Tinh hoa Việt

Ấm áp nhà trình tường

ĐĂNG NGỌC 22/12/2023 08:15

Mỗi lần bước vào ngôi nhà mới doanh cả và các cháu xây khang trang trên nền đất cũ của cha mẹ để lại tôi cứ bồi hồi nhớ về ngôi nhà trình tường một thuở thay cho nhà vách đất, chấm dứt những cơn gió bấc trung du lùa qua khe cửa.

nha-tuong-trinh.jpg
Một ngôi nhà trình tường miền trung du.

Bè tre, gỗ xoan ngâm nhờ ao nhà hàng xóm đã hơn cả năm mới vớt lên, mang về để chật góc vườn. Mùi tre ngâm cứ thum thủm theo gió, có khi làm nhức mũi. Cả chục buổi, bàn đi, tính lại xem ngày tốt làm móng, mời thợ ở đâu, nhờ những ai trình tường. Ngồi học bài trên chiếc bàn tre chông chênh nghe ông bà, bố mẹ bàn tính chuyện làm nhà mới mà lòng tôi cứ xốn xang, học mãi chả nhớ bài thuộc lòng và thổn thức chờ mong…

Rồi ngày làm móng đã đến, hôm ấy là chủ nhật, người nào việc ấy, tôi hái chè tươi, đun một nồi nước to. Cả buổi sáng cùng lắm là hai lần đun nước, làm vài việc vặt còn thời gian chỉ xem thợ trình tường. Ai cũng vất vả, mồi hôi lúc nào cũng nhễ nhại, nhất là người đào đất. Bao nhiêu mảng đất màu nâu tươi pha đá ong cứ bật lên từ lưỡi thuổng, hoặc xà beng của những người làm thổ. Bố, anh chị tôi lấy xẻng xúc đất vào thúng chuyển lên cho “thợ” trình.

Gọi là “thợ” nhưng họ không phải là những người chuyên làm nghề này, và chẳng ai xa lạ, toàn là người hàng xóm lực lưỡng, bắp tay cứ cuồn cuộn. Đó là ông Rực, người to cao có bộ lông mày chổi sể, hay dọa trẻ con hư; ông “bếp” Vịnh, gọi vậy, chả là ngày xưa ông làm đầu bếp khi đi lính khố xanh, rồi bác Thu, bác Bính…

Họ đứng hai hàng đối mặt qua rãnh sâu làm móng, mỗi người cầm một cái chày to và dài, dậm huỳnh huỵch sau mỗi lần đổ thúng đất nâu tươi vào.

Vừa làm vừa kể chuyện, bác Thu bảo, thành Cổ Loa có xây được là nhờ có thần Kim Quy vẽ đường chỉ lối, phù hộ, ta làm là do kinh nghiệm, tường trình vững trước hết là do móng và cách trình, ai cũng phải dậm chày đều tay, nén chặt từng lớp đất cho dính vào nhau, đừng để lỏi, chỗ chặt chỗ lỏng.

Thúng đất nào có rễ cây lẫn vào là phải nhặt bằng sạch để không ảnh hưởng tới độ kết dính. Cả bốn bề rãnh móng hình chữ nhật, nếu khéo thẳng ra, độ dài có lẽ tới cả trăm mét, vậy mà chỉ một ngày móng đã lên khỏi mặt đất.

Lúc này, trình tường phải dùng tới khuôn, khuôn gỗ rộng cỡ 40 phân, dài khoảng thước rưỡi. Hai đầu ván khuôn có lỗ tròn để lắp quân xỏ, cố định khuôn.

Khi tường cao chừng nửa thước là phải bắc giàn giáo và thời gian một mẻ trình từ lúc đặt khuôn tới khi rút khuôn cả tiếng đồng hồ, càng lên cao càng lâu. Tháo khuôn phải rút quân sỏ để lại hai lỗ thủng xuyên tường, tôi nheo mắt nhìn qua lỗ tròn, má áp vào bức tường mềm mịn, man mát đón ánh nắng vàng bên kia hắt vào mà reo vui, thích thú.

***

Trong lúc trình tường chuyện đã rôm rả, bữa cơm trưa cả nhà xếp hai hàng dài trên chiếu cùng ăn với thợ, tạo ra một trường giao cảm còn vui tươi hơn. Ông bếp Vịnh kể chuyện xưa nấu các món ăn cho trại lính khố xanh gần dinh thự của quan Pháp ở một tỉnh miền núi phía Bắc, nên biết làm món bánh “cao sằng” được chế biến từ bột gạo nếp, rồi món “khâu nhục”.

Cũng là thịt ba chỉ, luộc chấm mắm tôm chanh ớt hay muối ớt ngon một kiểu, nhưng món khâu nhục thì cầu kỳ lắm! Miếng thịt ba chỉ to luộc xong lấy xiên châm đều, xát lớp muối, gia vị lên da lợn, rồi rán trên chảo gang ngập mỡ cho đến khi thịt màu cánh gián thì lấy ra, cho lại vào nồi nước luộc thịt trước đó, để ráo nước mới thái miếng dày, ăn kèm lá tàu soi - một loại rau muối như cải ngồng. Lính ăn khen ngon đã đành, cả quan Tây cũng thích. Nhưng có đi mới biết, tôi biết cách người dân tộc trình tường từ bấy”.

Tôi hỏi, thế “người dân tộc họ khôn hơn mình à ông?”. Ông Rực, trông dữ dằn là vậy mà nghe ông nói với giọng trầm lại rất bùi tai: “Mỗi vùng có cách làm nhà riêng, tận dụng được các thứ có sẵn, đỡ mất tiền mua. Căn bản cư đất nó thế nào, ở dưới xuôi đất nhão, bùn cát không thể trình tường được.

Nhà vách đố thì mình tận dụng được rơm rạ, tranh tre, chỉ việc vắt đất sét nhão trộn rơm rạ lên tấm đan bằng tre buộc theo lối mắt cáo, rồi trát lớp đất ngoài cùng cho phẳng phui là có tường đố thôi”.

***

Gốc gác gia đình tôi ở vùng xuôi chuyển lên trung du nên khi làm nhà các cụ vẫn theo lối nhà vách đố. Lớn lên tôi đã ở trong ngôi nhà ấy, nhưng theo thời gian vách cứ mủn dần, nhất là chỗ chân tường mái tranh đã mòn cụt bị nước mưa thấm vào thì chỉ cần đá mũi chân là rơm rạ trát vách mủn ra, thủng lỗ chỗ. Sợ nhất là mùa đông, có đợt rét làm da mốc thếch, môi, gót chân mứt nẻ chảy máu, răng đánh vào nhau cồm cộp, tai như quăn lại.

Những đêm gió bấc tràn về lọt qua khe cửa, vách thủng, tấm chăn chiên ba anh em ngủ trên cái cái phản gỗ, không thể chống nổi cái rét cắt da cắt thịt vùng trung du. Bố mẹ ngủ ở cái chái có lẽ còn rét hơn, thấy bố lấy lá chuối khô nhét vào những chỗ vách thủng, có hôm không tròn giấc, mẹ tôi dậy sớm bẻ củi lách cách dưới bếp làm bữa ăn sáng cho cả nhà và sưởi ấm đôi tay.

Đôi tay cấy lúa, cầm liềm gặt hái, tích cóp bao tháng ngày cho đầy bồ thóc để nuôi nhà, nuôi thợ làm nhà mới.

Và cùng bàn tay, sức lực giúp đỡ của những người hàng xóm láng giềng chỉ thời gian ngắn kể từ khi làm móng, gia đình tôi có căn nhà mới tường trình ba gian hai chái. Gian giữa rộng rãi nhất đặt bàn thờ tổ tiên và cũng là nơi sinh hoạt chung của cả nhà, hai chái để cối xay lúa, giã gạo.

Sướng nhất là chấm dứt nỗi lo giá rét trong giấc ngủ mỗi khi đông về. Nhà trình tường ấm áp mùa đông, mát về mùa hè và mới đẹp làm sao. Đẹp nhất trong ngày là ánh nắng vàng thau lúc 9 giờ hắt vào tường ánh lên màu nâu tươi mịn màng, rực rỡ. Trước mặt là khu vườn rộng có hàng cau cao vút in bóng trên bức trình tường, và hoa quả thì mùa nào thứ ấy.

Cây hoa dẻ, anh cả tôi trồng ở phía trái góc vườn, những chùm hoa khi nhỏ thì màu ngọc bích, đến khi chín cánh vàng dài như ngón tay, tỏa hương dịu nhẹ, đưa vào cửa sổ bàn học tôi. Bàn tre chông chênh nay được thay bằng bàn gỗ xoan, cửa sổ có chấn song cắm trên bức tường trình dày dặn, có thể để lọ mực, cây đèn, cuốn sách nhỏ trên đó như là mặt bàn phụ.

***

Cả tuổi thơ tôi lớn cùng góc học tập ấy, lật những trang vở, nuôi những ước mơ bình dị… Vậy mà thấm thoát đã hết tuổi học trò, mong ước lớn mau để có thể đi tới một nơi xa xôi, một vùng trời rộng nào đó đã trở thành hiện thực.

Nhưng rồi càng lớn, càng bươn chải ngoài đời, thì khát khao cháy bỏng nhất vẫn là được trở về nhà mình. Gia đình tôi trải qua bao biến động thường tình, bố mẹ tuổi cao đã mất, anh chị em lấy vợ, lấy chồng mỗi người ở một phương, chỉ có anh cả nghỉ hưu là “giữ gôn”, anh và các cháu xây ngôi nhà mới khang trang trên nền đất cũ của cha ông để lại.

Thằng cháu tôi thích sinh vật cảnh, cả cái sân gạch đỏ rộng rãi và khu vườn trước mặt có bao nhiêu là cây cảnh dáng thế đa dạng. Có dáng cây si phụ tử-thân lớn là cha già gốc to, xù xì mà vẫn nổi thế hồn hậu vui tươi, rồi có đàn con ríu rít vây quanh.

Mỗi lần trở về tôi vẫn như thấy mình đang ở trong ngôi nhà trình tường xưa, thấy trước mắt một cậu bé tám, chín tuổi chạy nhảy quanh sân, đá bóng lá chuối, lúc ra vườn hái quả và săn bắn chim bằng súng cao su. Tôi như thấy mâm cơm độn sắn, thỉnh thoảng có con cá bắt lên từ cái ao, vốn là hố lấy đất trình tường được đào sâu, mở rộng; như thấy cái chái có cối xay, góc để cày bừa, liềm hái, chiếc dây phơi trước sân có bộ áo nâu bạc của bố, váy đen còn dính bùn của mẹ…

Tất cả vẫn còn nguyên và tươi mới hiện diện trước mặt. Chắc là vì như lời bài “Nhà là nơi để trở về” mà tôi hay thầm thì trong dạ:

“Cha ở phương trời xa kia có vui vì con lớn khôn rồi.

Bao lời cha dạy con giữ trong tim.

Có gia đình dù bao khó khăn, dù gục ngã hãy quay trở về đây!

Nhà là nơi ra đời,

nhà là nơi dạy ta nên người.

Mọi buồn vui trên đời chính là nhà.

Dù đời dài còn biết bao xa vời…

Dù đi đâu hãy nhớ luôn quay trở về…về nhà”.

Mỗi lần trở về tôi vẫn như thấy mình đang ở trong ngôi nhà trình tường xưa, thấy trước mắt một cậu bé tám chín tuổi chạy nhảy quanh sân, đá bóng lá chuối, lúc ra vườn hái quả và săn bắn chim bằng súng cao su. Tôi như thấy mâm cơm độn sắn, thỉnh thoảng có con cá bắt lên từ cái ao, vốn là hố lấy đất trình tường được đào sâu, mở rộng; như thấy cái chái có cối xay, góc để cày bừa, liềm hái, chiếc dây phơi trước sân có bộ áo nâu bạc của bố, váy đen còn dính bùn của mẹ… Tất cả vẫn còn nguyên và tươi mới hiện diện trước mặt.

ĐĂNG NGỌC