Mặt trận

Huỳnh Lan Khanh - người cán bộ Mặt trận dũng cảm, bất khuất

HỒNG LAM 18/12/2023 07:25

Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam thành lập ngày 20/12/1960 với sứ mệnh đoàn kết, tập hợp toàn dân kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà. Dưới ngọn cờ vẻ vang và lời hiệu triệu mạnh mẽ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, nhân dân miền Nam đã chiến đấu quả cảm, kiên cường đến thắng lợi cuối cùng.

bai-chinh-3-.jpg
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng tặng hoa và trao Thư cảm ơn cho bà Huỳnh Xuân Thảo – đại diện gia đình kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Biết bao anh hùng, liệt sĩ và người dân đã anh dũng ngã xuống cho đất nước được hòa bình, thống nhất, trong đó có người cán bộ Mặt trận trẻ tuổi, liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Huỳnh Lan Khanh.

Huỳnh Lan Khanh sinh ngày 14/9/1948, là con gái của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, Phó Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam và bà Bùi Thị Nga. Khi gần 2 tuổi, bố mẹ tham gia hoạt động cách mạng, Huỳnh Lan Khanh được gửi cho bà ngoại và dì ruột nuôi dưỡng tại phường Đa Kao, TPHCM. Lớn lên, Huỳnh Lan Khanh theo học tại Trường nữ sinh Gia Long. Năm 17 tuổi (đang học lớp Đệ Nhị - Tú Tài 1), Huỳnh Lan Khanh được tổ chức chọn là “hạt giống đỏ” đưa ra miền Bắc đào tạo nhưng chị cương quyết xin được ở lại miền Nam tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chị đảm nhận công tác văn thư ở văn phòng cơ quan Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tại căn cứ Suối Chò, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Dù sức vóc nhỏ bé nhưng ngoài công tác văn phòng, Huỳnh Lan Khanh còn tích cực tham gia nhiều công việc khác tại căn cứ: đào hầm trú ẩn, công sự chiến đấu, gặt lúa, trồng rẫy khoai mì, tải gạo, làm cấp dưỡng…

untitled-1(1).jpg
Liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Huỳnh Lan Khanh cùng chiếc túi vải là một trong những kỷ vật cuối cùng của chị được trưng bày tại Bảo tàng MTTQ Việt Nam. Ảnh: Gia đình cung cấp.

Ngày 26/3/1968, Ban Thường vụ Đoàn ủy Liên cơ Dân – Chính - Đảng Trung ương Cục miền Nam đã có chỉ thị phát động học tập gương dũng cảm, bất khuất của nữ đoàn viên Huỳnh Lan Khanh trong toàn thể Đoàn viên Thanh niên Cộng sản các cơ quan. Ngày 25/4/2015, liệt sĩ Huỳnh Lan Khanh được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Tên chị đã được đặt tên đường tại TP Hồ Chí Minh từ năm 2008.

Tối ngày 3/1/1968, đồng chí Sáu Kiên, phụ trách Văn phòng cơ quan Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam triệu tập các bộ phận để sắp xếp phân công anh chị em ngày mai đi tải gạo gồm 5 người: Nguyễn Thị Vui, Nguyễn Chiến Thắng, Phạm Văn Thái, Nguyễn Ngọc Ánh và Nguyễn Văn Thanh. Sáng hôm sau, khi anh em chuẩn bị lên đường thì Huỳnh Lan Khanh năn nỉ xin đi cùng và được đồng chí Sáu Kiên đồng ý. Đoàn tải gạo có 6 người, được bố trí 2 xe đạp. Đồng chí Nguyễn Chiến Thắng mang theo khẩu AK, Phạm Văn Thái mang khẩu CKC, Phạm Thị Vui mang khẩu cácbin. Ai cũng phải bồng tải gạo. Gần 7 giờ sáng ngày 4/1/1968, đoàn lên đường. Phạm Thị Vui và Huỳnh Lan Khanh mỗi người một xe đạp. Khi đó đang là mùa mưa nên đường có nhiều đoạn lầy lội khó đi, đến chỗ nào khó thì các anh trong đoàn đẩy xe giúp. Khi đến gần chỗ nhận gạo, đường khô ráo, hai chị đạp xe chạy trước đoàn cùng với đồng chí Nguyễn Chiến Thắng và không may lọt vào ổ phục kích của địch ở bìa Trảng Dầu (Suối Chò, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh). Huỳnh Lan Khanh bị thương và bị địch đưa lên trực thăng. Để giữ vững khí tiết, chị đã nhảy từ trên trực thăng xuống và anh dũng hy sinh khi chưa tròn 20 tuổi. Khi bom đạn đã lắng xuống, đồng đội của chị quay lại tìm nhưng không thấy. Năm ngày sau, một đơn vị khác phát hiện thi thể của liệt sĩ Huỳnh Lan Khanh nằm sát ven rừng (cách trận địa khoảng 400m). Đồng đội đã đưa thi thể của liệt sĩ Huỳnh Lan Khanh về làm lễ mai táng theo đúng thủ tục quy định. Mộ phần của chị được đặt trên nền một kho gạo giữa hai phần mộ của hai người đồng đội đã hy sinh cùng chị.

Khi đang ở huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh, cấp tập chuẩn bị cho chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát và bà Bùi Thị Nga nhận được tin con gái hy sinh. Hai ông bà vô cùng đau xót nhưng nén nỗi đau để tiếp tục nhiệm vụ cách mạng quan trọng đang ở giai đoạn nước rút. Trong hồi ký “Đám cưới giữa mùa thu” bà Bùi Thị Nga xúc động chia sẻ: Khi vừa nhận được tin con gái hy sinh cũng là lúc bà được đề nghị ra tiếp và bố trí cho đoàn thanh niên nam nữ Việt Nam ở Campuchia tự nguyện về nước chiến đấu.

Ông Nguyễn Văn Thanh, người đã sát cánh chiến đấu ứng cứu liệt sĩ Huỳnh Lan Khanh, 55 năm đã trôi qua vẫn ghi nhớ trong ký ức về tấm gương hy sinh bất khuất, “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của liệt sĩ Huỳnh Lan Khanh cùng với sự trân trọng, cảm phục.

Bà Phạm Thị Vui, người bạn thân thiết, gắn bó, người đã cùng đạp xe với liệt sĩ Huỳnh Lan Khanh trong chuyến đi tải gạo cuối cùng năm ấy rưng rưng xúc động trải lòng: “Lan Khanh lúc nào cũng khiêm tốn, ân cần, thân thiện với mọi người. Lan Khanh đeo kính cận, hiền lành, hay cười và không nề hà bất cứ việc gì. Tôi thương Lan Khanh hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ...”.

Chiếc túi vải là một trong những kỷ vật cuối cùng của Liệt sĩ Huỳnh Lan Khanh mà đồng đội tìm thấy lúc chị hy sinh. Chiếc túi màu xanh tím than, kích thước 20x19cm, phía trên có dây buộc theo kiểu dải rút cùng màu với túi. Bề mặt của túi một số chỗ bị ố, rách và còn dính những vệt máu của người con gái anh hùng. Chị đã kiên cường hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì màu xanh bình yên cho cỏ cây đại ngàn Tây Ninh.

Kỷ vật thiêng liêng của liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Huỳnh Lan Khanh không những đã làm phong phú thêm bộ sưu tập của Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về bề dày truyền thống và những đóng góp to lớn của gia đình kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà, cho sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, cho công tác Mặt trận mà còn có ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ Việt Nam như những điều mà nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo từng viết trong bài thơ “Con đường của những vì sao”: Tuổi trẻ như sao trời mát mắt/ Khi yên bình hạnh phúc ngước nhìn lên/ Và cháy bùng như lửa thiêng liêng/ Khi giặc giã đụng vào bờ cõi...

HỒNG LAM