Dẹp nạn xe hợp đồng trá hình
Thời gian qua, tình trạng xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình vẫn còn tồn tại dai dẳng.
Lập danh sách hành khách giả
Hiện nay, Hà Nội quản lý cấp phù hiệu gần 40.000 xe hợp đồng, loại xe hợp đồng dưới 9 chỗ khoảng 20.000 xe, còn lại các xe trên 9 chỗ. Trong đó, xe trên 9 chỗ vận chuyển học sinh có khoảng 2.000 xe, số còn lại là hợp đồng theo chuyến. Tuy nhiên, vẫn có những xe đang lách luật, đi gom khách, vận chuyển tương tự tuyến cố định.
Còn đối với TP HCM hiện có 248.000 phương tiện được Sở Giao thông vận tải (GTVT) cấp phù hiệu, biển hiệu cho hoạt động kinh doanh vận tải hành khách và hàng hoá. Cụ thể, vận chuyển hành khách theo hợp đồng có hơn 87.000 phương tiện hoạt động; trong đó, có hơn 23.488 xe hợp đồng trên 9 chỗ.
Sau 3 năm thực hiện Nghị định 10/2020 đã cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn, thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý kinh doanh vận tải; cắt giảm các thủ tục hành chính và những điều kiện kinh doanh không còn phù hợp; bước đầu tạo môi trường kinh doanh vận tải, minh bạch, thuận lợi cho người dân.
Tuy nhiên, tình trạng xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình vẫn còn tồn tại dai dẳng. Mỗi ngày có hàng nghìn chuyến xe hợp đồng trá hình đón, trả khách, thu tiền như tuyến cố định. Những nhà xe này sử dụng nhiều hình thức để gom khách lẻ rồi lập thành danh sách cụ thể nhằm hợp thức hóa, giả mạo hợp đồng tour du lịch qua mặt lực lượng chức năng.
Ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho hay, công tác quản lý xe hợp đồng của Hà Nội nói riêng và toàn quốc nói chung đang gặp những khó khăn nhất định, đặc biệt là loại xe hợp đồng gom khách, lập danh sách hành khách giả mạo hợp đồng tour du lịch hòng qua mặt lực lượng chức năng, để chạy như tuyến cố định.
Tuy nhiên, thực tế vẫn có nhiều xe hợp đồng dưới 9 chỗ chạy tương tự taxi, xe trên 9 chỗ để chở học sinh, công nhân hoặc hợp đồng cả chuyến đi du lịch.
Trên cơ sở đó, ông Tuyển cho rằng, cơ quan quản lý nNhà nước khi xây dựng cơ chế chính sách phải rõ ràng giữa các loại xe hợp đồng. Hiện nay, các quy định quản lý kinh doanh vận tải xe hợp đồng tương đối rõ nhưng lại thiếu công cụ quản lý, đơn cử như việc xác định tỷ lệ điểm đầu điểm cuối trùng lặp có vượt quá 30% tổng số chuyến trong tháng hay không, chưa kể, với các đơn vị có nhiều phương tiện, họ dễ dàng đảo các xe để lách quy định khiến việc xác định khó khăn hơn.
"Thực hiện chỉ đạo của Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT, Sở GTVT Hà Nội nhiều lần chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông trích xuất dữ liệu giám sát hành trình và đối chiếu với hoạt động của doanh nghiệp nhưng vẫn gặp khó khi xác định các vi phạm.
Về vấn đề này, Sở GTVT Hà Nội đã có văn bản báo cáo Cục Đường bộ, Bộ GTVT và đề xuất phải có phần mềm để chỉ ra các vi phạm của phương tiện, doanh nghiệp một cách rõ ràng, trên cơ sở đó, lực lượng TTGT, CSGT sẽ căn cứ vào để xử lý.
Ngoài ra, quy định gửi hợp đồng, danh sách hành khách về Sở GTVT trước chuyến đi cũng là giải pháp quan trọng. Tuy nhiên, một ngày có hàng ngàn hợp đồng gửi về cũng khiến hệ thống mail của Phòng quản lý vận tải bị quá tải, khi trích xuất thông tin gửi cho lực lượng TTGT xử lý cũng khó khăn", ông Tuyển nói.
Đầu tư nâng cấp chất lượng đường truyền lấy dữ liệu làm cơ sở xử phạt
Thiếu tá Trần Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, thực hiện chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, trong 11 tháng năm 2023, lực lượng CSGT TP Hà Nội đã xử lý hơn 12.000 trường hợp vi phạm liên quan đến hoạt động vận tải khách.
Trong đó, xử lý hơn 7.000 trường hợp xe khách vi phạm, xe hợp đồng là hơn 2.000 trường hợp, taxi hơn 3.000 trường hợp. Còn lại là xe buýt và các loại xe khác, tước GPLX gần 1.500 trường hợp.
"Dừng đỗ sai quy định gần 11.000 trường hợp, đón trả khách sai quy định gần 1.000 trường hợp; Không chấp hành tín hiệu đèn gần 300 trường hợp, không đóng cửa khi xe đang chạy hơn 300 trường hợp; Vi phạm đi vào đường cấm, đi sai làn đường gần 200 trường hợp, vi phạm tốc độ gần 100 trường hợp", Thiếu tá Trần Anh Tuấn chỉ ra các lỗi phổ biến đã bị lực lượng chức năng phát hiện xử lý.
Thiếu tá Trần Anh Tuấn cho rằng, thời gian qua, tình trạng xe hợp đồng hoạt động trá hình tuyến cố định vẫn diễn biến phức tạp và gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng. Điển hình là việc cá nhân, tổ chức kinh doanh xe hợp đồng sử dụng nền tảng mạng xã hội, website quảng cáo bán vé; tìm đủ chiêu trò hợp thức hóa hợp đồng. Các đối tượng cũng sử dụng văn phòng đại diện, điểm kinh doanh đặt giáp các bến xe, tuyến đường trọng điểm, huyết mạch để đón trả khách, qua mặt lực lượng chức năng.
Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình xử lý vi phạm, Thiếu tá Trần Tuấn Anh cho rằng, để xử lý các trường hợp xe hợp đồng trá hình, lực lượng chức năng mất rất nhiều thời gian theo dõi, ghi hình, đấu tranh với hành khách đi xe mới lật tẩy được chiêu trò. Đảm bảo hiệu quả xử lý, chúng tôi cũng đã nhờ Cục Đường bộ Việt Nam chia sẻ dữ liệu giám sát hành trình.
"Một khó khăn nữa trong xử lý vi phạm xe hợp đồng trá hình là các chế tài về xử lý vi phạm còn chưa mạnh. Đặc biệt là việc xử lý đối với những xe vi phạm nhiều lần", Thiếu tá Trần Anh Tuấn nhận định.
Theo vị Phó Trưởng phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, hệ thống camera giám sát, Hà Nội cũng được trang bị từ rất sớm, song còn hạn chế. Hệ thống camera chủ yếu tập trung các tuyến chính, đường vành đai, nhiều tuyến nhánh, khu đất trống của dự án chưa thi công không có camera. Đây là các địa điểm phương tiện xe hợp đồng trá hình lợi dụng đón - trả khách.
"Chưa kể, ngay cả trên các tuyến đường trọng điểm có hệ thống giám sát, nhà xe vẫn lợi dụng các điểm mở, đỗ ngay dưới chân hệ thống giám sát là “điểm mù”, các khu vực cây cối um tùm để che chắn hành vi vi phạm.
Nhiều đơn vị kinh doanh cũng sử dụng đội ngũ cộng tác viên hay còn gọi là “cò” theo dõi lực lượng chức năng để thông tin cho nhà xe, hành khách những vị trí đón. Những chiêu trò này khiến công tác phát hiện, xử lý vi phạm gặp nhiều thách thức.
Ngoài ra, việc khai thác dữ liệu từ giám sát hành trình phục vụ xử phạt hiện vẫn rất thủ công. Hệ thống này có lượng truy cập rất lớn, không chỉ là ngành GTVT, Cục CSGT mà còn có cả lực lượng công an địa phương", Phó Trưởng phòng CSGT, Công an TP Hà Nội khẳng định.
Trên cơ sở đó, Thiếu tá Trần Anh Tuấn đề nghị tới đây, cơ quan chức năng cần đầu tư nâng cấp, nâng cao chất lượng đường truyền, giúp lực lượng chức năng thuận lợi khi truy cập lấy dữ liệu làm cơ sở xử phạt. Đồng thời, rà soát, điều chỉnh bổ sung lắp đặt camera giám sát, bảo đảm hiệu quả xử lý cao nhất.