Kinh tế

Hải Dương: Phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030

Đông Bắc 20/12/2023 17:50

Theo quy hoạch được phê duyệt, tỉnh Hải Dương phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký quyết định số 1639/QĐ-TTg ngày 19/12/2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

z4992747574810_68fabc7638c4c629aeb69c6978edf07c.jpg
Trung tâm TP Hải Dương (tỉnh Hải Dương).

Theo đó, Hải Dương phấn đấu đến năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại, trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng, có quy mô nền kinh tế lớn trong cả nước. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; hệ thống đô thị phát triển xanh, thông minh, hiện đại, giàu bản sắc và đạt một số tiêu chí cơ bản của thành phố trực thuộc Trung ương.

​Để đạt được mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, Hải Dương định hướng phát triển ngành công nghiệp theo 4 trụ cột chính, bao gồm: Tập trung mở rộng và nâng cao chuỗi giá trị, tận dụng liên kết vùng cho các ngành công nghiệp chủ lực; Xây dựng năng lực cạnh tranh chiến lược, tiến tới phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng trong tương lai; Tái cơ cấu các ngành công nghiệp giá trị sản xuất nhỏ; Xây dựng Hải Dương thành trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng, gắn với khu kinh tế chuyên biệt, khu công nghiệp hiện đại.

Tỉnh Hải Dương xây dựng phát triển công nghiệp theo 3 vùng. Trong đó vùng công nghiệp động lực (lõi trung tâm) tại huyện Bình Giang, huyện Thanh Miện. Vùng công nghiệp hỗ trợ tại TP Hải Dương, huyện Gia Lộc, huyện Cẩm Giàng. Vùng công nghiệp nặng, chế biến nông lâm thủy sản và năng lượng sạch tại TP Chí Linh, TX Kinh Môn, huyện Kim Thành, huyện Nam Sách, huyện Thanh Hà, huyện Tứ Kỳ và một phần huyện Ninh Giang.

Về nông nghiệp, tỉnh Hải Dương sẽ đẩy mạnh cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, hướng tới phát triển kinh tế nông nghiệp đa giá trị. Đồng thời, phấn đấu đưa Hải Dương trở thành trung tâm sản xuất, chế biến nông sản của vùng đồng bằng sông Hồng, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Hải Dương phát triển nông nghiệp theo 6 vùng. Trong đó, vùng canh tác rau vụ đông tại huyện Cẩm Giàng, huyện Nam Sách, TX Kinh Môn. Vùng cây ăn quả chủ lực tại huyện Thanh Hà và TP Chí Linh. Vùng nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ tại huyện Ninh Giang, huyện Tứ Kỳ, huyện Gia Lộc. Vùng trồng lúa tập trung chất lượng cao tại huyện Thanh Miện, huyện Bình Giang. Vùng chăn nuôi chủ lực tại huyện Cẩm Giàng, huyện Thanh Hà, huyện Gia Lộc và TP Chí Linh. Vùng nuôi trồng thuỷ sản tại huyện Tứ Kỳ, huyện Thanh Miện, huyện Ninh Giang, huyện Kim Thành, huyện Bình Giang, huyện Gia Lộc, huyện Cẩm Giàng, huyện Nam Sách, TX Kinh Môn và TP Chí Linh.

Về phương án quy hoạch hệ thống đô thị, Hải Dương chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị; kết nối liên xã, liên huyện; mở rộng và hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng trung tâm cấp huyện. Dự kiến phát triển hệ thống đô thị của tỉnh với 28 đô thị, trong đó: 14 đô thị hiện hữu và thêm mới 14 đô thị, bao gồm: Đô thị loại 1 là thành phố Hải Dương; đô thị loại II là thành phố Chí Linh; đô thị loại III là thị xã Kinh Môn (dự kiến thành lập thành phố); 7 đô thị loại IV; 18 đô thị loại V trong đó có 4 đô thị hiện hữu, 2 đô thị đã được công nhận mới, 12 đô thị nâng cấp trên cơ sở nâng cấp các xã nông thôn.

Đông Bắc