Văn hóa

Hé lộ không gian điện Kính Thiên

Phạm Sỹ 22/12/2023 08:22

Tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội vừa diễn ra Tọa đàm khoa học “Kinh đô Thăng Long - Hà Nội, từ tư liệu lịch sử đến những kết quả nghiên cứu mới”.

anh-1-bai-tren.png
Mô hình 3D Không gian điện Kính Thiên. Nguồn: Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội.

Theo báo cáo của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội và Viện Khảo cổ học, từ năm 2011 đến nay, đã khai quật khu vực trung tâm điện Kính Thiên với tổng diện tích hơn 10.000m2. Những cuộc khai quật đã thu được kết quả to lớn.

Kết quả khai quật đã xác định được hệ thống di tích, di vật phong phú và bước đầu xác định được một phần kết cấu kiến trúc khu vực Chính điện Kính Thiên thời Lê sơ (thế kỉ XV - đầu thế kỷ XVI) và thời Lê Trung hưng (thế kỷ XVII-XVIII) gồm có Chính điện Kính Thiên, Ngự đạo, sân Đại Triều, cổng, tường vây và hành lang bao quanh.

Đợt khai quật năm 2023, đã đạt được những kết quả rất khả quan trong việc xác định dấu tích của điện Kính Thiên. Khảo sát tại hố khai quật, đoàn chuyên gia quốc tế của Trung tâm Di sản thế giới (UNESCO, ICOMOS) và các chuyên gia trong nước đánh giá cao vì được tận mắt thấy dưới nền điện Kính Thiên vẫn còn bảo lưu rất tốt các dấu tích kiến trúc của nhiều thời kỳ lịch sử. Đây chính là cơ sở khoa học có tính xác thực cao trong việc nghiên cứu phục dựng, khôi phục chính điện Kính Thiên.

anh-2-bai-tren.jpg
Chậu đất nung đường kính 1,2m phát hiện trong đợt khai quật 11 tại Hoàng thành Thăng Long. Nguồn: VTV.

Theo PGS.TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, việc khai quật nền điện Kính Thiên năm nay được các nhà khoa học và các chuyên gia quốc tế đánh giá là bước đột phá với những phát hiện đem lại nhiều cứ liệu khoa học xác thực theo yêu cầu của UNESCO. Các hố khai quật lần này được bảo vệ tuyệt đối các dấu tích của Chính điện Kính Thiên.

Ông Nguyễn Thanh Quang - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội rằng, kết quả khai quật lần này là một phát hiện cực kỳ quan trọng, sẽ mở ra nghiên cứu tổng thể về điện Kính Thiên từ phần móng cho đến toàn bộ cấu trúc. Để công chúng có cơ hội tiếp cận những thành quả khai quật được, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã mở rộng tham quan tại các hố khai quật ra nền móng các điện. Từ đó để công chúng có quyền được tiếp cận và hiểu về một cung điện rất nguy nga của chúng ta qua hơn 1000 năm lịch sử tại khu vực nền điện Kính Thiên.

Được biết, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã phối hợp với Viện Khảo cổ học lựa chọn 2 hố khai quật tiêu biểu, phản ánh chân xác và sinh động dấu tích của tòa Chính điện Kính Thiên thời Lê để trưng bày tại chỗ giới thiệu đến toàn thể nhân dân và du khách trong và ngoài nước. Trưng bày này sử dụng hệ thống pano, video clip, hệ thống ánh sáng nhằm diễn giải ngắn gọn, súc tích nhất về quá trình xây dựng, hình thành và phá hủy điện Kính Thiên, cũng như việc nghiên cứu phát lộ và tái hiện bằng hình ảnh 2D, 3D di tích quan trọng này trong những năm vừa qua.

Theo TS Nguyễn Lân Cường - Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam, những kết quả khai quật được là rất giá trị. Nhưng cần phải đặt ra vấn đề làm sao để người dân có thể tiệp cận và hiểu về những giá trị đó. Khi khai quật lên, chúng ta phải lưu lại bằng hình ảnh và ứng dụng 3D. Tất cả những điều này chúng ta phải làm. Có những hiện vật khai quật cực quý không nên để lại dưới hố. Nhưng trước đó phải làm 3D. Nếu để ngoài trời sẽ hỏng. Để công chúng tiếp cận được với những giá trị quý giá này thì cần phải mở cửa để công chúng được vào xem.

Còn theo PGS.TS Phạm Quốc Quân (Hội đồng Di sản quốc gia), những kết quả khai quật ở điện Kính Thiên đã phản ánh được giai đoạn lịch sử mà từ trước đến nay chúng ta nhận thức về Hoàng thành Thăng Long. Những dấu ấn ở trên các di tích đã phản ánh được địa tầng. Đó là địa tầng có khả năng nhận diện những lớp phát triển qua các thời kỳ. Những lớp văn hóa thể hiện được quá trình biến đổi của điện Kính Thiên đã rõ ràng. Nhưng chúng ta phải kết nối lại được để nhận thức được mặt bằng kiến trúc điện Kính Thiên thì những giả thiết tương đối là hợp lý. Cần phải có các cuộc khai quật tiếp tục. Vì chúng ta đặt ra vấn đề nghiên cứu không gian điện Kính Thiên chứ không phải chỉ có ngôi điện Kính Thiên.

“Những kết quả khai quật đã được bảo tàng hóa ngay tại chỗ và đã có được sự chỉ dẫn rất thuyết phục để tạo cho du khách có được điểm tham quan. Từ đó giúp cho du khách có nhận thức về điện Kính Thiên với những lớp lang đầy đủ” - ông Quân nói.

Phạm Sỹ