Nam Định: Nhấp chuột ‘gặp’ chính quyền
Theo số liệu thống kê trên Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến tỉnh Nam Định, trong năm 2023 (tính đến 10h30 ngày 18/12) các cơ quan của tỉnh đã tiếp nhận 262.864 hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính qua Cổng, đã xử lý 247.503 hồ sơ, đạt tỷ lệ giải quyết đúng hạn 99,7%.
Xây dựng chính phủ điện tử, thực hiện chuyển đổi số (CĐS) với ba trụ cột chính là chính quyền số (CQS), kinh tế số (KTS), xã hội số (XHS)) gắn với cải cách hành chính (CCHC) là những nhiệm vụ, mục tiêu có tính chiến lược đã và đang được Đảng, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh thực hiện.
Tại tỉnh Nam Định, thời gian qua, nhiệm vụ, mục tiêu chiến lược trên được các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp (ND) ở tỉnh tích cực chỉ đạo, triển khai thực hiện với quyết tâm cao.
Trong đó, vào ngày 15/11/2020, BCH Đảng bộ tỉnh Nam Định (khóa 20) đã ban hành riêng một nghị quyết để lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ CĐS đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. UBND tỉnh cũng đã xây dựng, ban hành kế hoạch đối với nhiệm vụ này, với các mục tiêu cụ thể, gắn với đẩy mạnh CCHC, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, DN.
Sau khoảng hai năm tập trung thực hiện, đến nay tỉnh Nam Định, đạt được nhiều kết quả tích cực, một số chỉ số thuộc tốp đầu cả nước. CĐS và công cuộc CCHC đang làm thay đổi nhiều hoạt động trong đời sống. Giờ đây người dân, DN ở Nam Định có thể giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) và thực hiện nhiều công việc khác chỉ bằng những cái ‘nhấp chuột’ hoặc bấm điện thoại
Chuyển đổi số hiện diện trong mọi lĩnh vực đời sống
Từ năm 2022, với sự đồng hành của VNPT tỉnh Nam Định, TP Nam Định bắt tay thực hiện CĐS tại các trường Mầm non, Tiểu học, THCS trên địa bàn. Ghi nhận tại trường Tiểu học Trần Nhân Tông cho thấy, trường đã triển khai Bộ giải pháp xây dựng mô hình “trường học thông minh”, với hơn 20 nội dung công việc, từ phần cứng đến phần mềm ứng dụng vào tất cả hoạt động quản lý của nhà trường, giảng dạy của giáo viên và học tập của học sinh. Cơ sở dữ liệu của trường đã được chuẩn hóa, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ với cơ quan quản lý và với các trường học khác cũng như đáp ứng yêu cầu triển khai các dịch vụ mới. Các hoạt động chính khóa cũng như ngoại khóa của trường được chia sẻ, tương tác, liên thông trên môi trường điện tử.
Ứng dụng di động (App Mobi) của phụ huynh học sinh được nâng cấp và triển khai cài đặt trên thiết bị di động cho 100% phụ huynh của trường, trở thành kênh giao tiếp chính thức 2 chiều giữa phụ huỳnh với nhà trường. Ứng dụng cũng tích hợp đầy đủ các tính năng giúp phụ huynh quản lý, theo dõi toàn diện tất cả hoạt động của con em mình ở trường, như: điểm danh thông minh, quản lý dinh dưỡng, học bạ điện tử, hồ sơ, lý lịch, kết quả học tập, lịch học chính khóa, các hoạt động ngoại khóa…
Theo ông Nguyễn Thế Lâm, Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo TP Nam Định, CĐS đã tạo đột phá trong đổi mới một số hoạt động quản lý nhà trường, hoạt động dạy và học; tác động tích cực tới phương thức hoạt động, chất lượng trong giáo dục. Quá trình CĐS đã lấy người học và nhà giáo là trung tâm, đặt lợi ích của học sinh, phụ huynh, nhà giáo là thước đo đánh giá mức độ thành công của CĐS.
Không chỉ trong lĩnh vực giáo dục, thời gian qua nhiều lĩnh vực khác của tỉnh Nam Định cũng đã bắt tay, tích cực thực hiện CĐS.
Ghi nhận tại địa bàn khu dân cư trong tỉnh cho thấy, tới nay, toàn tỉnh đã thành lập 2.160 Tổ công nghệ số cộng đồng với hơn 16 nghìn thành viên nòng cốt, chủ yếu là đoàn viên, thanh niên. Bằng cách “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, Tổ công nghệ số cộng đồng đã kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ bưu chính công ích khi cần làm TTHC; cài đặt một số ứng dụng cơ bản, thiết yếu như các phần mềm thanh toán không dùng tiền mặt, tra cứu thủ tục hành chính, dịch vụ công, cài đặt, kích hoạt và sử dụng tài khoản định danh điện tử VneID...
Bà Trần Thị Thanh, tổ dân phố số 1, phường Trường Thi (TP Nam Định) chia sẻ: “Tôi có điện thoại thông minh từ lâu nhưng thời gian đầu chỉ dùng để nghe, gọi. Nhưng những tính năng khác hầu như không dùng. Tuy nhiên, khi được các thành viên của Tổ công nghệ số cộng đồng đến tuyên truyền về chủ trương CĐS; hướng dẫn sử dụng các tiện ích khác như cách thanh toán trực tuyến, tra cứu TTHC; hỗ trợ cài đặt định danh điện tử... tôi cố gắng thực hành, dần quen. Đến nay tôi đã cài đặt app ngân hàng trực tuyến (bank online) để nhận chuyển tiền của ngân hàng, thanh toán tiền điện, nước, viễn thông, truyền hình cáp; tự tra cứu TTHC qua Cổng dịch vụ công trực tuyến để chủ động chuẩn bị hồ sơ”.
Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới
Sau khi 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010-2020, hiện tại tỉnh Nam Định đã và đang tiển khai các mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, hướng tới xây dựng NTM thông minh. Trong đó, toàn tỉnh đang triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình CĐS trong xây dựng NTM, hướng tới NTM giai đoạn 2021-2025 do UBND tỉnh ban hành, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Theo Tiến sĩ Vũ Trọng Quế, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nam Định, tỉnh thực hiện CĐS trong xây dựng NTM tập trung vào 3 phương diện: phát triển CQS ở nông thôn; phát triển các chủ thể KTS ở nông thôn và phát triển XHS cho cộng đồng dân cư ở nông thôn.
Trong đó, tỉnh đã tập trung phát triển, hoàn thiện hạ tầng số khu vực nông nghiệp, nông thôn; tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin cơ sở; phát triển, duy trì các điểm cung cấp dịch vụ bưu chính để làm hạ tầng cho thương mại điện tử và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến; tăng cường ứng dụng CNTT trong thực hiện các dịch vụ hành chính công; triển khai gắn mã, cập nhật, thông báo địa chỉ số; bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng số và an toàn thông tin cho cán bộ cấp xã và phổ biến kiến thức, nâng cao kỹ năng số và năng lực tiếp cận thông tin cho người dân nông thôn.
Đến nay tỉnh đã kết nối mạng internet đến cấp xã, thôn/xóm. từ năm 2020 đến nay các DN viễn thông trên địa bàn đã được chấp thuận 579 vị trí phù hợp với quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động, trong đó đã xây dựng và phát triển được 315 trạm BTS, góp phần vào việc phủ sóng 3G, 4G đến 100% địa bàn các khu dân cư trên địa bàn tỉnh.
Toàn tỉnh đã có 176.540 hộ sản xuất nông nghiệp đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; 201.542 hộ sản xuất nông nghiệp được tập huấn kỹ năng số; 1.959 sản phẩn nông nghiệp của tỉnh được bán và giới thiệu trên sàn thương mại điện tử.
Toàn tỉnh đã có 25 xã thực hiện chuyển đổi từ mô hình đài truyền thanh có dây/không dây FM sang mô hình đài truyền thanh ứng dụng CNTT-viễn thông; đặt mục tiêu đến năm 2025 có 40% số đài truyền thanh cấp xã ứng dụng mô hình này, đến năm 2030 đạt 100%. Các hình thức thông tin khác như Trang thông tin điện tử, ứng dụng mạng xã hội (Zalo, Facebook), mạng viễn thông (nhắn tin SMS đến thuê bao di động)…được ứng dụng rộng rãi trong hoạt động thông tin ở cơ sở, tuyên truyền nhanh chóng, kịp thời, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền, nhất là trong những tình huống khẩn cấp như phòng, chống dịch bệnh; phòng chống lụt, bão...
Toàn tỉnh có 337 điểm phục vụ bưu chính, riêng Bưu điện tỉnh có 197 điểm bưu điện văn hóa xã, 66 Bưu cục, đáp ứng tốt nhu cầu chuyển phát của người dân và DN, làm hạ tầng cho thương mại điện tử phát triển; 55/197 điểm bưu điện văn hóa xã (chiếm 27%) có khả năng phục vụ nhu cầu sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân.
Trong năm 2023, Sở Thông tin & Truyền thông tỉnh đã tổ chức được 70 lớp bồi dưỡng kiến thức CĐS cho các xã đang xây dựng và hoàn thiện các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, NTM mới kiểu mẫu. Sở cũng đã tổ chức 12 hội nghị trực tuyến đến các xã, phường, thị trấn (năm 2022 tổ chức 9 hội nghị, 2023 đã tổ chức 3 hội nghị) để tập huấn các kiến thức, kỹ năng số và an toàn thông tin cho 100% cán bộ công chức cấp xã.
Theo thống kê của Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Nam Định, đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 191/204 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao (đạt 93,6%), 25/188 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (đạt 13,3%). Nhiều huyện trong tỉnh đang hướng đến mục tiêu đạt chuẩn Huyện NTM kiểu mẫu. Trong số 25 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, có 2 xã gồm Yên Lương (Ý Yên), Nghĩa Thái (Nghĩa Hưng) đạt chuẩn NTM kiểu mẫu nổi trội về lĩnh vực CĐS.
Nhấp chuột, bấm điện thoại để giải quyết TTHC
Năm 2022, Nam Định xếp thứ 10 trong số 63 tỉnh, thành phố trong toàn quốc về kết quả xếp hạng CĐS. Từ tháng 11/2022 đến nay, tỉnh luôn thuộc nhóm các tỉnh dẫn đầu toàn quốc về quản trị dịch vụ công trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công. Trong chỉ số CCHC của tỉnh, các chỉ số thành phần về xây dựng và phát triển CQS, chính quyền điện tử xếp thứ 7 cả nước, đứng thứ 2 trong nhóm các tỉnh đồng bằng sông Hồng.
Trong xây dựng CQS, tỉnh Nam Định triển khai Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh cho 100% các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và 226 xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Niêm yết công khai 1.723 TTHC của tỉnh, 100% hồ sơ TTHC của người dân, DN được các cơ quan nhà nước 3 cấp của tỉnh tiếp nhận, giải quyết công khai trên Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. 100% quy trình giải quyết TTHC của tỉnh được xây dựng theo quy trình điện tử và công khai trên Hệ thống để người dân, doanh nghiệp có thể giám sát, đánh giá quá trình thực hiện. 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần được cung cấp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Như đã phản ánh, theo số liệu thống kê trên Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến tỉnh, trong năm 2023 (tính đến 10h30 ngày 18/12) các cơ quan của tỉnh đã tiếp nhận 262.864 hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính qua Cổng, đã xử lý 247.503 hồ sơ, đạt tỷ lệ giải quyết đúng hạn 99,7%. Kết quả đánh giá Bộ Chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC trên Cổng Dịch vụ công quốc gia cho thấy, Nam Định luôn đứng trong tốp 5 toàn quốc và là một trong các tỉnh, thành phố có ít hồ sơ quá hạn nhất.
Ước tính, việc xây dựng và vận hành chính quyền điện tử, giải quyết TTHC bằng quy trình điện tử, hồ sơ điện tử, dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, văn bản điện tử có chữ ký số, đã giúp Nam Định giảm được trung bình hơn 40% thời gian, nguyên liệu văn phòng phẩm; tiết kiệm chi phí xã hội đến hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Trong xây dựng KTS, Nam Định đạt nhiều kết quả tích cực, tỷ trọng giá trị tăng thêm của KTS chiếm khoảng 12% GRDP. Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt được thực hiện phổ biến trên các nền tảng thanh toán số của các ngân hàng, đáng chú ý là việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực giáo dục, y tế, giải quyết thủ tục hành chính, thanh toán nghĩa vụ thuế về đất đai và kinh doanh bán lẻ, chợ online 4.0…
Về trụ cột XHS, hiện nay trên địa bàn tỉnh Nam Định đã có hơn 90% số hộ gia đình được phủ mạng internet cáp quang tốc độ cao; tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại di động thông minh ước đạt hơn 85%; 75% số dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng, tổ chức tín dụng…
Nam Định đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, chỉ số CCHC, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt kết quả trong nhóm khá của cả nước; có 50% số hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý; tỷ trọng giá trị tăng thêm của KTS chiếm khoảng 20% GRDP.
Để thực hiện mục tiêu này, các cấp ủy Đảng, chính quyền ở Nam Định tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến trình CĐS trên cả ba trụ cột CQS, KTS và XHS; trọng tâm là phát triển các nền tảng số để cung cấp dịch vụ theo nhu cầu, ứng dụng công nghệ mới để cung cấp dịch vụ mới cho người dân, triển khai hiệu quả nhiệm vụ tích hợp, kết nối và chia sẻ dữ liệu phục vụ việc xác thực, chia sẻ thông tin công dân khi thực hiện TTHC. Chú trọng phát triển, hoàn thiện các hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp; xây dựng và phát triển hạ tầng kết nối đồng bộ, thống nhất, tạo nền tảng phát triển CQS, KTS, XHS, giúp người dân, DN ngày càng được thụ hưởng những lợi ích CĐS mang lại.