“Sóng lớn” trên Biển Đỏ
Lực lượng Houthi gia tăng các cuộc tấn công nhằm vào tàu vận tải trên Biển Đỏ để phản ứng với cuộc chiến ở Gaza.
Chuỗi cung ứng toàn cầu một lần nữa bị đe dọa khi tác động của cuộc chiến đang diễn ra giữa Israel và Hamas lan rộng khắp Trung Đông. Trong những tuần gần đây, lực lượng Houthi có trụ sở tại Yemen gia tăng tấn công các tàu vận tải thương mại đi qua biển Đỏ và Kênh đào Suez, nhằm đáp trả việc Israel tiếp tục bắn phá Gaza.
Các tàu chở dầu và tàu chở hàng đã trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa được phóng từ Yemen. Mặc dù thiệt hại gây ra trong hầu hết các trường hợp là rất nhỏ, mối đe dọa này đã khiến các tuyến đường thương mại qua biển Đỏ gần như bế tắc.
Vậy biển Đỏ có ý nghĩa như thế nào đối với thương mại thế giới? Tất cả mọi thứ từ nhiên liệu đến thiết bị điện tử phụ thuộc vào an ninh của một eo biển hẹp, chỉ rộng 20 dặm, giữa Djibouti và Yemen. Eo biển Bab-el-Mandeb là một phần của kênh vận chuyển đông đúc nhất trên thế giới, lối vào phía nam của biển Đỏ nối với kênh đào Suez.
Kênh đào Suez đã cách mạng hóa thương mại toàn cầu khi được mở cửa cách đây hơn 150 năm, tạo ra một lối tắt giữa châu Âu, Trung Đông và châu Á. Khoảng 12% thương mại toàn cầu đi qua biển Đỏ, trong đó có 30% lưu lượng container toàn cầu. Hàng tỷ USD hàng hóa và vật tư đi qua biển Đỏ mỗi năm, nghĩa là chậm trễ ở đây có thể dẫn đến sự gián đoạn đáng kể trên toàn thế giới.
Các nhà phân tích đã bày tỏ sự lo ngại về việc lực lượng Houthi có thể dễ dàng phá vỡ tuyến đường thương mại quan trọng nhất hành tinh. Từ căn cứ ở Thủ đô Sana’a của Yemen, lực lượng Houthi nhắm mục tiêu vào các tàu ở eo biển Bab-el-Mandeb khi vào biển Đỏ trên hành trình đến kênh đào Suez.
Mặc dù ban đầu chỉ những tàu đến Israel mới bị nhắm mục tiêu, mối đe dọa đối với thương mại ngày càng tăng khi các tàu mang cờ của các quốc gia không có liên hệ với Israel cũng bị tấn công.
Đáp lại, các tàu hải quân Pháp, Anh và Mỹ đã bắn hạ một số máy bay không người lái và tên lửa của lực lượng Houthi hôm đầu tuần. Mỹ tuyên bố đã tập hợp một liên minh gồm các quốc gia đồng ý thực hiện tuần tra ở phía nam biển Đỏ để cố gắng bảo vệ các tàu chở hàng trước các cuộc tấn công.
Các nguồn tin trong ngành vận tải biển cho biết, tác động đến thương mại toàn cầu sẽ phụ thuộc vào thời gian kéo dài khủng hoảng, nhưng phí bảo hiểm và các tuyến đường buộc phải kéo dài hơn (do đi lối khác) sẽ là gánh nặng trước mắt.
Thông thường, tàu phải thông báo cho công ty bảo hiểm khi đi qua các khu vực có rủi ro cao và phải trả thêm phí. Phí bảo hiểm rủi ro mà các công ty vận tải phải trả là 0,07% giá trị một con tàu vào đầu tháng 12 đã tăng lên 0,5% - 0,7% trong những ngày gần đây.
Đầu tuần này, một nhóm các công ty bảo hiểm hàng hải đã mở rộng khoanh vùng khu vực ở biển Đỏ mà họ cho là có rủi ro cao, nghĩa là sẽ có nhiều tàu hơn phải trả thêm phí bảo hiểm. Kết quả là chi phí vận chuyển hàng hóa qua biển Đỏ sẽ tăng lên hàng chục nghìn đô la mỗi tuần.
Tuy nhiên, đối với hầu hết các nhà giao dịch, rủi ro là quá lớn. Trong tuần trước, các công ty vận tải Maersk, Hapag Lloyd và MSC đã quyết định không đi qua biển Đỏ. Theo Hội đồng Đại Tây Dương, 7 trong số 10 công ty vận tải biển lớn nhất tính theo thị phần đã đình chỉ hoạt động vận chuyển ở biển Đỏ. Một số tàu đang được chuyển hướng qua mũi Hảo Vọng cực nam châu Phi khiến hành trình kéo dài thêm 2 tuần.
Ngày 18/12, BP tạm dừng tất cả các chuyến vận chuyển dầu và khí đốt qua biển Đỏ. Điều này kéo theo giá dầu và khí đốt tự nhiên tăng. Các nhà phân tích cho rằng, nếu các cuộc tấn công vào tàu thuyền tiếp tục diễn ra và ngày càng có nhiều công ty dầu mỏ tạm dừng vận chuyển qua biển Đỏ thì chi phí năng lượng có thể sẽ còn tăng thêm.
Các công ty vận tải biển có hai lựa chọn: hoặc đối mặt với rủi ro khi đi qua biển Đỏ và chấp nhận trả chi phí bảo hiểm tăng cao, hoặc chuyển hướng tàu qua các tuyến đường khác. Cả hai lựa chọn đều sẽ dẫn đến giá cước vận chuyển cao hơn và sự chậm trễ trong việc giao hàng.
Ngày 19/12, ông Ioannis Papadimitriou - nhà phân tích vận tải hàng hóa cấp cao tại Vortexa - cho biết, giá vận chuyển dầu thô từ Trung Đông đến châu Âu của một chiếc Suezmax (loại tàu thiết kế để đi qua kênh đào Suez) tăng 25% trong một tuần.
Một thương nhân châu Á mua naphtha - nguyên liệu hóa dầu – từ châu Âu, cho biết, các tàu của công ty vẫn sử dụng tuyến biển Đỏ vì không muốn mất thêm 7 đến 14 ngày nữa khi đi lối mũi Hảo Vọng.
Theo Hội đồng Đại Tây Dương, sự gián đoạn trên biển Đỏ có thể tạo ra “cơn gió ngược” đối với nền kinh tế toàn cầu vẫn đang phục hồi sau đại dịch Covid-19, xung đột ở Ukraine và việc thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia. Khi các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đang trên đà tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến chống lạm phát, gia tăng giá dầu, khí đốt và gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu có thể làm đảo lộn những thành công đó.