Kinh tế

Người trồng cam vui vì “được mùa được giá”

Cẩm Kỳ 16/12/2023 09:12

Những ngày này, nông dân tại huyện Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh) đang tất bật chăm sóc vườn cam của mình để chuẩn bị xuất ra thị trường phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán sắp đến. Năm nay, người trồng cam rất phấn khởi vì được cả mùa lẫn giá.

anhbaitren(1).jpg
Bà con phấn khởi vì vụ cam năm nay được cả mùa lẫn giá. Ảnh: Cẩm Kỳ.

Đang tỉ mỉ chăm sóc vườn cam của gia đình, bà Phan Thị Hiền (53 tuổi, trú tại xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc) cho biết, sau nhiều năm mở rộng diện tích, đến nay gia đình bà đã có hơn 1.000 cây cam với 2 loại gồm cam giòn và cam chanh. Mỗi vụ, vườn cam của bà Hiền cho sản lượng từ 40-50 tấn cam xuất bán ra thị trường.

Theo bà Hiền, sau khi trồng cam theo hướng VietGAP và được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh từ năm 2019, sản phẩm cam chanh và cam giòn của gia đình đã khẳng định được thương hiệu. Mỗi năm, 2/3 sản lượng được xuất vào hệ thống siêu thị tại Hà Tĩnh, số còn lại được thương lái và người tiêu dùng thu mua tại vườn với giá cao.

“Hiện nay, cam giòn được bán với giá 50.000 - 55.000 đồng/kg còn cam chanh được bán với giá 25.000 - 30.000 đồng/kg. Thời điểm này, cam đã chín và nếu không thu hoạch thì vẫn có thể để được đến Tết Nguyên đán mà cam vẫn giữ được nguyên vị ngọt, thơm đặc trưng” - bà Hiền chia sẻ.

Còn tại huyện Vũ Quang, cứ đến tháng 12 Dương lịch hàng năm, trên các vườn đồi, người nông dân lại hối hả chuẩn bị mùa thu hoạch cam sau thời gian dài chăm sóc. Theo các hộ nông dân ở đây, giá cam năm nay sẽ tăng vào dịp cuối năm, do đó nhiều gia đình chưa thu hoạch ồ ạt, thay vào đó tập trung chọn tỉa quả chín sớm.

Ông Dương Quốc Thành (trú tại thôn 1, xã Quang Thọ, huyện Vũ Quang) cho biết, gia đình ông đã bắt đầu thu hoạch cam từ đầu tháng 11/2023. Vườn cam của ông Thành được trồng theo phương thức hữu cơ, đảm bảo chất lượng nên được nhiều khách hàng tin tưởng lựa chọn.

“Từ khi sản xuất cam hữu cơ, gia đình tôi đã thay đổi hoàn toàn tập quán sản xuất truyền thống. Thay vì sử dụng thuốc và phân hóa học như trước, gia đình đã sử dụng phân chuồng ủ hoai mục với chế phẩm vi sinh học để bón cho cây. Qua đó, đã bổ sung chất hữu cơ, tăng chất mùn giúp cải tạo, tăng độ phì nhiêu cho đất... giúp chất lượng cũng như giá trị của quả cam được nâng lên” - ông Thành nói.

Theo ông Thành, từ đầu vụ đến nay, gia đình đã thu hoạch được trên 7 tấn quả, thu về hơn 200 triệu đồng, số còn lại đã được thương lái đặt mua và thu hoạch vào dịp Tết nguyên đán. Ngoài ra, vườn cam của ông Thành còn đón các đoàn khách đến tham quan, trải nghiệm và thu hoạch cam tại vườn.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vũ Quang, toàn huyện hiện có gần 2.300ha cam, trong đó có gần 1.700ha cho thu hoạch. Thời gian qua, huyện đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá sản phẩm cam Vũ Quang tới người tiêu dùng, nhân rộng các mô hình kinh doanh, phân phối sản phẩm có thương hiệu cam Vũ Quang. Kết nối tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử và giới thiệu sản phẩm tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh để giúp bà con thuận tiện tiêu thụ.

Không như các giống cam khác, cam bù là giống chín muộn, chín đúng vào dịp Tết Nguyên đán nên giá trị kinh tế cao. Cam bù được trồng chủ yếu ở huyện miền núi Hương Sơn, năm nay người trồng cam nơi đây phấn khởi vì được mùa, được giá.

Anh Nguyễn Văn Quyền (trú tại thôn Kim Lộc, xã Kim Hoa, huyện Hương Sơn) cho biết, năm nay, vườn cam gia đình anh được mùa, cây nào cũng trĩu quả, sản lượng ước đạt hơn 11 tấn.

“Nhờ đầu tư chăm bón, phòng trừ tốt sâu bệnh nên vườn cam bù năm nay của gia đình tôi được mùa, chín đều. Gia đình cũng đã bắt đầu thu hoạch những quả cam nhỏ còn lại để dành vào dịp Tết Nguyên đán, lúc đấy bán được giá cao hơn”, anh Quyền chia sẻ.

Ông Phan Văn Đoài, Chủ tịch UBND xã Kim Hoa cho biết, toàn xã có khoảng 250 hộ trồng cam với gần 750 ha, tập trung tại các thôn Ninh Giang, Kim Lĩnh, Kim Lộc, Cao Trà, Lâm Thuỷ… Năm nay, người dân trồng cam vô cùng phấn khởi vì sản lượng cao hơn so với những năm trước. Trong khi đó, giá cam bù được thu mua tại vườn cũng cao, dao động từ 35.000 - 60.000 đồng/kg.

Theo ông Đoài, cam bù những năm trở lại đây đã trở thành một trong những loại cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện chính quyền địa phương cũng đang tích cực triển khai chuyển đổi số, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm trên các kênh thương mại điện tử để tiếp tục gia tăng giá trị cho sản phẩm đặc sản quê hương.

Tỉnh Hà Tĩnh hiện có hơn 7.200ha diện tích trồng cam, trong đó diện tích cho quả đạt hơn 6.100ha với năng suất khoảng 110 tạ/ha, tổng sản lượng đạt gần 68.000 tấn/năm. Hiện nay, đã có 130 cơ sở sản xuất được cấp chứng nhận VietGAP.

Cẩm Kỳ