Mặt trận

Nghiệm thu đề tài khoa học cấp Bộ của Mặt trận Trung ương

N. Phượng 21/12/2023 07:27

Ngày 20/12, UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức nghiệm thu đề tài khoa học cấp Bộ “MTTQ Việt Nam với việc thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”- Thực trạng và giải pháp”. Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh chủ trì hội nghị nghiệm thu.

bai-duoi(1).jpg
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Phượng.

Ông Ngô Sách Thực - Nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, chủ nhiệm đề tài cho biết, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ gồm 3 Chương. Chương 1: Cơ sở lý luận, pháp lý và thực tiễn về vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam trong thực hiện “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Chương 2: Thực trạng việc thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Chương 3 là quan điểm và giải pháp phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam với việc thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Tại hội nghị nghiệm thu, hội đồng nghiệm thu cho biết, đề tài đã làm rõ cơ sở lý luận, pháp lý và thực tiễn về vai trò, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam trong thực hiện và tham gia thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đề tài cũng làm rõ hơn khái niệm “dân giám sát”, bước đầu làm rõ khái niệm “dân thụ hưởng” và những vấn đề đặt ra cần giải quyết đã hiện thực hóa quan điểm trong Văn kiện lần thứ XIII của Đảng. Đánh giá thực trạng việc thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” theo nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam và đề xuất các giải pháp, đưa ra các kiến nghị phù hợp để thực hiện có hiệu quả phương châm này trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đánh giá cao Ban chủ nhiệm đề tài đã lựa chọn vấn đề rất đúng, rất trúng. Đề tài đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào các nhóm giải pháp tăng cường công tác lãnh đạo của cấp ủy, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động. Từ đó, góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, đặc biệt MTTQ Việt Nam cần tiếp tục đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của mình để xứng đáng với vai trò là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân.

Việc MTTQ Việt Nam thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” đã góp phần đổi mới chính mình, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, khơi dậy sức dân, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Từ đó, tạo động lực phát triển đất nước trong giai đoạn vừa qua, mở ra tương lai tốt đẹp trong thời gian tới.

Theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, đề tài đã đảm bảo được vai trò, quyền làm chủ của người dân theo tinh thần Hiến pháp và theo chủ trương của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cần tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia vào từng phần, từng nội dung để Đề tài được đảm bảo, hiệu quả chặt chẽ và có tính logic cao. Từ đó, thấy được vai trò, trách nhiệm của Mặt trận trong thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, trong đó riêng 2 khái niệm “dân giám sát, dân thụ hưởng” cần đánh giá kỹ hơn vì đây là nội dung mới.

N. Phượng