Xã hội

Bệnh nghề nghiệp: Mối nguy hiểm thầm lặng

Lê Bảo 19/12/2023 10:52

Bệnh nghề nghiệp không chỉ làm suy giảm sức khỏe của người lao động (NLĐ) mà còn giảm hiệu quả, năng suất lao động và tăng nguy cơ gây tai nạn lao động. Tuy nhiên việc khám sức khỏe định kỳ vẫn chưa được NLĐ và cả doanh nghiệp coi trọng.

Rất ít lao động được khám sức khỏe định kỳ

Có hiện tượng sốt, ho gần một tháng nay chị N.T.H công nhân khu công nghiệp Thạch Thất, Hà Nội chỉ nghĩ mình mắc cúm A vì đang có dịch. Nhưng đầu tháng 12 khi đi khám sức khỏe định kỳ do công ty tổ chức chị mới biết mình mắc bệnh lao tiềm ẩn.

“Đang có dịch cúm nên tôi nghĩ mình cũng bị cúm thôi chứ đâu biết đến bệnh lao, đi khám sức khỏe định kỳ bác sĩ nói tôi bị lao tiềm ẩn. Cũng may phát hiện sớm, thể cũng không có khả năng phát tán vi khuẩn lao làm lây nhiễm cho người thân và cộng đồng chứ không tôi áy náy suốt đời vì để lây lan bệnh cho mọi người”, chị N.T.H chia sẻ.

Cũng theo chị H, chị làm công nhân may hơn 10 năm may mắn dù đi làm thu nhập không cao nhưng các chính sách phúc lợi của công ty luôn được đảm bảo đặc biệt việc khám sức khỏe định kỳ cho công nhân rất được chú trọng. Nhờ đó, rất nhiều người lao động đã kịp thời phát hiện bệnh để điều trị.

Thực tế cho thấy việc tuân thủ quan trắc môi trường lao động định kỳ và thường xuyên khám sức khỏe định kỳ, khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp cho NLĐ, qua đó, kịp thời phát hiện những bất thường của cơ thể, sớm chữa trị sẽ hiệu quả hơn. Đây chính là biện pháp hiệu quả nhất nhằm bảo đảm “nguồn vốn sức khỏe” cho các công ty, doanh nghiệp. Tuy nhiên vẫn còn tình trạng doanh nghiệp thiếu trách nhiệm với sức khoẻ của người lao động… thậm chí đã có những trường hợp tử vong. Chưa kể đến các cơ sở sản xuất có yếu tố độc hại gây bệnh nghề nghiệp chưa được quản lý hiệu quả.

Không được may mắn như chị N.T.H, anh Nguyễn Văn Cường, Hà Nội đã buộc phải nghỉ việc khi biết mình mắc bệnh lao phổi. “Là thợ lành nghề của công ty chuyên về sản xuất đồ gỗ nên tôi được hưởng các chính sách phúc lợi của công ty khá tốt nhưng tất cả đều được công ty chi trả bằng tiền trong đó có khám sức khỏe định kỳ. Đang còn trẻ nên tôi cũng chủ quan không đi khám chỉ đến khi ho và sốt kéo dài tôi mới đi khám và xét nghiệm biết mình mắc lao phổi. Điều tôi buồn nhất là khi đã điều trị khỏi bệnh nhưng mọi người trong công ty vẫn e dè, tỏ ý xa lánh vì thế tôi đã quyết định xin nghỉ việc”, anh Cường chia sẻ.

Thống kê từ Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và Môi trường, Bộ Y tế cho thấy, cả nước có 54 triệu người lao động. Dự báo có khoảng 15 triệu người lao động có tiếp xúc yếu tố có hại nghề nghiệp nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp. Nhưng chỉ có 465 nghìn người là được khám bệnh nghề nghiệp - chỉ chiếm khoảng 3%. Đặc biệt, việc khám sức khỏe định kỳ hiện nay mới chỉ dừng lại ở việc phân loại sức khỏe, phát hiện một số bệnh thông thường và cũng chỉ được thực hiện ở một số DN, chưa có cơ chế triển khai đối với nhóm lao động làm việc không có hợp đồng lao động.

Cần sự đồng hành từ doanh nghiệp

Thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cũng cho biết, 60% lao động làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức, tự kiếm việc làm, không có hợp đồng lao động, không tham gia bảo hiểm xã hội… Điều này cũng đồng nghĩa với việc số lao động ở khu vực này sẽ không được đảm bảo các điều kiện về sức khoẻ trong quá trình làm việc.

kham-sang-loc-lao-cho-cn.jpg
Khám sàng lọc lao cho công nhân ( ảnh Phạm Cừ)

Theo ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động ( Bộ LĐTB&XH) theo quy định, hàng năm người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho người lao động (NLĐ). Đối với NLĐ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, NLĐ là người khuyết tật, NLĐ chưa thành niên, NLĐ cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 6 tháng một lần. Tuy nhiên thực tế một số doanh nghiệp (DN) chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đúng.

Theo các chuyên gia để chăm sóc sức khỏe cho NLĐ cần hướng dẫn cụ thể về chi phí khám phát hiện bệnh nghề nghiệp trong chi phí quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại Bảo hiểm xã hội để doanh nghiệp giảm chi phí khám phát hiện bệnh nghề nghiệp. Song song đó, cần xây dựng mô hình y tế tại các khu công nghiệp tập trung và để các doanh nghiệp, NLĐ dễ dàng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho NLĐ theo đúng quy định. Bên cạnh đó cần tăng cường truyền thông để doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo môi trường an toàn lao động cho NLĐ

Để phòng chống bệnh nghề nghiệp hiệu quả cho NLĐ, ông Nguyễn Văn Thân – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ cho rằng, hiện nay, các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất là các địa bàn tập trung đông công nhân lao động, việc chăm sóc sức khỏe NLĐ ở các khu công nghiệp đang được thực hiện theo hình thức phổ biến là doanh nghiệp thuê đơn vị cung ứng đến cơ sở khám sức khỏe cho công nhân.
Phòng ngừa là “chìa khóa” để giải quyết gánh nặng mà bệnh lao hay bệnh nghề nghiệp mang lại. Đó là biện pháp hiệu quả và ít tốn kém hơn chi phí dành cho điều trị và phục hồi chức năng. Do vậy, chính NLĐ cần chủ động trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để giảm thiếu tối đa nguy cơ mắc và NLĐ cần chủ động lên tiếng khi doanh nghiệp không làm tròn nhiệm vụ hay cố tình “quên” đi quyền lợi này của mình.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Thân để việc khám sức khỏe định kỳ không chỉ là làm cho có thì cần có sự phối hợp từ các ngành, địa phương và của tổ chức Công đoàn.

“Việc chăm sóc sức khỏe cho NLĐ là khám và quản lý chứ không hẳn là khám và điều trị bệnh. Nhất là việc khám các bệnh nghề nghiệp còn đòi hỏi có chuyên gia và phương tiện đặc thù. Với yêu cầu về chăm sóc sức khỏe cho NLĐ hiện nay rất cần có mô hình y tế lao động trong khu công nghiệp để chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe NLĐ. Khi có được mô hình này thì sẽ không còn tình trạng làm cho có”, ông Nguyễn Văn Thân nhấn mạnh.

Lê Bảo