Văn hóa

Doanh thu phòng vé và chất lượng phim

Ngọc Mai 16/12/2023 09:14

Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 kết thúc, bộ phim “Tro tàn rực rỡ” đoạt giải Bông sen Vàng, trong khi bộ phim đình đám “Đất rừng phương Nam” trắng tay. Câu chuyện doanh thu phòng vé và chất lượng phim lại gây nhiều tranh cãi.

anh-2-bai-tren.jpg
Cảnh trong phim “Nhà bà Nữ”, kỷ lục doanh thu phòng vé. Ảnh: VCA.

Năm 2023, có 5 bộ phim Việt doanh thu cao nhất phòng vé vượt ngưỡng 100 tỷ đồng. Đây là con số mơ ước của nhiều nhà sản xuất nhưng một số ý kiến vẫn cho rằng đó chưa phải là bức tranh chung của điện ảnh Việt Nam.

Theo đơn vị thống kê Box Office Vietnam, các phim được xếp theo thứ tự doanh thu tăng lần là "Chị chị em em 2”; "Siêu lừa gặp siêu lầy", "Đất rừng phương Nam”, "Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh" và “Nhà bà Nữ”.

Cụ thể, với vị trí dẫn đầu, “Nhà bà Nữ” có doanh thu đạt khoảng 459,6 tỷ đồng trước khi rời rạp. Vị trí thứ 2, “Lật Mặt 6: Tấm vé định mệnh” của Lý Hải đạt doanh thu khoảng 273 tỷ đồng. Xếp thứ 3 là “Đất rừng phương Nam” với 140 tỷ đồng. Đứng thứ 4 và thứ 5, phim “Siêu lừa gặp siêu lầy” doanh thu 121,6 tỷ đồng; “Chị chị em em 2” có doanh thu 121 tỷ đồng.

Tổng doanh thu 5 phim này đạt khoảng 1.100 tỷ đồng. Con số này vượt thành tích năm 2019, khi đó điện ảnh Việt cũng có 5 phim "trăm tỷ" nhưng tổng doanh thu (nội địa) chỉ đạt 789,3 tỷ đồng.

Như vậy, về mặt doanh thu, năm 2023 phim Việt có những thành tựu. Tuy nhiên theo những người trong ngành điện ảnh, không phải phim “trăm tỷ” nào cũng có chất lượng tốt, ngược lại còn gây nhiều tranh cãi, rất nhiều phim mang nặng tính kịch, sân khấu. Dù đạt doanh thu hàng trăm tỷ khi “mang chuông đi đánh xứ người” tham gia cuộc thi quốc tế, phát hành nước ngoài lại nhận được đánh giá không tốt và gần như không có cơ hội lọt vào liên hoan phim quốc tế.

anh-1-bai-tren.jpg
Cảnh trong phim “Tro tàn rực rỡ”, Bông sen Vàng LHP Việt Nam lần thứ 23. Ảnh: VCA.

Trở lại với doanh thu phòng vé. Bộ phim “Tro tàn rực rỡ” giả Bông sen Vàng Liên hoan phim Việt Nam 23, là tác phẩm điện ảnh đầu tiên của Việt Nam từng lọt “top 15” phim tại Liên hoan Phim Tokyo. Phim cũng thắng giải cao nhất tại Liên hoan Phim Ba Lục địa tại Nantes (Pháp). “Tro tàn rực rỡ” được đánh giá cao về mặt nghệ thuật, cách kể chuyện nhưng chỉ thu về 4,1 tỷ đồng.

Điều đáng nói là “Tro tàn rực rỡ” dù được giới chuyên môn trong và ngoài nước đánh giá cao nhưng khi chiếu rạp lại có rất ít người xem. Điều này cũng xảy ra tương tự với bộ phim “Bên trong vỏ kén vàng” - từng đoạt giải Phim đầu tay xuất sắc (Camera d’Or) tại Liên hoan phim Cannes 2023, nhưng khi ra rạp tại Việt Nam doanh thu đạt được chỉ vỏn vẹn 1,4 tỷ đồng.

Thực ra, nghịch lý phim đoạt nhiều giải thưởng nhưng không ăn khách và phim ăn khách nhưng không có giải đã diễn ra từ lâu. Tại các liên hoan phim, ban giám khảo có những đòi hỏi rất khắt khe về nghệ thuật, có những tiêu chí riêng để chấm giải. Nhưng với khán giả, họ không cần biết đến những tiêu chí ấy. Họ đến rạp xem phim vì cảm thấy bộ phim ấy hợp với sở thích của mình và đề cao tính giải trí. Do đó, cũng dễ hiểu vì sao cho đến nay vẫn chưa bộ phim nào vượt qua được “Nhà bà Nữ” với con số doanh thu phòng vé đạt 475 tỷ đồng.

Vậy phải chăng có độ vênh rất lớn giữa khái niệm phim nghệ thuật và phim thị trường?

Lâu nay, chúng ta đã nói nhiều đến việc cân bằng, đảm bảo hài hòa giữa yếu tố thương mại và nghệ thuật của các tác phẩm điện ảnh. Tuy nhiên, đi tìm sự cân bằng đó là rất khó khăn.

Trở lại với phim “Nhà bà Nữ”, doanh thu kỷ lục 475 tỷ đồng, trước đó chỉ trong 4 ngày ra rạp đã thu được tới 100 tỷ đồng. Trong khi đó, phim “Huyền sử vua Đinh” chỉ thu 39 triệu đồng sau 5 ngày chiếu. So sánh để thấy khoảng cách quá lớn của doanh thu “kịch trần” và “chạm đáy” ở thị trường phim trong nước.

Giới chuyên môn cho rằng, khi điện ảnh Việt bước vào cơ chế thị trường nhiều người đổ xô làm phim dạng mùa vụ, ăn xổi. Từ đó có những cảnh báo về chất lượng thả nổi, nhiều phim hài nhảm xuất hiện và thắng thế về doanh thu.

Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, cũng khó có thể mãi chấp nhận việc những bộ phim được giới “cầm trịch” đánh giá cao, nhưng doanh thu rất lẹt đẹt, có nghĩa là không có người xem. Không thể mãi chuyện “con hát mẹ khen hay”, mà phải tìm đường cho những bộ phim được cho là đầy đủ chất lượng nội dung cũng như nghệ thuật ra rạp, đến với công chúng.

Nếu đầu tư sản xuất phim, tham dự liên hoan, có thể được giải nhưng rồi lại “cất vào kho” thì thật sự lãng phí.

Không cổ vũ cho dòng phim “mì ăn liền” kéo lùi sự tiến bộ của điện ảnh đích thực, nhưng cũng rất cần tìm ra cách tiếp cận mới cho những bộ phim được giới chuyên môn đánh giá cao.

Nhiều ý kiến cho rằng, vướng mắc nhất chính là khâu kịch bản. Nhiều bộ phim dự giải nặng về kể chuyện, trình bày, đôi khi còn sáo rỗng. Kịch bản từ lâu đã được coi là điểm yếu chí mạng của phim Việt. Nói như ông Jung Tae Sun - Tổng giám đốc CJ HK Entertainment thì điện ảnh Việt Nam có rất ít biên kịch. Biên kịch ở Việt Nam chưa được coi là một nghề có thể kiếm được nhiều tiền.

Còn theo NSND Trọng Trinh, có rất nhiều câu chuyện cần bàn nhưng rõ nhất là đang thiếu người viết sung sức, tài năng, nên kịch bản hay khó kiếm. Và điều đó thể hiện ngay trong việc nhiều bộ phim không đến được với người xem.

Ngọc Mai