Quốc tế

Sự “đỏng đảnh” của thời tiết

Thanh Đức 19/12/2023 07:37

Theo tạp chí khoa học Nature Communications, các hiện tượng thời tiết cực đoan trong năm 2023 do biến đổi khí hậu đã gây thiệt hại 143 tỷ USD đối với nền kinh tế toàn cầu.

anh-bai-chinh(1).jpg
Tuyết rơi dày phủ kín xe cộ tại thành phố Munich (Đức). Ảnh: REUTERS.

Phân tích cũng cho rằng, đó là “con số thống kê được”, tuy nhiên mức thiệt hại này là chưa thể tính hết vì hầu như không có dữ liệu về phí tổn liên quan đến các thảm họa ở các nước nghèo. Nghiên cứu cũng cho biết, năm 2023 cơ tới 1,2 tỷ người trên thế giới phải hứng chịu thiệt hại liên quan đến biến đổi khí hậu. Hơn 64% thiệt hại liên quan đến các cơn bão, 16% thiệt hại liên quan các đợt sóng nhiệt, 10% do hạn hán và lũ lụt.

Năm 2023 được cho là năm nóng nhất trong vòng 1.200 năm. Nhưng năm 2024 có thể còn nóng hơn do thời tiết ngày một cực đoan và biến đổi khó lường. Tuy nhiên, đáng ngại nhất là sự “đỏng đảnh” của thời tiết. Mùa đông năm nay được coi là mùa đông ấm đối với châu Âu, nhưng lạ lùng là ở nhiều nơi tuyết lại rơi dày hơn.

Tại Munich, thành phố lớn thứ ba của Đức, tuyết rơi dày gần 1,5 mét vào cuối tuần qua, lập kỷ lục trong các tháng 12 của mùa đông. Đây cũng là trận bão tuyết lớn nhất tại thành phố này kể từ tháng 3/2006. Cả ga tàu và sân bay phải ngừng hoạt động, hàng nghìn hành khách bị mắc kẹt. Nhiều vụ tai nạn giao thông đường bộ đã xảy ra khiến ít nhất 4 người thiệt mạng.

Chị Katja Solska, cư dân thành phố Munich cho biết, chưa bao giờ thấy tuyết nhiều đến thế.

Còn tại thủ đô Thủ đô Moscow (Nga), chỉ trong 1 ngày đã ghi nhận lượng tuyết rơi cao gấp 4 lần so với mức trung bình. Đây là lần đầu tiên sau 70 năm lượng tuyết rơi đầu mùa đã đạt ở mức giữa mùa đông. Chính quyền thành phố đã phải huy động hơn 18.000 thiết bị đặc biệt và 135.000 nhân viên để xử lý tuyết.

Bà Vera, cư dân Moscow nói: "Tôi còn nhớ lần tuyết rơi nhiều như thế này chính xác là cách đây 50 năm, khi ấy tôi sinh con trai tôi. Giờ nó vừa tròn 50 tuổi".

Còn tại Siberia, tuần đầu tháng 12, nhiệt độ giảm mạnh xuống âm 50 độ C trong khi bão tuyết bao phủ. Yakutsk - một trong những thành phố lạnh nhất thế giới, cách Moscow 5000km, không ai dám ra đường.

Ở Anh, tuyết bất ngờ rơi dày khiến hơn 200 xe bị mắc kẹt trên đường tại Cumbria (miền Bắc đất nước), khiến nhiều lái xe phải tìm nơi trú ẩn hoặc qua đêm trong ô tô. Cơ quan khí tượng Anh phải phát cảnh báo màu vàng do băng, tuyết. Trong khi đó, giao thông ở Cộng hòa Czech cũng bị tắc nghẽn nghiêm trọng do tuyết rơi quá nhiều, có nơi tới 75cm. Các phương tiện phải đối mặt với tình trạng chậm trễ và hủy chuyến, bao gồm cả sân bay Praha.

Theo Tổ chức Khí tượng thế giớ của Liên hợp quốc (WMO), vào giữa tháng 12, nhiều quốc gia châu Á và châu Âu đã báo cáo thời tiết khắc nghiệt bất thường. Theo Cơ quan Khí tượng Singapore (MSS), trong ngày 9/10, nhiệt độ vượt 36,3 độ C tại một số vùng ở Quốc đảo Sư tử, lên mức kỷ lục. Tới giữa tháng 12, nền nhiệt vẫn cao như thể chưa bước vào mùa đông.

Tương tự, Cơ quan Khí tượng Australia (BOM) thông báo tình trạng nắng nóng kéo dài, lượng mưa trung bình cả nước thấp hơn 65,4% so với lượng mưa trung bình các năm. Đặc biệt, vùng Tây Australia, lượng mưa thấp hơn 83,5 % so với mức trung bình.

Ở châu Âu, giới chức Italy cảnh báo nước này sẽ phải đương đầu với đợt thời tiết khắc nghiệt mới từ giữa tháng 12/2023 vắt sang năm mới 2024. Mưa lớn “trái mùa” có thể xảy ra ở nhiều vùng tại miền Trung và Bắc đất nước có thể gây ngập lụt. Trong khi đó, có thể xuất hiện 2 cơn bão.

Bà Beatrice cho biết, đã sống ở Rome hơn 40 năm, nhưng chưa từng thấy cả mùa hè lẫn mùa đông khác thường như năm 2023. “Thật đáng sợ khi mùa hè lại không có mưa. Bầu trời cứ xanh từ sáng tới tối. Không ai mong một mùa đông rét mướt nhưng nó lại ấm như hiện nay thì cũng đáng ngờ lắm” - bà Beatrice nói.

Trong khi đó, mô tả với truyền thông địa phương, Karp Lykov - một người lái xe tải ở Yakutsk (Siberia, Nga) nói: “Từ đầu tháng 12 tới nay, tôi phải ở nằm nhà vì không ai có nhu cầu chuyên chở cả. Ngày nào tôi cũng phải khởi động xe 2 lần để nó không bị “ngủ quên” do rét quá. Tuyết rơi dày đặc khiến bánh xe bị trượt, không thể đánh xe ra khỏi garage được. Quả là những ngày dữ dội ở xứ Siberia lạnh giá này”.

Cơ quan Dự báo thời tiết nước Đức (DWS) cho rằng, hành tinh ấm lên sẽ khiến nước sẽ bốc hơi nhiều hơn vào bầu khí quyển. Độ ẩm trong khí quyển tăng thêm sẽ tạo điều kiện cho các đám mây hình thành. Trong những tháng ấm hơn, điều này có thể gây ra lũ lụt kỷ lục. Nhưng vào mùa Đông, khi một nửa bán cầu trái đất nằm cách xa mặt trời - nhiệt độ giảm xuống và thay vì những trận mưa như trút nước, chúng ta có thể gặp những trận mưa tuyết lớn hoặc bão tuyết khủng khiếp. Tuyết tan nhanh lại có thể dẫn đến lũ lụt khi mùa Đông đang rút ngắn lại vì nhiệt độ toàn cầu ấm hơn.

Thanh Đức