Hàng loạt giáo viên nghỉ việc, chuyển việc: Cách nào giữ chân?
Tính đến tháng 9/2023, toàn quốc có 17.278 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc, tuy nhiên “làn sóng” này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Nghỉ việc vì “cơm, áo, gạo, tiền”
Câu chuyện nhiều giảng viên Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam ngừng việc tập thể do bị nợ lương kéo dài là tâm điểm dư luận những ngày qua.
Trước đó, Báo Đại Đoàn Kết đã thông tin, ngày 14/12, 17 cán bộ, giảng viên Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam gửi thông báo quyết định ngừng việc tập thể tới lãnh đạo nhà trường.
Theo các giảng viên, nhà trường đã không thanh toán tiền lương và phụ cấp cho họ trong thời gian 6 tháng tính từ tháng 7/2023 đến nay.
Tới ngày 19/12, có 27 cán bộ, giảng viên của trường chính thức ngừng việc tập thể. Các giảng viên, cán bộ cho biết, họ chỉ quay lại làm việc, giảng dạy khi nào nhà trường chi trả lương và đóng Bảo hiểm xã hội.
Quyết định này là hệ quả của việc nợ lương kéo dài suốt gần 6 tháng qua tại Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam.
Việc cán bộ, giảng biên nhà trường ngừng việc tập thể gây ảnh hưởng tới hàng trăm sinh viên đang theo học trường này.
Theo một số giáo viên, dù chưa được nhận lương nhưng nhiều tháng liền, họ vẫn động viên nhau lên lớp vì trách nhiệm và không muốn gián đoạn việc học tập của sinh viên. Tuy nhiên, cuộc sống của họ đang quá khó khăn, nhiều người phải chạy đôn chạy đáo vay mượn tiền để trang trải cuộc sống.
Trở lại thời điểm năm học 2023-2024 chuẩn bị bắt đầu, tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng có tới 127 giáo viên bỏ việc kể từ đầu năm 2023 nhưng theo UBND tỉnh, địa phương khó tuyển bổ sung cho năm học mới do thiếu người ứng tuyển.
Đa số giáo viên nghỉ việc đều thuộc bậc học mầm non và tiểu học. Nguyên nhân giáo viên nghỉ việc là do áp lực công việc và chế độ chính sách, thu nhập chưa đáp ứng đời sống; một số giáo viên khác nghỉ việc theo nguyện vọng cá nhân.
Theo Bộ GDĐT, hiện cả nước còn thiếu 127.583 giáo viên, con số này gia tăng không ngừng vì số lượng học sinh đầu năm học vừa rồi tăng lên rất nhiều.
Bên cạnh đó là tình trạng giáo viên nghỉ việc, chuyển việc. Tính đến tháng 9/2023, toàn quốc có 17.278 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc. Thực trạng này là khoảng trống không nhỏ, gây ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học trong các nhà trường.
Khích lệ tinh thần đội ngũ nhà giáo
Liên quan tới việc nhiều giảng viên Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam phải ngừng việc tập thể do bị nợ lương kéo dài, trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, Nhà giáo nhân dân, GS.TSKH Nguyễn Mậu Bành - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam cho rằng, đây là trường hợp cá biệt, nguyên nhân do công tác quản lý của địa phương.
Theo GS.TSKH Nguyễn Mậu Bành, trong việc này, phụ cấp có thể nợ nhưng lương cán bộ, giảng viên phải được bảo đảm để họ sinh sống, trang trải, lo toan gia đình.
GS Nguyễn Mậu Bành chỉ ra nguyên nhân dẫn tới tình trạng giáo viên nghỉ việc, chuyển việc thời gian qua một phần do thu nhập từ nghề giáo còn thấp.
GS Bành cho hay, Nghị quyết số 29-NQ/TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” đã đề ra, lương giáo viên phải được xếp loại cao nhất trong hệ lương hành chính sự nghiệp nhưng hiện nay vẫn chưa thực hiện được.
Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 tổ chức mới đây, Bộ GDĐT cũng nhìn nhận, lương nhà giáo chưa được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, chưa đáp ứng mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 29.
Vấn đề này đã được nhiều địa phương, chuyên gia đề xuất. Tuy nhiên để thực hiện được, GS Bành cho rằng, cần tính toán kỹ, tránh dàn trải, làm sao nâng cao năng suất lao động trong ngành giáo dục.
Tức là, song song với việc tăng ngân sách trả lương cho nhà giáo, cần tổ chức lại bộ máy quản lý giáo dục, tổ chức lại bộ máy nhà giáo trong các cơ sở giáo dục để vừa có số lượng thích hợp mà vừa bảo đảm chất lượng.
GS.TSKH Nguyễn Mậu Bành nêu quan điểm: "Đời sống giáo viên cần được quan tâm hơn bằng việc xem xét lại tiền lương và các chế độ, chính sách với giáo viên, đặc biệt là giáo viên vùng sâu, vùng xa để động viên tinh thần cho đội ngũ nhà giáo, góp phần cải thiện chất lượng giáo dục nước nhà".