Lãi suất huy động tiếp tục giảm
Trong hơn 1 tháng qua, Vietcombank 4 lần giảm lãi suất huy động và đang có mức lãi suất tiền gửi thấp nhất thị trường.
Biểu lãi suất tiết kiệm mới nhất tại Vietcombank giảm đồng loạt 0,2%/năm cho các kỳ hạn tiền gửi dưới 12 tháng. Lãi suất tiền gửi 1-2 tháng xuống mức 2,2%/năm; lãi suất kỳ hạn 3 tháng là 2,5%/năm; lãi suất 3,5%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 6-9 tháng.
Đối với tiền gửi tại quầy kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, Vietcombank giữ nguyên lãi suất 4,8%/năm.
BIDV cũng thông báo giảm lãi suất huy động 0,1 điểm % các kỳ hạn từ 1-11 tháng. Theo biểu lãi suất huy động trực tuyến, kỳ hạn 1-2 tháng còn 3,1%/năm, 3-5 tháng còn 3,4%/năm. Kỳ hạn 6-11 tháng còn 4,4%/năm, 12-36 tháng giữ nguyên 5,3%/năm.
VietinBank, Agribank cùng có mức lãi suất tiết kiệm cao nhất 5,3%/năm.
Tại ACB, lãi suất kỳ hạn 6 tháng còn 3,5%/năm, kỳ hạn 9 tháng 4,6%/năm, và kỳ hạn 12 tháng 4,65%/năm. KienlongBank áp dụng lãi suất các kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng và 12 tháng lần lượt là 5,4%/năm, 5,6%/năm và 5,7%/năm…
Một số ngân hàng thương mại vẫn có mức lãi suất huy động trên 8%/năm nhưng điều kiện để được hưởng lại rất cao. Chẳng hạn, MSB huy động tiền gửi kỳ hạn 12 và 13 tháng với lãi suất cao nhất lên đến 9%/năm nếu đạt điều kiện số tiền gửi từ 500 tỷ đồng. Dưới mức này, lãi suất áp dụng chỉ 5,1%/năm.
Tại PVCombank, lãi suất cao nhất 10,5%/năm nhưng tiền gửi phải từ 2.000 tỷ đồng trở lên và kỳ hạn trên 12 tháng…
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán VNDirect, tính đến cuối tháng 11, bình quân lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng giảm xuống mức 5,14%/năm, giảm thêm 0,2 điểm % so với thời điểm cuối tháng 10 và giảm khoảng 2,7 điểm % so với cuối năm 2022. Như vậy, lãi suất tiền gửi đã thấp hơn giai đoạn Covid-19 (từ đầu năm 2021 đến nửa đầu năm 2022).
Với thực tế này, lãi suất cho vay có khả năng tiếp tục giảm. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), mặt bằng lãi suất đã có xu hướng giảm, lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các ngân hàng thương mại giảm hơn 2 điểm %/năm so với cuối năm 2022. Tính đến 20/12, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức lần lượt là 4,1%/năm và 7,3%/năm.
NHNN cho biết, với tác động có độ trễ của chính sách sau những lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, các biện pháp của NHNN và các cam kết giảm lãi suất cho vay của tổ chức tín dụng, dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Các chuyên gia VNDirect nhận định, lãi suất cho vay tiếp tục duy trì xu hướng giảm trong những tháng cuối năm nay nhờ chi phí vốn của các ngân hàng thương mại giảm nhanh trong thời gian qua.
Tính tới cuối tháng 11/2023, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ghi nhận mức 9,15%, có khả năng cả năm tăng 12%. Các chuyên gia đánh giá, nhu cầu tín dụng nhìn chung vẫn ở mức yếu do nền kinh tế và thị trường bất động sản hồi phục chậm.
Lãi suất huy động giảm nhanh nhưng lãi suất với các khoản cho vay hiện hữu vẫn ở ngưỡng cao, từ 9% đến trên 10%/năm. Các ngân hàng lý giải việc giảm lãi suất cho vay cần có độ trễ từ 3 – 6 tháng so với lãi suất huy động, đồng thời phải đến cuối năm nay, các ngân hàng mới hấp thụ hết nguồn vốn huy động giá cao trước đó.
Trong cuộc họp gần đây với 35 ngân hàng thương mại, Phó Thống đốc Đào Minh Tú thông tin, NHNN yêu cầu những ngân hàng lãi suất còn cao phải tìm biện pháp hạ lãi suất.
“Buổi làm việc rất quyết liệt, cụ thể với những ngân hàng có những mức lãi suất chênh lệch đầu vào, đầu ra còn cao. Hiện có những ngân hàng có mức cho vay bình quân cao, trên 9%. Những ngân hàng này đã được yêu cầu phải giảm lãi suất”, ông Tú cho biết.
NHNN đang nghiên cứu việc công bố công khai lãi suất bình quân của hệ thống tổ chức tín dụng, lãi suất bình quân cho vay của từng tổ chức tín dụng và chênh lệch lãi suất bình quân tiền gửi và cho vay, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người dân lựa chọn ngân hàng có lãi suất thấp.
Trong báo cáo phân tích ngành ngân hàng 2024, Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định lãi suất cho vay sẽ có sự phân hoá về mức độ giảm giữa các ngành nghề. Mặt bằng lãi suất kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm thêm 1 – 1,5 điểm % trong năm 2024.
TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược Việt Nam (VESS) khuyến nghị NHNN tiếp tục duy trì nền lãi suất thấp trong năm 2024 và điều tiết ổn định tỷ giá với trường hợp cần thiết.
Theo chuyên gia này, lãi suất chính sách hiện không có dư địa giảm, lãi suất huy động cũng chạm đáy, nên chỉ còn lãi suất cho vay có dư địa giảm. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại cũng có những khó khăn nhất định.
“Lãi suất huy động trong giai đoạn trước cao nên các ngân hàng không thể lập tức hạ lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng còn phải đối diện với rủi ro về nợ xấu”, ông Thế Anh giải thích.