Tiếng dân

Hàng trăm hộ dân gặp khó vì nằm trong chỉ giới mở đường

Nguyễn Chung 23/12/2023 07:44

Nhiều năm qua, hơn 200 hộ dân tại các xã: Quang Trung, Minh Sơn, Minh Tiến và thị trấn Ngọc Lặc, huyện miền núi Ngọc Lặc (tỉnh Thanh Hóa) gặp nhiều khó khăn do nằm trong phạm vi hành lang đường Hồ Chí Minh, trong khi các bộ, ngành liên quan vẫn chưa có giải pháp cụ thể để tháo gỡ vướng mắc giúp người dân an cư, ổn định cuộc sống.

anh-bai-tren.jpg
Gia đình ông Phạm Văn Hải - phố Hạ Sơn, thị trấn Ngọc Lặc đang gặp rất nhiều khó khăn khi nằm trong chỉ giới đường Hồ Chí Minh. Ảnh: Nguyễn Chung.

Nhiều bất cập

Dự án tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa bàn huyện miền núi Ngọc Lặc có chiều dài hơn 30km đi qua địa phận các xã Quang Trung, Minh Sơn, Minh Tiến, Kiên Thọ và thị trấn Ngọc Lặc được đầu tư xây dựng năm 2001 và hoàn thành năm 2006… Từ khi đi vào hoạt động đến nay, tuyến đường này không chỉ tạo thuận lợi trong kết nối giao thông mà còn góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, do quy định phạm vi hành lang của đường Hồ Chí Minh khá rộng, trong khi nhà nước chưa đền bù giải tỏa nên đời sống của hàng trăm hộ dân sinh sống trong phạm vi cắm mốc gặp nhiều khó khăn.

Bà Trần Thị Anh - người dân sinh sống tại khu phố Hạ Sơn, thị trấn Ngọc Lặc cho biết: Gia đình bà sinh sống ở đây từ khi chưa có dự án giao thông trọng điểm của quốc gia đi qua. Khi tuyến đường Hồ Chí Minh được thi công, gia đình bà cũng như nhiều hộ dân khác nằm 2 bên trục đường đã xem đây là điều kiện thuận lợi để giao thương, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Năm 2017, gia đình bà tích góp xây dựng nhà ở kiên cố, nhưng không được cấp sổ đỏ do toàn bộ diện tích đất của gia đình nằm trong hành lang an toàn của đường Hồ Chí Minh. Mặc dù hàng năm, gia đình bà vẫn đóng đầy đủ các loại thuế cho mảnh đất này.

“Hiện nay những hộ dân nằm trong chỉ giới đường Hồ Chí Minh gặp rất nhiều khó khăn. Nhà cửa hư hỏng, xuống cấp không được xây mới, con cái lớn lập gia đình cũng không thể san tách hộ. Do không được cấp sổ đỏ nên muốn vay vốn ngân hàng để phát triển kinh tế, người dân cũng đành chịu vì không có tài sản thế chấp” - bà Anh bày tỏ.

Cùng có chung hoàn cảnh như gia đình bà Anh, ông Phạm Văn Hải - phố Hạ Sơn, thị trấn Ngọc Lặc cho biết: Do điều kiện và nhu cầu thực tế, người dân buộc phải san tách hộ cho người thân trong gia đình nhưng không được cấp giấy phép xây dựng, không được cấp sổ đỏ. Cuộc sống cứ rơi vào cảnh tạm bợ rất mệt mỏi. Chúng tôi mong nhà nước có quyết sách để bà con an cư, lạc nghiệp, tìm kế sinh nhai bền vững.

Cần sớm có giải pháp cụ thể

Được biết khi Dự án tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua các xã trên địa bàn huyện Ngọc Lặc, người dân địa phương đã chấp hành việc giải phóng mặt bằng, thậm chí nhiều hộ dân còn hiến hàng trăm mét vuông đất để làm đường. Tuy nhiên, qua thời gian sử dụng cũng như nhu cầu thực tế của một số hộ dân, họ cần tách hộ, làm ăn buôn bán để phát triển kinh tế gia đình thì đất ở của gia đình lại nằm trong giới hạn hành lang an toàn đường bộ đường Hồ Chí Minh đoạn trong phạm vi quy hoạch đô thị trung tâm vùng miền núi phía Tây.

Theo thống kê trên địa bàn huyện Ngọc Lặc có 216 hộ nằm trong hành lang an toàn đường. Trong đó có nhiều gia đình nằm trong chỉ giới 59,5m (khi dự án triển khai các giai đoạn tiếp theo, họ sẽ mất toàn bộ diện tích đất hiện tại).

Trao đổi với báo chí, ông Phạm Anh Tuấn - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Ngọc Lặc, cho biết: Huyện đã có văn bản đề nghị các cấp thẩm quyền xem xét. Thứ nhất, nếu được, cần đầu tư hoàn thiện giải phóng mặt bằng để người dân di dời ra khỏi hành lang để an cư. Thứ hai, với những hộ khó khăn nằm trong hành lang tuyến đường thì cần phải có giải pháp, khảo sát để các hộ dân có đời sống ổn định hơn. Giải pháp ở đây là cần giải phóng các hộ dân có nhu cầu chuyển đi, hoặc có cơ chế để những hộ khó khăn được làm nhà tạm nhằm giải quyết nhu cầu cuộc sống trước mắt. Vì vậy mong các bộ, ngành liên quan cần có những giải pháp cụ thể để tháo gỡ vướng mắc giúp người dân an cư, ổn định cuộc sống.

Nguyễn Chung