Giám sát - Phản biện

Thanh Hóa: Thừa 1.578 nhà văn hóa cấp thôn

Nguyễn Chung 16/12/2023 09:12

Sau khi thực hiện Đề án sáp nhập thôn, tổ dân phố, nhiều địa phương ở Thanh Hóa đang đối diện với tình trạng thừa, thiếu nhà văn hóa. Điều này không chỉ gây lãng phí tài sản công mà còn ảnh hưởng đến việc sinh hoạt cộng đồng của người dân tại các khu dân cư.

anh-bai-duoi(2).jpg
Nhiều nhà văn hóa thôn, khu phố tại Thanh Hóa dôi dư và bị bỏ hoang sau sáp nhập. Ảnh: Nguyễn Chung.

Nơi thừa, nơi thiếu

Tại xã Xuân Dương, huyện Thường Xuân (tỉnh Thanh Hóa) do không đủ số hộ, số khẩu và diện tích theo quy định, thôn Vụ Bản 1 và Vụ Bản 2 đã được sáp nhập lại thành thôn Vụ Bản. Sau khi sáp nhập, số hộ dân của thôn mới tăng lên 400 hộ, điều này cũng đồng nghĩa với việc sử dụng nhà văn hóa cũ trở nên chật hẹp, xuống cấp không còn phù hợp với thực tế, không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của người dân.

Nói về vấn đề này, ông Cầm Bá Thịnh - Phó Trưởng Phòng Nội vụ, UBND huyện Thường Xuân cho biết: Sau khi sáp nhập các thôn, khu phố tại Thường Xuân vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, bất cập như: Địa bàn dân cư miền núi rộng dẫn đến việc người dân đi lại sinh hoạt còn khó khăn. Đến nay, huyện còn nhiều thôn, bản chưa có nhà văn hóa. Trước thực trạng này, huyện đang đề nghị các ngành đầu tư xây dựng mới các nhà văn hóa phù hợp với quy mô dân số để người dân có địa điểm sinh hoạt ổn định.

Tương tự, tại huyện Thọ Xuân, sau khi thực hiện xong công tác sáp nhập, toàn huyện giảm từ 246 thôn, tổ dân phố xuống còn 126 thôn, tổ dân phố. Số lượng thôn, tổ dân phố được giảm nói trên cũng tương ứng với số lượng nhà văn hóa hiện đang bị thừa. Dĩ nhiên, khi các thôn, tổ dân phố được sáp nhập lại thì số hộ và nhân khẩu sẽ tăng lên, vì thế hầu hết các nhà văn hóa còn lại được sử dụng cũng không đủ đáp ứng nhu cầu.

Được biết, sau khi sáp nhập, số hộ, số khẩu tăng lên thì quy mô các nhà văn hóa cũ của các thôn, tổ dân phố không còn phù hợp. Trong khi đó để xây dựng một nhà văn hóa mới có quy mô đáp ứng được yêu cầu cho các thôn mới sau sáp nhập thì cần một nguồn kinh phí lớn, mà số kinh phí này chủ yếu được huy động từ nhân dân, nên cần phải có thời gian.

Chủ động tìm giải pháp

Thanh Hóa là địa phương dẫn đầu cả nước về mục tiêu sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và nhập thôn, tổ dân phố phù hợp định hướng, chương trình phát triển đô thị. Giai đoạn 2019 - 2021, Thanh Hóa đã giảm được 76 xã với gần 1.580 thôn, tổ dân phố. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập, nhiều công trình, trụ sở làm việc, nhà văn hóa, trạm y tế trở nên dư thừa và hiện đang bỏ không, gây lãng phí.

Thực tế cho thấy, một số các công trình tài sản công dư thừa, bỏ hoang trên địa bàn Thanh Hóa chưa được địa phương quan tâm bảo vệ, dẫn đến việc người dân tự ý sử dụng công sở cũ để làm nơi kinh doanh ăn uống; nhà văn hóa thì lại sử dụng sai công năng; rác vứt bừa bãi… Những hệ luỵ từ việc dư thừa tài sản công đang gây lãng phí ngân sách, tài nguyên đất và còn tác động xấu đến dư luận xã hội. Đến nay, Thanh Hóa vẫn đang tìm giải pháp để xử lý thực trạng này. Ngoài tập trung xử lý dứt điểm các trụ sở dôi dư, tỉnh này đang phấn đấu việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, hoàn thành trước ngày 30/11/2024.

Theo thống kê của Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa: Sau khi thực hiện sáp nhập thôn, tổ dân phố, trên địa bàn toàn tỉnh dôi, dư hơn 1.578 nhà văn hóa; các nhà văn hóa đang sử dụng phần đa đều quá tải, xuống cấp, ảnh hưởng đến quá trình sinh hoạt cộng đồng của người dân.

Ông Nguyễn Giang Nam - Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa cho biết: Từ năm 2020, trước thực tế dôi dư các nhà văn hóa sau khi sáp nhập thôn, UBND tỉnh đã có công văn gửi các sở, ban, ngành và các địa phương để hướng dẫn. Theo đó, đối với nhà văn hóa thôn, phố dôi dư sau sáp nhập có vị trí không thuận tiện cho việc đi lại và sinh hoạt của dân cư; diện tích không đủ để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của thôn, phố; cơ sở vật chất xuống cấp: Cho phép các địa phương đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản trên đất đảm bảo đúng quy định của pháp luật và các quy định có liên quan để tạo nguồn xây dựng nâng cấp nhà văn hóa thôn, phố mới.

Đối với nhà văn hóa thôn, phố dôi dư sau sáp nhập, song về cơ sở vật chất, trang thiết bị còn đủ cho các hoạt động sinh hoạt cộng đồng mà hiện tại thôn, phố mới đã có nhà văn hóa đáp ứng cho sinh hoạt thôn, phố thì giữ nguyên các nhà văn hóa dôi dư phục vụ cho sinh hoạt của người cao tuổi, thanh thiếu niên, nhi đồng hoặc tổ chức thành phòng đọc sách, báo của thôn, tổ dân phố…

Nguyễn Chung