Văn hóa

Trăn trở hướng đi cho làng nghề đóng tàu thuyền truyền thống

Thanh Phương 19/12/2023 15:02

Làng nghề đóng tàu thuyền truyền thống tại phường Phong Hải, TX Quảng Yên từng nức tiếng một thời đang phải chật vật tìm hướng đi mới.

Thuyền ba vách nổi tiếng một thời

W_z4970882901747_4089aad117aeb5a7427bca1842615700.jpg
Nghệ nhân nhân dân Lê Đức Chắn và mô hình chiếc thuyền ba vách.

Tương truyền, vào năm 1434, 17 vị Tiên công vùng đảo Hà Nam (nay thuộc TX Quảng Yên, Quảng Ninh) theo lệnh vua xuôi thuyền theo sông Hồng ra phía biển Đông. Khi đến vùng cửa sông Bạch Đằng ở trấn lỵ Yên Quảng, các cụ đã quyết định dừng thuyền, đắp đê, lấn biển để lập nên vùng đất trù phú. Cùng với sự phát triển của vùng đất Hà Nam, nghề đóng tàu thuyền gỗ bắt đầu phát triển và nức tiếng gần xa. Làng nghề từng được vua ca ngợi và phong là làng nghề tài hoa “dân lợi khí dụng” cho đất nước (sản xuất ra thuyền không chỉ phục vụ cho phát triển kinh tế mà còn là thứ vũ khí hữu dụng khi xảy ra chiến tranh).

Về làng nghề Cống Mương (phường Phong Hải, TX Quảng Yên), chúng tôi tìm gặp Nghệ nhân nhân dân Lê Đức Chắn, truyền nhân đời thứ 17 của nghề đóng thuyền ba vách truyền thống dòng họ Lê. Dù năm nay đã gần 80 tuổi, thế nhưng khi nhắc đến làng nghề truyền thống và con thuyền ba vách, ông Chắn vẫn có thể kể “vanh vách” không sót một chi tiết nào.

W_a2.png
Thuyền ba vách có hình thức đẹp, cân đối, vững chãi, linh hoạt trong di chuyển.

“Thuyền ba vách độc đáo ở chỗ có thể di chuyển ngược nước, ngược gió rất linh hoạt. Khi chạy xuôi gió thì vật buồm theo kiểu cánh tiên, ngang gió thì cột buồm kiểu pha chằng và cột vát 2 buồm khi thuyền chạy ngược”, ông Chắn chia sẻ. Điểm quan trọng trong điều khiển con thuyền chính là khi có gió phải gò sát dây lèo buồm sau, ở phía lái vào một bên mạn thuyền cho buồm căng lên, hơi chéo góc hướng về cánh buồm phía trước đã được thả hơi chùng. Gió đập vào cánh buồm sau vốn rất căng nên bật lại đập ngược về cánh buồm trước tạo thành sức đẩy con thuyền tiến lên. Con thuyền sẽ chạy vát nghiêng về bên không có gió, tiến lên theo đường chữ “Chi”.

Theo lời kể, thuyền ba vách được đánh giá là một trong những kiểu thuyền “độc nhất vô nhị” không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Con thuyền ba vách ban đầu được thiết kế ra chỉ để phục vụ sản xuất, đánh bắt thủy hải sản và phục vụ nhu cầu đi lại. Tuy nhiên, trong thời chiến, con thuyền đã trực tiếp tham gia và trở thành minh chứng lưu dấu chiến thắng của quân dân nhà Trần trong trận Bạch Đằng Giang (1288) lịch sử và là cơ duyên hình thành nên Đoàn tàu Không số vận tải lương thực, thực phẩm để chi viện cho chiến trường miền Nam.

Hiện nay, người nắm được kỹ thuật đóng thuyền ba vách ngoài nghệ nhân Lê Đức Chắn thì cũng chỉ còn vài ba người. Theo ông Chắn, kỹ thuật đóng thuyền không phải ai cũng có thể thuần thục và làm được đúng nguyên mẫu thuyền ba vách xa xưa: “Để làm được chiếc thuyền cần sự chính xác và tỉ mỉ từng ly từng tí, đặc biệt các phần ráp nối phải được tính toán thật chuẩn. Đối với những mô hình thuyền theo tỉ lệ thuyền thật thì càng đòi hỏi người thợ phải chắc tay nghề”.

W_z4970882939776_44cb6714aad4bed1e84ce4a0cd338efe.jpg
Ông Chắn gắn bó cả cuộc đời với làng nghề Cống Mương.

Tuy nhiên, để làm nên một chiếc thuyền ba vách, người thợ không cần chỉ có tay nghề mà còn phải đặt cái tâm, sự tâm huyết trong từng công đoạn. Có lẽ, đây chính là bí quyết cốt lõi để làm nên thương hiệu làng nghề đóng tàu thuyền vỏ gỗ Cống Mương nổi tiếng suốt bao đời nay.

Ngày nay, những con thuyền ba vách đã làm hết “sứ mệnh” của mình và chỉ còn lưu lại qua những hoài niệm xưa cũ. Ông Chắn tâm sự: “Thuyền ba vách bây giờ vốn dĩ chỉ còn lại hào quang của lịch sử, giờ đây chỉ mong sẽ có hướng đi để gìn giữ, phát triển làng nghề. Mong sao thế hệ sau sẽ bảo tồn để những con thuyền ba vách không bị thất truyền qua năm tháng”.

Trăn trở tìm lối đi riêng cho làng nghề truyền thống

W_z4970882885415_03162127eb74aca8306d2e0ecf47f5ee.jpg
Làng nghề đóng tàu thuyền gỗ Cống Mương dù đã chuyển đổi sang thuyền sắt, thuyền nhựa composite… nhưng vẫn rất “ế ẩm”.

Ở thời kỳ hoàng kim của mình, làng nghề Cống Mương là địa chỉ tin cậy để đóng tàu thuyền gỗ, từ các thuyền vận tải lớn đến những thuyền nhỏ đánh bắt tôm cá, thuyền chở khách... Theo lời kể của ông Chắn, vào thời điểm đó nhà nhà đều đóng tàu, thợ thuyền mỗi xưởng có thể lên tới hàng chục người, bờ sông Chanh lúc nào cũng rộn ràng tiếng nói cười từ các lán thuyền.

Những năm trở lại đây, mặc dù các xưởng đóng tàu thuyền đã chuyển sang làm thuyền vỏ thép, thuyền sắt, thuyền nhựa composite,… nhưng tình hình kinh doanh cũng không có nhiều khởi sắc. Hiện nay, số lượng xưởng trên địa bàn phường Phong Hải chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trao đổi cùng phóng viên, nhiều hộ gia đình buồn rầu chia sẻ: Các xưởng bây giờ đa phần chỉ phục vụ sửa chữa chứ ít đóng thuyền mới, may chăng 1 năm mới được dăm ba cái. Thợ thuyền bỏ đi làm nghề khác rồi, chúng tôi cũng chỉ cầm cự để giữ nghề của ông cha.

Ông Bùi Văn Thắng, Chủ tịch UBND phường Phong Hải cho biết: “Trước đây làng nghề nổi tiếng về nghề đóng tàu thuyền vỏ gỗ, tuy nhiên thời gian này đang gặp khó khăn do nhu cầu người sử dụng không nhiều. Chúng tôi đang cố gắng phát triển, giới thiệu thuyền buồm ba vách thành sản phẩm du lịch, đồng thời khuyến khích một số nghệ nhân duy trì làm thuyền”. Trong tương lai, địa phương cũng sẽ phối hợp với các ban ngành để tìm hiểu và mở ra nhiều hướng đi mới, vừa bảo tồn vừa phát triển làng nghề gắn với hoạt động du lịch.

Thanh Phương