Áp lực nợ xấu gia tăng
Theo dự báo, nợ xấu sẽ có xu hướng tiếp tục tăng. Bất động sản (BĐS) vẫn được cảnh báo là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất khi thị trường suy yếu, đẩy các khoản nợ nguy cơ vào nợ xấu nhiều nhất.
Nỗi lo chồng chất
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 9/2023, tổng dư nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02/2023 của Ngân hàng Nhà nước (Thông tư 02) về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đạt 140 nghìn tỷ đồng (chiếm 1,09% tổng tín dụng toàn hệ thống).
Hiện nay hầu hết ngân hàng đều đang phải đối mặt với tình trạng nợ tăng nhanh. Tổng nợ xấu cuối quý III/2023 của các ngân hàng tăng 61% so với cuối quý trước đó, lên 196.755 tỷ đồng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng con số này chưa phản ánh hết thực chất nợ xấu của ngân hàng.
Tại TPBank, chất lượng nợ của TPBank đi xuống trong quý III/2023 khi nợ xấu tăng từ 1.357 tỷ đồng lên 5.350 tỷ đồng, khiến tỷ lệ nợ xấu tăng lên mức 3% tổng cho vay khách hàng.
MSB cũng có tỷ lệ nợ xấu ở mức 3% tính đến cuối quý III/2023, với 4.149 tỷ đồng nợ xấu, gấp đôi so với mức 2.057 tỷ đồng cuối năm ngoái.
Đáng lưu ý sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đang rất thấp, mặc dù các tổ chức tín dụng đã giảm lãi suất cho vay tương đối sâu, song tốc độ tăng trưởng tín dụng chỉ đạt trên 8%, mặt khác cùng với khó khăn từ thị trường vốn và thị trường BĐS dẫn đến chất lượng tài sản ngân hàng suy giảm, nợ xấu tăng. Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế gặp rất nhiều khó khăn, bất lợi như hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp (DN) phải hoạt động cầm chừng, quy mô sản xuất bị thu hẹp, tồn kho tăng cao, cạn kiệt nguồn thu, khó khăn trong trả nợ ngân hàng, dẫn đến nợ xấu gia tăng mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có cơ chế cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ.
Hiện nay nhiều ngân hàng rao bán các tài sản đảm bảo gắn với nợ xấu, nhưng việc rao bán cũng không hề đơn giản. Có những tài sản rao bán đến 5 năm, sau nhiều lần giảm giá vẫn thể không tìm được chủ mới.
Trong khi nợ xấu cũ chưa có hướng giải quyết, nợ xấu mới gia tăng thì Thông 02 cũng sẽ hết hạn vào tháng 6/2024 tới. Giới chuyên môn nhận định, tình hình nợ xấu của các ngân hàng hiện nay là rất đáng lo, nhất là sau khi Thông tư 02 hết hiệu lực.
Chia sẻ với báo giới, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - Trưởng Bộ môn Thị trường tài chính (Trường đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng, tình hình nợ xấu của các ngân hàng là đáng lo. Đặc biệt, sau khi Thông tư 02 về cơ cấu nợ, giãn hoãn nợ hết hiệu lực vào tháng 6/2024 có thể khiến nợ xấu cao hơn hiện tại.
Rủi ro nữa, theo ông Huân, Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12/2023. Nếu sang năm, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi được thông qua, thì cũng phải cuối năm mới có hiệu lực. Với khoảng thời gian còn lại, ngân hàng sẽ rất khó để thu hồi nợ vay, kể cả với các khoản nợ có tài sản đảm bảo. Do vậy, ngân hàng mong muốn các bộ, ngành chung tay giúp ngân hàng thu hồi nợ.
Ám ảnh nợ xấu bất động sản
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết dự báo nợ xấu sẽ có xu hướng tiếp tục tăng trong năm 2024. Trong đó, BĐS đang được cảnh báo là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất khi thị trường suy yếu khiến các khoản nợ có nguy cơ nhảy nhóm thành nợ xấu nhiều nhất. Do đó, ông Thịnh cho rằng các DN BĐS buộc phải tái cấu trúc.
Nguy cơ nợ xấu BĐS “phình to” đã được các chuyên gia cảnh báo từ lâu khi mà năm 2023 - 2024 là thời kỳ đáo hạn một lượng rất lớn trái phiếu DN. Trong khi đó, thị trường BĐS gặp khó, thanh khoản “tắc” đã khiến cho việc giải quyết BĐS phát mãi để xử lý nợ xấu của các ngân hàng trong giai đoạn hiện nay cũng gặp nhiều áp lực.
Trước áp lực nợ xấu, một số chuyên gia đề xuất kéo dài thời gian hiệu lực của Thông tư 02. TS. Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng có thể xem xét kéo dài Thông tư 02 thêm tối đa một năm đến tháng 6/2025, thời điểm thị trường BĐS được dự báo sẽ phục hồi.
Ông Nghĩa phân tích: Trong bối cảnh kinh tế vẫn còn khó khăn, việc kéo dài thời gian hiệu lực của Thông tư nhằm giãn quá trình xử lý nợ, giúp quá trình trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng diễn ra từ từ, không ảnh hưởng lớn đến nền tảng tài chính. Đồng thời, DN có thêm nguồn lực, điều kiện tái tạo quay vòng nguồn vốn kinh doanh.
Tuy nhiên, ông Thịnh lại cho rằng nên kết thúc đúng thời điểm của Thông tư 02. “Thông tư 02 là sự chia sẻ khó khăn giữa ngân hàng với DN nhưng chỉ nên có tính thời điểm, bởi việc kéo dài Thông tư sẽ khiến bong bóng nợ xấu thổi phồng to hơn nữa, từ đó đe dọa cho toàn bộ hệ thống tài chính tiền tệ” - ông Thịnh phân tích đồng thời cho rằng, với các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, dự đoán đến tháng 6/2024, các DN có sự phục hồi tương đối, vì vậy các khoản nợ xấu cũng nên được xử lý. "Phải đặt lợi ích của nền kinh tế lên hàng đầu" – ông Thịnh nói.