Chung sức, đồng lòng vượt qua thách thức
Trong khó khăn, toàn hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh Bình Dương đã nỗ lực vượt qua những khó khăn. Nhờ vậy mà đã duy trì tăng trưởng kinh tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh từng bước phục hồi tích cực, đời sống người dân được cải thiện.
Thị trường hàng hoá bình ổn
Phát biểu tại Kỳ họp thứ 13 - Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Bình Dương khóa X, ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương nhấn mạnh, năm 2023 diễn ra trong bối cảnh nhiều biến động phức tạp, khó khăn, thách thức lớn hơn so với thời cơ và thuận lợi. Diễn biến bất lợi, khó lường của tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới và trong khu vực đã tác động mạnh mẽ tới tăng trưởng kinh tế, đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu của cả nước nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng.
“Trong bối cảnh đó, toàn hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã chung sức đồng lòng, nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức, tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế; hoạt động sản xuất, kinh doanh từng bước phục hồi tích cực, đời sống người dân, thu nhập người lao động được cải thiện”, ông Lộc nhấn mạnh.
Trình bày báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024, Phó Chủ tịch UBND Bình Dương Nguyễn Lộc Hà cho biết, năm 2023, Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng gần 6%, GRDP bình quân đầu người đạt 172 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp - thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm với tỷ trọng tương ứng là 66,26% - 23,71% - 2,64% - 7,39%.
Kinh tế có sự chuyển biến rõ nét, quý sau cao hơn quý trước; trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của toàn nền kinh tế, chiếm hơn 66% cơ cấu và đóng góp khoảng 70% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm. Khu vực dịch vụ tăng trưởng mạnh mẽ, khu vực nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định.
Thương mại và dịch vụ phục hồi nhanh ở tất cả các ngành, các hoạt động dịch vụ, vui chơi giải trí diễn ra sôi động. Nguồn cung hàng hóa dồi dào, Chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát. Tỉnh đã triển khai thực hiện hiệu quả chương trình bình ổn thị trường, dự trữ hàng hóa trong dịp lễ, Tết; nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nguyên nhiên liệu thiết yếu luôn được bảo đảm nên giá cả hàng hóa ổn định, không có biến động lớn, đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ sản xuất của doanh nghiệp và đời sống của người dân. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ ước đạt gần 304 ngàn tỷ đồng, tăng 13,5% so với năm trước.
Cơ cấu nội ngành công nghiệp cơ bản có chuyển biến tích cực, giảm dần ngành công nghiệp khai khoáng và từ các ngành thâm dụng lao động sang các ngành công nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên vẫn còn nhiều doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng phải thu hẹp quy mô, thậm chí ngừng hoạt động nên Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước chỉ tăng 5,95% so với năm trước, năm 2022 tăng 8,8%.
Ngành Nông nghiệp từng bước chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; tiếp tục cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn có cấp mã vùng trồng truy xuất nguồn gốc.
Đầu tư công đạt giá trị giải ngân cao hơn gần 9.400 tỷ đồng so với cùng kỳ. Đến 1/12/2023, tổng giá trị giải ngân 14.065 tỷ đồng, đạt 115,4% kế hoạch Trung ương giao.
Chất lượng quy hoạch từng bước được nâng cao và phát huy kết quả tích cực trên thực tiễn, tạo ra cơ hội, không gian phát triển mới khi thực hiện điều chỉnh và lập mới một số quy hoạch tại tỉnh. Trong năm đã tổ chức khởi công 2 gói thầu thuộc dự án thành phần 5 đường Vành đai 3; thường xuyên kiểm tra tiến độ, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn các dự án giao thông trọng điểm: Quốc lộ 13, đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng; tiếp tục phối hợp các địa phương, đơn vị có liên quan nghiên cứu, đề xuất triển khai các thủ tục đầu tư tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Chơn Thành.
Xem xét nhiều nghị quyết quan trọng
Cũng tại kỳ họp, HĐND tỉnh Bình Dương xem xét thông qua 22 dự thảo Nghị quyết trên các lĩnh vực phục vụ công tác quản lý, điều hành của UBND tỉnh và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Trong đó có những nội dung cấp thiết, góp phần nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân, đáp ứng kịp thời tiến độ về xây dựng cơ sở hạ tầng, đáp ứng nhu cầu thực tiễn về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, như: Thu, chi và quyết toán ngân sách địa phương; Kế hoạch đầu tư công năm 2024; biên chế công chức và biên chế sự nghiệp, người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Đây là những nghị quyết mang tính chất định kỳ phải được ban hành vào kỳ họp thường lệ cuối năm để làm cơ sở pháp lý cho việc điều hành quản lý của tỉnh trong năm tiếp theo.
Đặc biệt, HĐND tỉnh Bình Dương còn xem xét, ban hành những chính sách đặc thù như chính sách hỗ trợ cho ngành Y tế, chính sách hỗ trợ sinh viên ngành Điều dưỡng và Hộ sinh. Hai nội dung chính sách này được kỳ vọng sẽ là cơ sở để tăng cường nguồn nhân lực ngành Y tế trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Ngoài ra, kỳ họp cũng xem xét ban hành các chính sách đặc thù về hỗ trợ cho cấp ủy viên chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở, trực thuộc Đảng bộ bộ phận, cấp ủy viên Đảng ủy bộ phận; người làm việc ở Bộ phận Một cửa các cấp. Chính sách hỗ trợ cho các Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh cũng là nội dung được quan tâm và mong chờ thông qua tại kỳ họp nhằm động viên cho những người tham gia vào công tác này nỗ lực nhiều hơn, đóng góp nhiều hơn cho mục tiêu chuyển đổi số của tỉnh.
HĐND tỉnh trình xin ý kiến Thường trực HĐND tỉnh thực hiện chất vấn đối với 4 nhóm vấn đề như: Công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường; Công tác quản lý Nhà nước đối với các thiết chế văn hóa; Công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân; Công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và bảo vệ an ninh trật tự.
Qua đó, HĐND tỉnh Bình Dương mong muốn nhận được sự quan tâm, theo dõi của cử tri và nhân dân, qua đó giám sát và đóng góp thêm cho hoạt động của chính quyền địa phương nói chung và hoạt động của HĐND nói riêng trong thời gian tới.