An toàn cho trường học
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo có công điện đề nghị tăng cường công tác đảm bảo an toàn trường học, yêu cầu các giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích; phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho học sinh, sinh viên...
Công điện số 2074 của Bộ GDĐT gửi giám đốc sở GDĐT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu rõ, thời gian qua tại một số địa phương đã xảy ra tình trạng mất an toàn trường học như cháy nổ, sập đổ tường rào, cổng trường, cây đổ, học sinh bị ngộ độc thực phẩm... gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh.
Bộ GDĐT yêu cầu các giám đốc sở GDĐT khẩn trương triển khai chỉ đạo các cơ sở giáo dục bảo đảm trường học an toàn. Yêu cầu các sở GDĐT chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn ở địa phương tiến hành rà soát cơ sở vật chất trường, lớp học để đánh giá lại chất lượng công trình; bảo đảm thực hiện đầy đủ theo quy định. Kiên quyết không sử dụng các công trình đã hết niên hạn sử dụng; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền lên kế hoạch cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, xây mới.
Bên cạnh đó là việc giáo dục kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn thương tích, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; tăng cường giáo dục kỹ năng phòng, tránh tai nạn thương tích, tai nạn giao thông, đuối nước. Các nhà trường tăng cường biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục, tăng cường kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và phòng chống tiền chất ma túy có trong thực phẩm và các sản phẩm thuốc lá mới, các chất kích thích, gây nghiện ở học sinh.
Công điện của Bộ GDĐT cũng lưu ý cần chú trọng phòng tình trạng bạo lực học đường.
An toàn môi trường học đường là rất cần thiết. Trong đó dư luận xã hội rất bức xúc về nạn bạo lực học đường; đòi hỏi phải có biện pháp xử lý, mà trách nhiệm trực tiếp phải thuộc về ngành giáo dục.
Thời gian qua, bạo lực học đường đã trở thành vấn nạn. Không chỉ học sinh phổ thông đánh nhau, mà nghiêm trọng hơn là cả từ phía giáo viên với học sinh. Đặc biệt nghiêm trọng là vụ học sinh một lớp 7 ở Tuyên Quang còn uy hiếp, tấn công giáo viên - đó là hành động bạo lực học đường mang tâm lý đám đông.
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, chính Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn đã cho biết bình quân cứ 50 cơ sở giáo dục thì xảy ra một vụ bạo lực học đường. Con số rất đáng suy nghĩ. PGS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng đây là một thực tế hết sức đau buồn. Theo ông Sơn, thời gian qua ngành giáo dục cũng đã làm được nhiều việc. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận những điểm chưa được để hoàn thiện hơn nữa chất lượng giáo dục, trong đó có vấn đề liên quan đến việc làm gương của các nhà giáo. Học sinh đang trong lứa tuổi trưởng thành, luôn làm theo tấm gương của người thầy. Vì thế, việc trở thành một tấm gương tốt cũng là một nhiệm vụ, trách nhiệm của các nhà giáo. Khi không là tấm gương tốt thì họ khó lòng dạy những bài học đạo đức làm người cho học sinh.
PGS Bùi Hoài Sơn đánh giá bạo lực học đường là vấn đề nghiêm trọng.
Tất nhiên bạo lực học đường có nhiều nguyên nhân và xã hội cũng không thể để ngành giáo dục đơn độc trong cuộc chiến chống lại điều xấu ấy. Tuy nhiên, dù nói cách gì đi nữa thì khi bạo lực xảy ra trong nhà trường thì trước hết là trách nhiệm của nhà trường. Học sinh đến trường là để được học, được chơi, để thành người chứ không phải là phải chịu cảnh bạo lực, hoặc “lây nhiễm”, dần vô cảm trước hành vi bạo lực. Thật xót xa trước vấn nạn bạo lực học đường thời gian qua.
Bảo đảm an toàn trường học về mọi mặt là cần thiết. Nhưng xã hội đòi hỏi trước hết phải nhận thức sâu sắc trách nhiệm, phải biết phẫn nộ với vấn nạn bạo lực học đường, để từ đó quyết tâm ngăn chặn.