Cần tăng cường nguồn lực nhà nước cho xây dựng nông thôn mới Cao Bằng
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng do xuất phát điểm thấp, nên quá trình triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) gặp rất nhiều khó khăn.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Cao Bằng có 17 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có xã Hưng Đạo (thành phố Cao Bằng). Nhưng theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025, có tới 16/17 xã chưa đảm bảo chuẩn theo bộ tiêu chí, gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, thậm chí là có đến 6 - 7 tiêu chí không đạt.
Tỉnh Cao Bằng cũng đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế như: Nguồn lực thực hiện so với nhu cầu để đạt được các mục tiêu, tiêu chí còn thấp, nhất là các tiêu chí về xây dựng cơ sở hạ tầng; Những tiêu chí đạt được chưa bền vững, nhất là tiêu chí thu nhập của người dân không ổn định; sản xuất hàng hóa ở nông thôn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng thế mạnh, quy mô còn nhỏ lẻ, manh mún; đầu ra cho sản phẩm còn bấp bênh, rủi ro cao... Bên cạnh đó, đời sống của nhân dân tại Cao Bằng còn nhiều khó khăn, nên nguồn lực huy động xã hội hóa còn hạn hẹp.
Đối với mục tiêu xây dựng xã đạt chuẩn NTM của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, phần lớn là các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Theo quy định phân bổ nguồn vốn ngân sách Trung ương không được chồng lấn địa bàn, nội dung giữa các chương trình MTQG, vì vậy phần lớn thực hiện theo nguồn Giảm nghèo bền vững và nguồn Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy vậy, việc thực hiện các hợp phần của 2 chương trình này rất khó ưu tiên hay lồng ghép thực hiện chương trình NTM.
Nguyên nhân khiến cho các xã vùng sâu, vùng xa khó khăn trong xây dựng nông thôn mới là do diện tích các xã này rộng lớn, địa hình chủ yếu là đồi núi, độ dốc cao, dân cư phân bố rải rác… Điều này khiến cho việc đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi, xây dựng và mở rộng các trường học đạt chuẩn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, các xã vùng cao thường cách xa các thị trường lớn nên tiêu thụ sản phẩm khó khăn, thu nhập của người dân hạn chế, khả năng đóng góp của người dân trong xây dựng nông thôn mới rất thấp.
Ví dụ cụ thể như Quang Long, là một xã vùng cao giáp với biên giới Trung Quốc của huyện Hạ Lang, theo Chủ tịch UBND xã Mông Văn Toàn chia sẻ, đến nay mới hoàn thành 9/19 tiêu chí. Ví dụ như tiêu chí về hạ tầng là giao thông, điện lưới quốc gia, dù đã có sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước nhưng cũng chỉ đầu tư được đến trung tâm các xóm, bản, chứ không thể tới được hết các chòm xóm, hộ dân do địa hình chia cắt, phần lớn là hộ nghèo nên không có khả năng đóng góp… Một tiêu chí nữa là thu nhập, hiện nay rất khó hoàn thành do cơ bản bà con đồng bào sản xuất nông nghiệp, chỉ trông chờ vào mấy nương ngô nhỏ lẻ, chứ không phát triển được các mặt hàng có giá trị lớn và tạo vùng hàng hóa.
Đó cũng là những khó khăn chung của tỉnh Cao Bằng, rất cần sự bổ sung nguồn ngân sách đầu tư các công trình hạ tầng nông thôn cấp thiết như đường giao thông, điện lưới quốc gia, nước sạch, thủy lợi… Chỉ như vậy mới giúp bà con sản xuất nông nghiệp hiệu quả hơn, giao thương hàng hóa thuận lợi hơn giúp giá trị sản phẩm cao hơn, từ đó từng bước nâng cao đời sống nhân dân.
Ông Triệu Đình Lê – Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Bằng cho rằng, để thực hiện tốt mục tiêu xây dựng NTM năm 2024, Cao Bằng đang đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm hỗ trợ về nguồn vốn đầu tư phát triển, vốn sự nghiệp trung ương và các nguồn vốn tài trợ khác; có cơ chế cho người dân tại các xã đặc biệt khó khăn sau khi đạt chuẩn NTM tiếp tục được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về Bảo hiểm y tế, chính sách hỗ trợ học sinh bán trú, miễn giảm học phí…; hướng dẫn thu hồi Quyết định xã đạt chuẩn NTM đối với các xã không còn đạt chuẩn nông thôn mới sau khi sáp nhập năm 2020.