Vực dậy ngành cá tra
Năm 2024 dự báo sản lượng cá da trơn/cá tra sẽ tăng 2,8% so với năm 2023. Lạm phát toàn cầu có khả năng được kiểm soát, nhu cầu tiêu dùng sẽ hồi phục từ quý II/2024. Từ đó sẽ tạo đà để ngành cá tra khởi sắc.
Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị Tổng kết ngành hàng cá tra năm 2023 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) phối hợp với UBND tỉnh An Giang tổ chức sáng 15/12.
Thông tin tại hội nghị, ông Tôn Thất Thịnh - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh An Giang cho biết, việc sản xuất, tiêu thụ cá tra theo chuỗi giá trị ngành hàng còn bộc lộ nhiều rủi ro, chỉ có rất ít chuỗi giá trị hoàn chỉnh được vận hành có hiệu quả. Việc thất thoát, hao hụt tại các công đoạn sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ còn cao, sự liên kết của các thành viên tham gia chuỗi liên kết chưa thật sự bền vững, đây là khó khăn trong việc tìm và mở rộng liên kết sản xuất tiêu thụ.
"Ngành hàng cá tra là sản phẩm mang lại giá trị xuất khẩu cao, nhưng hiện tại giá bán đang xuống thấp. Hiện tại giá cá tra đang bán tại ao nuôi 26.000 đồng/kg, trong khi giá thành khoảng 27.000 - 28.000 đồng/kg, với mức giá này người nuôi đang lỗ nặng” – ông Thịnh chia sẻ.
Nêu nguyên nhân khiến ngành hàng cá tra của Việt Nam sụt giảm thời gian qua, nhiều ý kiến tại hội nghị cho rằng, do lạm phát toàn cầu khiến nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy sản có xu hướng giảm, hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, lượng hàng tồn kho lớn. Một số quốc gia láng giềng đã phát triển sản xuất cá tra nên giảm nhập khẩu từ Việt Nam. Sản phẩm cá tra còn đơn điệu, sản phẩm giá trị gia tăng chiếm tỉ trọng nhỏ nên chưa tạo ra sự cạnh tranh và giá trị thương mại lớn...
Bên cạnh đó, công đoạn giống, nuôi thương phẩm, thức ăn chiếm tỉ trọng lớn (70 - 80%) trong giá thành sản xuất cá tra; một số cơ sở sản xuất giống nhưng chưa quan tâm đến việc kiểm soát chặt chẽ đàn cá bố mẹ trong quá trình sản xuất giống. Cùng với đó, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu cho một số dòng sản phẩm cá tra, thay vào đó vẫn đang chú trọng cạnh tranh bằng giá bán hơn cạnh tranh bằng chất lượng…
Những khó khăn nói trên đang ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của toàn ngành cá tra.
Để đạt được mục tiêu sản lượng cá tra nuôi thương phẩm đạt 1,7 triệu tấn, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2024, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là hai tỉnh tỉnh An Giang và Đồng Tháp cần tập trung nâng cao chất lượng cá tra giống; trong đó, cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai các đề án, nhiệm vụ nghiên cứu về chọn tạo các tính trạng... theo nhu cầu thị trường; đẩy mạnh công nghệ vaccine phòng bệnh để nâng cao chất lượng giống cá tra.
Theo bà Nguyễn Thị Băng Tâm, Phòng Nuôi trồng thuỷ sản, Cục Thuỷ sản, Bộ NNPTNT, năm 2024 dự báo sản lượng cá da trơn/cá tra sẽ tăng 2,8% so với năm 2023. Lạm phát toàn cầu có khả năng được kiểm soát, nhu cầu tiêu dùng có khả năng sẽ hồi phục từ quý II/2024. Từ đó sẽ tạo đà để ngành cá tra khởi sắc. Theo bà Tâm, sản lượng cá tra dự kiến thu hoạch trong quý I, II/2024 vẫn đáp ứng đủ nhu cầu cho chế biến, xuất khẩu.