Du lịch

Đổi mới hoạt động quản lý Nhà nước, thúc đẩy du lịch phát triển bền vững

Nguyễn Hoài 21/12/2023 17:28

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, du lịch thật sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững đặt ra những yêu cầu đổi mới đối với hoạt động quản lý Nhà nước về du lịch trong giai đoạn tới.

Phát huy vai trò dẫn dắt của cơ quan quản lý

Sự phát triển du lịch thời gian qua đã góp phần không nhỏ vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát huy được những ưu thế về tài nguyên cũng như sự ưu tiên của hệ thống chính trị, quản lý Nhà nước, cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

du-lich-2.jpeg
Khách du lịch tới Hà Nội. Ảnh: chinhphu.vn

Tính đến tháng 11/2023, khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt hơn 11,2 triệu lượt người, gấp 3,8 lần cùng kỳ năm trước và bằng 68,9% so với cùng kỳ năm 2019 – năm chưa xảy ra dịch Covid-19.

Dự kiến, số khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2023 có thể đạt khoảng 12,5 triệu lượt khách.

Tại Hà Nội, ông Nguyễn Hồng Minh – Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố cho biết, năm 2023, thông qua việc triển khai quyết liệt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển du lịch, ngành Du lịch Hà Nội đã có sự phục hồi mạnh mẽ với nhiều kết quả ấn tượng.

Tất cả các chỉ tiêu phát triển của ngành đều có mức tăng trưởng mạnh mẽ so với năm 2022 và vượt so với kế hoạch đề ra.

Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 87,65 nghìn tỷ đồng, tăng 45,5% so với năm 2022 (tương đương 84,4% kết quả năm 2019). Dự kiến đến hết năm 2025, ngành Du lịch Thủ đô sẽ vượt qua mốc kết quả đạt được của năm 2029.

Thương hiệu du lịch Thủ đô Hà Nội không ngừng được củng cố và nâng cao trên bản đồ du lịch quốc tế, Hà Nội vinh dự được Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới trao các giải thưởng danh giá.

Theo ông Minh, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, các ngành lĩnh vực khách có xu hướng tăng trưởng chậm, ngành Du lịch Thủ đô tiếp tục thể hiện vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực quan trọng dẫn dắt sự phục hồi và phát triển của các ngành, kinh tế khác được thể hiện thông qua 6 kết quả nổi bật trong công tác quản lý Nhà nước, trong đó có công tác tổ chức bộ máy; công tác phần phân cấp, uỷ quyền.

Năm 2023, du lịch tỉnh Khánh Hoà cũng có bước tăng trưởng mạnh, các chỉ tiêu du lịch trong năm phục hồi ấn tượng với tổng số lượt khách lưu trú ước đạt 31.800 tỷ đồng, tăng gấp 7,1 lần so với năm 2022.

Ông Cung Quỳnh Anh – Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hoà cho biết, Nghị quyết 55/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hoà là cơ sở pháp lý quan trọng, là đòn bẩy để tỉnh khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế.

Tận dụng cơ chế, chính sách của Nghị quyết 55 cùng với việc triển khai Quy hoạch chung của tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt, ngành Du lịch Khánh Hoà đưa ra định hướng phát triển sản phẩm du lịch phù hợp, tiếp tục duy trì phát triển mạnh các loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển…

Hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước về du lịch

Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn đang là một trong những định hướng chính để phát triển kinh tế đối với nhiều quốc gia.

Theo đánh giá của TS Trương Sỹ Vinh – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam), để có thể phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, công tác quản lý Nhà nước về du lịch đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Nhà nước thông qua những công cụ quản lý nhất định nhằm tác động tích cực vào các hoạt động du lịch, tạo dựng môi trường pháp lý lành mạnh, giúp ngành du lịch phát triển theo đúng định hướng và hiệu quả.

Mặc dù đạt được những thành công nhất định trong phát triển du lịch, song, TS Trương Sỹ Vinh nhìn nhận, giai đoạn qua, du lịch Việt Nam vẫn bị đánh giá là phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và sự kỳ vọng của xã hội.

Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, du lịch thật sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững, đưa Việt Nam thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng đầy đủ yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững.

TS Vinh cho rằng, mục tiêu trên đặt ra những yêu cầu mới đối với hoạt động quản lý Nhà nước, đòi hỏi phải phát huy hơn nữa vai trò dẫn dắt của cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch trong giai đoạn tới, thể hiện ở một số nội dung cơ bản, trong đó có yêu cầu về hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước về du lịch và quản lý Nhà nước về du lịch.

Để có thể tiếp tục phát huy được các thành quả đạt được trong công tác quản lý Nhà nước về du lịch trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hà Nội Nguyễn Hồng Minh đề xuất, Cục Du lịch Quốc gia tham mưu với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành cơ chế, chính sách về hỗ trợ từ nguồn ngân sách Nhà nước cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch tại một số khu, điểm du lịch trọng điểm, các khu du lịch cộng đồng, nông nghiệp nhằm cụ thể hóa điều 5 Luật Du lịch 2017, qua đó tạo hành lang pháp lý rõ ràng để các địa phương có thể chủ động xây dựng, ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển hạ tầng du lịch…

Trước đề xuất, kiến nghị của các địa phương, ông Phạm Văn Thủy, Phó cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, trong thời gian tới, Cục sẽ tập trung triển khai có hiệu quả 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm tại Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về thúc đẩy phục hồi và phát triển du lịch nhanh, bền vững.

Bên cạnh đó, rà soát, tham mưu hoàn thiện hành lang pháp lý, văn bản quản lý nhà nước, tạo điều kiện tối đa cho hoạt động du lịch; nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; tăng cường quản lý khu, điểm du lịch, bảo tồn và phát huy các giá trị tự nhiên, văn hóa cho phát triển du lịch bền vững…

Những giải pháp này đều nhằm khắc phục điểm yếu, quản lý tốt hoạt động du lịch. Đây cũng sẽ là cơ sở để các địa phương đưa ra tham mưu, đề xuất tại địa phương mình nhằm quản lý hoạt động, đưa du lịch địa phương phát triển bền vững.

Nguyễn Hoài