Ninh Bình: Sông Sui bị bồi lắng nghiêm trọng
Trong nhiều năm qua, tuyến sông Sui tiêu thoát nước cho hồ Yên Quang (hồ nước ngọt lớn nhất tỉnh Ninh Bình) đã bị bồi lắng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến công tác tiêu thoát lũ và cung cấp nước sản xuất cho người dân 3 xã thuộc huyện Nho Quan.
Sông Sui ở huyện Nho Quan có tổng chiều dài trên 5km, chảy qua địa bàn 3 xã Văn Phương, Văn Phong và Lạng Phong. Đây là tuyến sông đào nhân tạo được quân dân vùng Cố đô Hoa Lư đào từ thập niên 70 của thế kỷ trước với mục đích thoát lũ cho hồ Yên Quang - hồ nước ngọt lớn nhất tỉnh Ninh Bình nằm trong Vườn Quốc gia Cúc Phương. Tuy nhiên, đến nay con sông này chưa một lần được nạo vét, khơi thông dòng chảy. Bởi vậy, trong suốt nhiều năm qua, con sông đã và đang bị bồi lắng nghiêm trọng, đất đá sau những trận lũ tích tụ gần như đã vùi lấp hết lòng sông. Nhìn từ trên cao, sông Sui với 2 bờ rộng hơn trăm mét, nhưng lòng sông nước chảy chỉ chưa đầy 10m.
Ghi nhận tại một khúc sông đoạn qua thôn Sui, xã Văn Phương vào ngày 13/12, chúng tôi thấy dưới lòng sông hiện giống như một cánh đồng với um tùm cỏ cây mọc lên, cùng với những lớp đất đá dày cộm bị bồi lắng.
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn (trú thôn Sui) thì vào năm 1986, người dân 2 bên bờ đã chứng kiến vỡ đê tại khu vực con sông này, khi nước ngập lên, tràn vào làng mạc. Sau đó, để ứng phó với nguy cơ quay trở lại, chính quyền tỉnh Ninh Bình cho xây dựng 2 tuyến đê Hoàng Long và Năm Căn ở 2 bên, đồng thời xây kè chắc chắn để đảm bảo an toàn cho nhân dân sống dưới chân đê.
“Mùa cạn, con sông trơ đáy, trông không khác gì cánh đồng hoang khi cỏ dại mọc nhiều. Tận dụng điều này, tôi cũng như nhiều người dân khác đến đây thả trâu, bò. Khoảng 10 năm nay, dù mưa lớn đến đâu thì nước sông cũng chỉ dâng cao lên khoảng hơn 3m là cùng và cũng kéo dài không lâu. Việc sông thiếu nước ảnh hưởng rất lớn đến việc canh tác của bà con, khi nước từ các con mương dẫn vào ruộng phần lớn đều lấy tại con sông này” - ông Tuấn chia sẻ.
Do mực nước ở ngưỡng thấp trong suốt một thời gian dài nên người dân địa phương đã chủ quan, cho xây dựng cả khu lăng mộ dưới lòng sông. Cùng với đó, hệ thống cột điện cũng được lắp đặt bắc ngang qua đây, khi nước dâng lên sẽ không đảm bảo an toàn.
Theo đại diện UBND huyện Nho Quan, việc sông Sui bị bồi lắng đã diễn ra từ nhiều năm nay. Tình trạng này kéo dài đã gây ảnh hưởng đến việc thoát lũ cho vùng thượng nguồn của huyện Nho Quan khi xảy ra lũ lụt, đồng thời cũng khiến việc cung cấp nước sản xuất để gieo trồng của bà con 3 xã mà con sông đi qua bị ảnh hưởng. Để giải quyết vấn đề này, UBND huyện Nho Quan đã có báo cáo đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình xem xét bổ sung dự án cải tạo lòng dẫn sông Sui đoạn từ tuyến đường Đông - Tây tới cống tiêu trạm bơm Tràng An với tổng mức đầu tư 400 tỷ đồng vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030.