Đừng để ‘tử vong sớm’ vì ô nhiễm không khí
Cứ vào thời điểm cuối năm tình trạng ông nhiễm không khí ở Hà Nội lại được “báo động”. Đây là vấn đề không mới, song tại sao tình trạng này vẫn lặp lại? Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, cho rằng cần giảm ô nhiễm không khí ở tất cả các nguồn thải bằng những biện pháp quyết liệt hơn.
PV: Thưa ông, gần đây chất lượng không khí tại Hà Nội liên tục ở ngưỡng có hại cho sức khỏe. Mặc dù thời gian qua chúng ta đã hạn chế việc đốt rơm rạ, xóa nhiều lò gạch thủ công, di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội đô song hiện ô nhiễm không khí vẫn diễn ra. Theo ông nguyên nhân là do đâu?
TS HOÀNG DƯƠNG TÙNG: Đúng là trong thời gian qua chúng ta đã giảm một số nguồn gây ô nhiễm như: đốt rơm rạ, di dời một số các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khu vực ngoại thành. Thế nhưng số cơ sở sản xuất rút, di dời ra khỏi nội thành là rất nhỏ, không đáng bao nhiêu. Bây giờ cần tiếp tục di dời tiếp nhiều cơ sở hơn nữa. Bên cạnh đó, việc đốt rơm rạ tuy có giảm so với trước nhưng thỉnh thoảng vẫn diễn ra, chứ chưa phải là đã hết hẳn. Chưa kể, đặc điểm của ô nhiễm không khí, bụi có việc “xuyên biên giới”, tức là có cái ngay trong nội đô, nhưng có nhiều cái từ ngoại thành, các tỉnh khác vào.
Nguồn thải ở Hà Nội chủ yếu ở các cơ sở sản xuất tại các làng nghề tái chế nhựa, sắt, giấy. Số này lại đang gia tăng. Đốt rơm rạ đã giảm, diễn ra trong từng thời điểm, thế nhưng đốt rác lại diễn ra quanh năm suốt tháng. Một vấn đề nữa đó là nguồn ô nhiễm từ chính các nguồn xả thải của các phương tiện tham gia giao thông, trong đó có 6 triệu xe.
Tóm lại, nguồn phát thải không giảm, mà lại tăng lên, và khi không kiểm soát tốt các nguồn thải thì dẫn đến ô nhiễm không khí.
Có một thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra rằng, mỗi năm Việt Nam có 60.000 người chết vì ô nhiễm không khí. Ông có suy nghĩ gì về thống kê này?
- Tôi cho rằng không phải “chết” mà là “tử vong sớm”. Nghĩa là thay vì sống được từng này tuổi nhưng tử vong sớm hơn vì bị ảnh hưởng sức khỏe và giảm tuổi thọ bởi mắc các bệnh có liên quan đến ô nhiễm không khí.
Thưa ông, tình trạng bụi mịn PM 2.5 tại Hà Nội trong những ngày gần đây đã ở mức đáng báo động?
- Bụi mịn PM 2.5 tại Hà Nội đã ở mức báo động vài năm nay nhưng bị ảnh hưởng theo mùa. Tức là mùa hè có gió, mưa rửa trôi đi chứ không phải là ít ô nhiễm. Mưa bão, gió mạnh như “cái quạt” làm giảm nồng độ bụi. Còn mùa đông thì gió lặng, trời ẩm thấp cho nên bụi lơ lửng và không thoát ra được chỗ khác. Xe cộ vẫn chạy như thế, sản xuất vẫn vậy. Có hôm sáng rất ô nhiễm, nhưng đến chiều thì lại sạch. Đó là do gió mạnh thổi bạt đi. Chúng ta nói vui là “nhờ trời”, chứ thực tế chúng ta làm được ít quá.
Vậy theo ông chúng ta cần giải pháp nào để khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội?
- Bây giờ cần giảm ô nhiễm khí thải ở tất cả các nguồn. Như thế sẽ dần dần giảm ô nhiễm không khí. Đặc biệt chúng ta có các nguồn thải khác nhau, thì cần nghiên cứu xem mỗi nguồn “đóng góp” bao nhiêu % để từ đó tập trung giảm ô nhiễm ở nguồn đó.
Ví dụ nguồn thải từ các phương tiện giao thông thì cần có biện pháp để giảm và kiểm soát khí thải từ các phương tiện giao thông. Có ý kiến đưa ra đề xuất rằng, kiểm tra khí thải xe máy phải như đối với xe ô tô. Nếu đạt chuẩn mới cho lưu hành, nếu không phải yêu cầu đi bảo dưỡng, và phải dán tem lưu hành. Đây là vấn đề trách nhiệm cần sự vào cuộc tham gia của toàn bộ người dân chứ không chỉ riêng Nhà nước. Không phải khi thấy Nhà nước đưa ra yêu cầu thì lại cho rằng như vậy là đắt tiền, tốn kém.
Ngoài ra, cần phải tăng số lượng xe điện lên. Chúng ta cần có những khuyến khích, ưu đãi về giá xe điện, tăng cường các trạm sạc điện. Bên cạnh đó cũng cần đảm bảo an toàn với các phương tiện sử dụng điện, cần có những chỉ đạo quyết liệt, kiểm tra, kiểm soát và tăng cường các trạm sạc an toàn để người dân sử dụng.
Hệ thống xe buýt, xe ô tô cũng cần có chính sách cho xe điện. Thậm chí ở một số khu vực chỉ cho phép xe điện được đi vào, còn xe máy không cho vào, đó gọi là khu vực “phát thải thấp”.
Về giải pháp lâu dài cần tăng cường hệ thống giao thông công cộng. Ví dụ tăng cường xe điện trên cao, xe buýt, chỉnh trang hè phố để người dân đi bộ, giải tỏa các khu vực bị ùn tắc giao thông.
Bên cạnh đó, phải giảm thiểu ô nhiễm từ các cơ sở sản xuất. Muốn vậy chúng ta phải biết cơ sở nào phát thải cái gì? Phát thải bao nhiêu? Đây là cái chúng ta mới nói chung chung chứ chưa làm được. Cần đi đến các làng nghề tái chế yêu cầu họ phải thực hiện theo các quy định về bảo vệ môi trường. Chúng ta vừa cương quyết xử lý, nhưng cũng cần hỗ trợ cho họ.
Vừa qua hầu như các cơ sở sản xuất không đầu tư cho các thiết bị xử lý khí thải, cứ thế “ăn” vào môi trường, kiếm lời từ chỗ đó. Vậy chính quyền phải có giải pháp thế nào? Chúng ta không thể làm được ngay trong một sớm một chiều, mà cho họ thời hạn để họ chuyển đổi. Nhưng cần cương quyết, dần dần sau một thời gian thực hiện, nếu họ không đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn thì phải yêu cầu họ đóng cửa.
Rồi chuyện đốt rác thì phải đồng bộ với các phương án thu gom xử lý rác thải. Tăng cường trách nhiệm của người dân, và người dân phải trả tiền cho việc xả rác của mình.
Mỗi nguồn thải có những giải pháp khác nhau. Có cái ngắn hạn, cái trung hạn, cái dài hạn. Chúng ta cứ nói ô nhiễm, tại vì nguyên nhân này, nguyên nhân kia. Giải pháp đã có, nhưng chưa thực hiện biện pháp đủ mạnh mẽ để giảm nguồn thải xuống. Thành ra cứ tiếp tục ô nhiễm là như vậy. Quan trọng là chúng ta phải vào cuộc.
Trước kia, Thủ đô của một vài nước cũng bị ô nhiễm rất lớn nhưng đến giờ đã giảm. Vậy thành công đó có giúp ích cho chúng ta bài học kinh nghiệm nào không, thưa ông?
- Đúng vậy. Chẳng hạn như Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) làm rất quyết liệt, bền bỉ trong hơn 10 năm liên tục. Mỗi năm họ dùng trên 100 tỷ USD để giảm ô nhiễm không khí. Bởi xung quanh Bắc Kinh có rất nhiều nhà máy nhiệt điện, họ yêu cầu cương quyết đóng cửa nhà máy nhiệt điện chạy than.
Bên cạnh đó, các nước họ kiểm soát khí thải của ô tô rất nghiêm ngặt, tăng cường xe điện, xe buýt, xe công cộng. Cương quyết phạt và siết chặt các quy chuẩn khí thải. Bền bỉ trong hơn 10 năm, và mỗi năm nhích một tý, giảm một chút, và họ đặt ra mục tiêu trong 2 năm phải giảm bao nhiêu, xác định rõ giảm ở nguồn nào và ưu tiên cái nào.
Chúng ta hoàn toàn có thể học được kinh nghiệm của họ. Ví dụ nếu đi kiểm tra mà thấy cơ sở sản xuất của anh ô nhiễm thì phạt, thậm chí cho đóng cửa. Rồi về giao thông, chúng ta cần kiểm soát việc xả thải của xe máy như tôi đã nói ở trên. Hay khuyến khích mua và sử dụng xe điện, đầu tư các hệ thống giao thông công cộng. Tất nhiên là cũng tốn tiền. Đây là cái chúng ta cần học tập và làm ngay.
Bây giờ chúng ta có nhiều cơ hội để có thể triển khai. Chúng ta cũng có thể tiếp thu được nhiều kinh nghiệm đã thành công của nhiều nước khác. Như vấn đề rác thải cần quản lý tốt hơn. Ví dụ xây các nhà máy đốt rác và phân loại rác tại nguồn thì phải triển khai hệ thống đó để người dân đổ rác và thu gom cho đầy đủ. Tức là mỗi giải pháp cần cụ thể hóa để làm.
Chúng ta quyết tâm thì kiểu gì cũng làm được. Tất cả cần có giải pháp, có sự theo dõi, và có người quản lý thực hiện. Nhưng ngay cả bộ máy quản lý và kinh phí của ta dành cho môi trường đang rất ít. Thiếu nhiều cán bộ có thể hiểu biết sâu về không khí, kiểm soát các nguồn không khí.
Hệ thống luật pháp của ta có, nhưng nặng về tiền kiểm còn hậu kiểm là chưa tốt. Cho nên nhiều cái vẫn bị “nhờn”. Các nước họ tập trung vào hậu kiểm, nghĩa là cho anh làm nhưng tôi sẽ thanh, kiểm tra. Nếu phát hiện vi phạm thì phạt, yêu cầu đóng cửa, không cho phép kinh doanh chứ không phải kiểu phạt xong vẫn cho tồn tại. Chúng ta cần hành động quyết liệt chứ không thể để mãi như thế.
Trân trọng cảm ơn ông!