Đình trệ các dự án bất động sản du lịch
Cả nước hiện có hơn 200 dự án bất động sản du lịch đã triển khai nhưng hơn một nửa đình trệ hoặc ế ẩm vì nhiều lý do.
Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cả nước hiện có hơn 200 dự án bất động sản du lịch đã triển khai với gần 100.000 căn condotel, 3.000 căn biệt thự, 15.000 phòng khách sạn mới. Tuy nhiên, hơn một nửa số dự án này đang đình trệ, ế ẩm vì các vấn đề pháp lý hoặc thị trường.
“Nếu tình trạng này tiếp tục xảy ra sẽ không khuyến khích việc đầu tư vào ngành du lịch, làm nản lòng các nhà đầu tư, ngay cả chính quyền địa phương muốn thúc đẩy đầu tư cũng sẽ gặp nhiều khó khăn”, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nói. Việc tồn kho bất động sản nghỉ dưỡng đang gia tăng thêm áp lực cho phân khúc này.
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels nhận định, tình trạng dư cung bất động sản nghỉ dưỡng bắt nguồn từ việc tạo ra những sản phẩm chưa phù hợp với điều kiện thị trường. Một số chủ đầu tư vội vàng tham gia thị trường khi chưa nghiên cứu thấu đáo trong quá trình hoạch định, dẫn đến tình trạng chênh lệch cung cầu tại một số điểm đến. Bên cạnh đó, ở một số dự án bất động sản nghỉ dưỡng còn xuất hiện tình trạng chú trọng số lượng hơn chất lượng.
Việc thiếu cân nhắc các yếu tố đặc điểm thị trường, xu hướng trong ngành tiềm ẩn nhiều rủi ro khi các dự án được phát triển nhưng không đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách. Trong khi đó, thay vì các điểm đến trong nước, du khách Việt Nam có thể du lịch nước ngoài rất thuận tiện và dễ dàng hơn với chi phí không chênh lệch nhiều so với đi trong nước. Do đó, họ có thể lựa chọn thay đổi “khẩu vị”.
Theo khảo sát của DKRA Group, tổng lượng tồn kho các tài sản nhà liền thổ ven biển tăng lên 30.000 sản phẩm. Riêng sản phẩm biệt thự biển, tồn kho lũy tiến đến cuối quý II/2023 lên đến 15.000 căn.
Những dự án có đủ điều kiện mở bán thì tỷ lệ tiêu thụ cũng rất thấp. Báo cáo tháng 11 của DKRA cho thấy, cả nước chỉ có 46 căn biệt thự nghỉ dưỡng được mở bán, giảm 73% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ hấp thụ chỉ dừng ở mức 30%. Miền Nam và miền Trung không ghi nhận dự án mới chào hàng. Sức cầu thị trường cũng không cao với 14 căn biệt thự được giao dịch thành công, giảm 67% so với cùng kỳ năm ngoái. Thanh khoản sụt giảm, hơn 80% dự án sơ cấp đã phải đóng “giỏ hàng” để điều chỉnh giá và chính sách bán hàng.
Mặc dù nhiều chủ đầu tư vẫn tiếp tục áp dụng các chương trình hỗ trợ lãi suất, ưu đãi chiết khấu nhanh 40 - 50% nhằm kích cầu thị trường nhưn việc này chưa đủ để thay đổi tình hình trong bối cảnh ngành du lịch cũng chưa phục hồi như kỳ vọng. Thêm vào đó là áp lực đáo hạn trái phiếu những tháng cuối năm.
Một doanh nghiệp phát triển bất động sản nghỉ dưỡng ở TPHCM cho hay đơn vị có hơn 200 căn nhà phố, biệt thự nghỉ dưỡng, shophouse ven biển đang “đắp chiếu” vì vướng các vấn đề liên quan pháp lý. Những dự án đang mở bán cũng đang trong tình trạng ế ẩm, dù đã giảm giá nhưng không có khách mua.
Vì lượng hàng tồn kho lớn nên doanh nghiệp này đang rất chật vật trong việc xoay sở dòng tiền để chi trả lương nhân viên và duy trì hoạt động. Doanh nghiệp đang tung ra các chương trình ưu đãi, khuyến mãi để tăng khả năng bán hàng dịp cuối năm.
Một doanh nghiệp phát triển bất động sản nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng cho hay cũng đang rơi vào tình cảnh tương tự khi các sản phẩm nhà phố ven biển tiêu thụ rất chậm. Sản phẩm biệt thự nghỉ dưỡng có giá trị cao thì giá trị tồn kho chiếm 95% rổ hàng hóa của doanh nghiệp.
Theo khảo sát của DKRA Group, tổng lượng tồn kho các tài sản nhà liền thổ ven biển tăng lên 30.000 sản phẩm. Riêng sản phẩm biệt thự biển, tồn kho lũy tiến đến cuối quý II/2023 lên đến 15.000 căn.