Kinh nghiệm thu hút vốn FDI của Bình Dương
Là tỉnh có diện tích và dân số không lớn, xuất phát điểm không cao nhưng những năm gần đây Bình Dương luôn là một trong số ít địa phương có khả năng kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt hiệu quả tốt. Đến nay, tổng vốn đã đầu tư và đăng ký đầu tư đạt trên 40 tỷ USD, chỉ đứng sau TP HCM. Nhờ vậy, kinh tế - xã hội của tỉnh luôn có tốc độ tăng trưởng cao, thu nhập bình quân đầu người hiện đang đứng đầu cả nước.
Luôn trong top đầu về thu hút
Theo thống kê của UBND tỉnh Bình Dương, thu hút FDI của tỉnh Bình Dương hiện gấp hơn 30 lần về số vốn và số dự án so với năm 1997. Lũy kế đến ngày 30/11 có hơn 4.200 dự án đầu tư từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký gần 40,3 tỷ USD, đứng thứ hai trong cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2023, tỉnh đã thu hút gần 1,3 tỷ USD vốn FDI.
Sau thời kỳ đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa với hàng ngàn dự án đầu tư trong và ngoài nước, Bình Dương đã chuyển hướng sang việc thu hút đầu tư có chọn lọc. Đặc biệt, tỉnh đã mở rộng các khu công nghiệp đầu tư thế hệ mới đáp ứng đầy đủ về phát triển xanh, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn, áp dụng nổi trội khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo để tạo ra năng suất lao động cao và đạt giá trị kinh tế lớn.
Điển hình trong số đó là dự án của Lego với vốn đầu tư hơn 1,3 tỷ USD đang xây dựng nhà máy tại Khu công nghiệp VSIP3 và dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2024. Đây là dự án tiêu biểu cho chuyển đổi mô hình công nghiệp thế hệ mới và nâng cấp chất lượng về thu hút đầu tư tại Bình Dương.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, địa phương đang chuyển hướng sang các lĩnh vực công nghệ cao, môi trường thân thiện và phát triển bền vững. Nhờ đó, đã thu hút sự quan tâm của một số quốc gia khó tính như Đan Mạch, Hà Lan và Mỹ bằng việc tập trung vào các lĩnh vực đầu tư có giá trị gia tăng cao và tiềm năng phát triển lâu dài. Điều này đang giúp Bình Dương định hình mình thành một trung tâm kinh tế và công nghiệp hiện đại, cải thiện chất lượng cuộc sống và tạo ra cơ hội việc làm cho người dân địa phương.
Chia sẻ về những kinh nghiệm của tỉnh nhà, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh đã tiếp tục kế thừa và phát huy chủ trương trải chiếu hoa mời gọi đầu tư, trải thảm đỏ thu hút nhân tài của tỉnh Sông Bé cũ. Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho rằng, cần tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh, phối hợp đồng bộ giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, tăng cường ngoại giao kinh tế.
Quy hoạch vành đai công nghiệp, vành đai đô thị, dịch vụ gắn với vành đai giao thông, phát triển công nghiệp khoa học công nghệ, công nghiệp thế hệ mới, phát triển đô thị theo mô hình TOD và mô hình Khu liên hợp Công nghiệp, đô thị và dịch vụ.
Quan tâm công tác quy hoạch mạng lưới giao thông kết nối vùng, trong đó phục vụ nhu cầu cho nhà đầu tư như tuyến đường vành đai, tuyến đường sắt và ga hàng hóa hậu cần.
Ngoài ra, ông Minh cũng cho rằng cần hình thành trường đại học chất lượng cao phục vụ đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp FDI nói riêng.
Đa dạng hình thức mời gọi
Trong khi đó, ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương chia sẻ, thay vì chờ đợi nhà đầu tư đến, Bình Dương đã tổ chức sự kiện, hội thảo và đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp quốc tế. Ví dụ, đầu tháng 10, tỉnh đã tổ chức hội thảo tại Mỹ về thu hút đầu tư, thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp ngoại. Hay mới đây, tỉnh tiếp đón Đoàn công tác từ vùng Lombardy, Italia, do ông Attilio Fontana - Chủ tịch vùng Lombardy làm Trưởng đoàn đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại Bình Dương. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc kêu gọi đầu tư và chứng tỏ sự quyết tâm của tỉnh Bình Dương trong việc trở thành điểm đến của các ông lớn đầu tư từ khắp nơi trên thế giới.
“Việc Bình Dương tự tạo cơ hội đầu tư thay vì chờ đợi đã giúp nhanh chóng thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp và đối tác quốc tế. Sự tự tin và tích cực trong việc xây dựng cơ hội đầu tư là yếu tố quan trọng trong chiến lược tiếp thị của tỉnh”- ông Mai Hùng Dũng nhấn mạnh.
Song song đó, tỉnh cũng đã tăng cường xây dựng các mối quan hệ trong cộng đồng Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới (ICF). ICF là diễn đàn gồm gần 200 đô thị thông minh thịnh vượng trên thế giới, giúp tỉnh có được sân chơi nâng cao giá trị hình ảnh cũng như quảng bá những thế mạnh và tiềm năng trong kế hoạch phát triển thành phố thông minh. Những hoạt động trên đã mang đến cho Bình Dương cách tiếp cận mới, nhất là tiếp thị trực tiếp đến đối tác, doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế mong muốn đầu tư vào tỉnh một cách thuận lợi.
Ngoài ra, tỉnh đã tập trung xây dựng 12 dự án trọng điểm, bao gồm: Khu công nghiệp Khoa học công nghệ, Trung tâm Thương mại Thế giới Thành phố mới Bình Dương (WTC), tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp tục phát triển mô hình "ba nhà" (nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà trường), xây dựng và kết nối hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng logistics đường sông, đường sắt, kết nối quốc tế, xúc tiến thương mại, và tiếp tục xây dựng và phát triển làng thông minh.
Đây là những cam kết cơ bản để tạo ra "bãi đáp" cho các doanh nghiệp trong nước và quốc tế muốn đầu tư vào tỉnh. Qua đó, với những hệ thống nêu trên, các nhà quản lý sẽ tăng cường tiếp thị về chiến lược của tỉnh phù hợp với nhu cầu và yêu cầu của chủ doanh nghiệp khó tính.
Việc tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi đã giúp Bình Dương thu hút nhiều dự án đầu tư lớn, mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và cộng đồng. Sự đầu tư vào hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ đã nâng cao sự hấp dẫn của tỉnh đối với nhà đầu tư quốc tế.