Xã hội

Theo chân người dân đi 'soi đèn bắt cua' trên sông Trường Giang

Chí Đại, Tấn Thành 20/12/2023 11:36

Khi màn đêm buông xuống, nhiều người dân xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam bắt đầu đi săn cua ở dọc bờ sông Trường Giang đoạn chảy qua xã này. Đối với người dân, đây vừa thú đam mê, hấp dẫn vừa có thêm nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống gia đình.

W_cua-2.jpg
Một con cua giống người đi săn bắt được.

Theo đó, từ lúc 1h30 đến 5h sáng, anh Trần Xuân Hảo (25 tuổi), Trần Xuân Hiếu (21 tuổi) và nhiều người dân khác ở xã Tam Tiến đi dọc bờ sông Trường Giang bắt cua.

W_cua-1.jpg
Anh Trần Xuân Hảo dùng đèn pin bắt cua dọc bờ sông Trường Giang.

Theo anh Hảo, khi thủy triều rút xuống, mực nước sông Trường Giang ven bờ cạn đi. Khi đó, cua ở trong các khe, hang đá ven bờ sẽ bò ra ngoài để kiếm ăn hoặc bơi ra vùng nước sâu, thì đây là lúc người dân mang dụng cụ đi dọc bờ sông để bắt cua.

W_cua-3.jpg
Người dân dùng đèn pin rọi xuống mặt nước để bắt cua.

“Dụng cụ bắt cua khá đơn giản chỉ có chiếc vợt dài hơn 2m, cái xô nhựa, đèn pin. Cứ thế bì bõm dọc theo dòng sông, thi thoảng phát hiện ra những chú cua bò chìm dưới nước, chỉ cần đưa vợt ra là vớt được. Bắt được cua có cảm giác thú vị lắm, nhưng cũng có lúc sơ sẩy cua kẹp càng cắn rất đau”, anh Hảo vừa nói vừa cười.

W_cua-4.jpg
Người dân dùng vợt, đèn pin đi dọc bờ sông Trường Giang để bắt cua.

Cũng theo anh Hảo, sau gần 4 tiếng đồng hồ lội hơn 3km ven sông Trường Giang anh đã bắt được 130 con cua giống. Số lượng con cua bắt được này sẽ được bán cho các chủ hồ nuôi trên địa bàn xã và các xã lân cận với giá 5.000 đồng/con. Như Vậy chỉ một đêm anh Hỏa sẽ thu về hơn 500 nghìn đồng.

W_cua-6.jpg
Những con cua giống bắt được bán giá 5.000 đồng.

Còn ông Trần Văn Ba, ở xã Tam Tiến cho biết, sông chảy qua thôn Diêm Điền, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành về đêm thủy triều rút xuống nên nhiều người ra sông để soi đèn bắt cua. Từ 19h đến 22h, ông Ba bắt được hơn 50 con cua loại lớn nhỏ.

W_cua-5.jpg
Đối với người dân nơi đây, nghề săn cua vừa hấp dẫn vừa có thu nhập.

“Đêm nay tôi bắt được ít hơn các hôm trước vì gió mạnh tạo sóng và hôm nay sông có nhiều ghe, thuyền cào hến nên nước đục không nhìn thấy con cua, những đêm khác có thể bắt gần 200 con cua. Nhưng những lúc quan sát khó mà bắt được con cua nó hấp dẫn và sung sướng lắm. Nghề này chịu khó cũng có thu nhập để góp phần chăm lo cho cuộc sống của gia đình”, ông Trần Văn Ba chia sẻ.

W_cua-9.jpg
Một đêm người dân có thể bắt được từ 100 đến 200 con cua.

Theo nhiều người dân ở xã Tam Tiến, mùa bắt cua giống diễn ra ở 2 thời điểm, một là từ tháng 4 đến 5 âm lịch, hai là từ tháng 11 đến 12 âm lịch. Đây là thời điểm các chủ hồ nuôi có nhu cầu mua cua với số lượng lớn để nuôi cua thương phẩm.

W_cua-7.jpg
Có những con cua nằm ở trong các khe, hang đá dọc bờ sông Trường.

Anh Nguyễn Tấn Nổi, ở xã Tam Anh Bắc, huyện Núi Thành có 1 hồ nuôi cua rộng hơn 4 sào, mỗi lần thả nuôi cua ông thường chọn mua hàng nghìn con cua giống của các hồ ươm ở tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên, những năm gần đây, anh hay chọn mua thêm cua giống từ các hộ dân ở Tam Tiến về thả nuôi vì cua giống tự nhiên quen với môi trường nước, ít chết, nhanh lớn, chỉ cần khoảng 2,5 tháng là có thể xuất bán cho thương lái.

W_cua-8.jpg
Anh Hảo chia sẻ niềm vui bắt được nhiều cua.

Chí Đại, Tấn Thành