên và xã Hùng Lợi, Trung Minh huyện Yên Sơn.
Qua lớp tập huấn, các hộ gia đình đã được giới thiệu về kỹ thuật chăn nuôi bò cái sinh sản H’Mông như: Đặc tính, sức sinh sản, thời điểm phối giống; kỹ thuật xây dựng chuồng trại; kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng bò sinh sản; công tác vệ sinh thú y, tiêm phòng và cách nhận biết điều trị một số bệnh thường gặp ở bò. Tại đây, các hộ dân cũng được giới thiệu về phần mềm quản lý vật nuôi theo mã QR Code; được hướng dẫn cách thức cập nhật thông tin hiện trạng vật nuôi lên hệ thống phần mềm quản lý vật nuôi theo mã QR Code và cách gắn mã QR Code vào vật nuôi.
Thông qua lớp tập huấn giúp các hộ dân trên địa bàn các xã có thêm kiến thức trong việc phát triển chăn nuôi bò; đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng việc số hoá vào chăn nuôi, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp của người dân.
Tại buổi tập huấn, ông Lê Ngọc Tân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang đề nghị UBND các xã quan tâm phối hợp quản lý và triển khai thực hiện Dự án trên địa bàn; đồng thời đề nghị MTTQ huyện Hàm Yên, Yên Sơn, Sơn Dương và MTTQ các xã có hộ gia đình tham gia Dự án phối hợp hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ các hộ gia đình chăn nuôi, chăm sóc bò. Bên cạnh đó, các địa phương cần thường xuyên đôn đốc các hộ gia đình cập nhật tình hình, thông tin hiện trạng của con bò theo kỳ quy định, để đàn bò trên địa bàn sinh trưởng, phát triển tốt, Dự án đạt được hiệu quả cao. Ông Lê Ngọc Tân mong muốn 100 hộ gia đình tham gia Dự án luôn nỗ lực, chăm chỉ, chịu khó, chăm sóc tốt bò của gia đình, qua đó nâng cao thu nhập gia đình, phấn đấu sớm thoát nghèo bền vững.