Nông nghiệp “khát” nhân lực chất lượng cao
Nông nghiệp được coi là lợi thế quốc gia nhưng lại thiếu nhân lực chất lượng cao, doanh nghiệp nông nghiệp rất khó tìm kiếm được nhân sự có trình độ theo nhu cầu.
Thiếu trầm trọng nhân lực
Tốt nghiệp chuyên ngành Cơ điện tử trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, Nguyễn Đức Nam nhiều cơ hội có việc làm ổn định trong ngành chế biến nông sản tại quê nhà, tuy nhiên Nam lại chọn học thêm ngoại ngữ để đi làm việc ở nước ngoài.
Nam cho biết đã học nghề 3 năm với mong muốn thoát khỏi công việc đồng áng vì vậy mong muốn tìm được công việc ngoài lĩnh vực nông nghiệp.
Đây cũng là tâm lý chung của nhiều lao động trẻ hiện nay. Những năm gần đây lượng thí sinh học khối nông nghiệp giảm rõ rệt. Trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp cũng rất ít thí sinh đăng ký học nghề nông nghiệp.
Ông Ngô Hồng Giang, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho biết, hệ cao đẳng từ hơn 6.000 học sinh năm 2016 giảm còn hơn 4.300 trong năm 2021. Một số trường đạt dưới 50% chỉ tiêu so với đăng ký.
Trái ngược với xu hướng tuyển sinh ngày càng giảm, nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản ngày càng tăng. Trong 5 năm gần đây, nhiều doanh nghiệp thiếu hụt trầm trọng nhân lực trình độ đại học. Ông Vũ Văn Hường, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam cho biết, ngành nông nghiệp đang phải đối mặt với nhiều thách thức như yêu cầu tiến bộ công nghệ, thực hành bền vững và tăng năng suất. Để giải quyết những thách thức này, nhu cầu tuyển dụng người có chuyên môn về nông nghiệp và thuỷ sản ngày càng tăng.Tuy nhiên việc tuyển dụng nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp không chỉ khó về số lượng mà chất lượng cũng khá nan giải.
Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, chất lượng lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản nhìn chung còn thấp. Tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ sơ cấp nghề trở lên chiếm 7,4% đối với vùng Đông Nam Bộ và 2,21% đối với vùng ĐBSCL. Phần lớn lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản là lao động phổ thông, lao động làm việc theo kinh nghiệm, thời vụ.
Cần thay đổi tư duy
Nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Bộ NNPTNT đề ra mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu đạt bình quân mỗi năm đào tạo nghề khoảng 1,5 triệu lao động nông thôn trên cả nước. Đến năm 2030, tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 70%. Tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ (từ sơ cấp trở lên) của nhóm ngành nông, lâm, thủy sản từ 4,6% (năm 2020) lên 10% (năm 2030).
Để thực hiện được mục tiêu này, theo các chuyên gia, cần thay đổi nhận thức của xã hội về vai trò nguồn nhân lực trong nông nghiệp. Ngoài ra, cần có sự đồng hành của các doanh nghiệp trong đào tạo và tuyển sinh, kết nối cung cầu việc làm…
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, từ năm 2016 đến nay đã có hơn 4.300 thỏa thuận hợp tác được ký kết về đào tạo nguồn nhân lực giữa doanh nghiệp với các trường của bộ. Trung bình mỗi trường, mỗi năm có khoảng 16 thỏa thuận hợp tác.
Ông Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho rằng, hợp tác với doanh nghiệp giúp các trường có thêm nguồn lực trong đào tạo phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động; nâng cao chất lượng quản trị; tận dụng máy móc, trang thiết bị, cơ sở vật chất và các nguồn lực doanh nghiệp phục vụ giảng dạy; nâng cao tinh thần khởi nghiệp và mở rộng cơ hội việc làm sau khi ra trường cho học sinh, sinh viên.
Tuy nhiên theo ông Ngọc, để thu hút người học, nâng chất lượng nguồn nhân lực, cần nâng cao nhận thức cho giới trẻ và cả các bận phụ huynh. Hiện nay tư duy học nghề nông nghiệp là “về quê làm ruộng” khiến nhiều bậc phụ huynh không chấp nhận hoặc cho con đăng ký học nghề nông nghiệp.
Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, chất lượng lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản nhìn chung còn thấp. Tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ sơ cấp nghề trở lên chiếm 7,4% đối với vùng Đông Nam Bộ và 2,21% đối với vùng ĐBSCL. Phần lớn lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản là lao động phổ thông, lao động làm việc theo kinh nghiệm, thời vụ.