Giáo dục

Tìm kiếm tài năng từ trường phổ thông

Thu Hương 23/12/2023 13:45

Theo PGS.TS Đỗ Danh Bích – Trưởng đoàn Olympic Vật lý quốc tế 2023, để có đội tuyển học sinh giỏi quốc tế với nhiều thành tích, vai trò của thầy cô cấp phổ thông trong việc phát hiện, bồi dưỡng rất quan trọng.

anh-bai-chinh.jpg
Đoàn học sinh đoạt giải Olympic, Khoa học kỹ thuật quốc tế 2023. Ảnh: Việt Cường.

Đồng hành với học trò

Với 5 năm kinh nghiệm dẫn dắt đội tuyển Olympic Vật lý quốc tế và một năm làm trưởng đoàn, PGS.TS Đỗ Danh Bích cho rằng thời gian ở đội tuyển rất ngắn, chỉ có thể ôn tập những kiến thức mới, lạ. Việc trang bị kiến thức, kỹ năng cần phải làm ngay từ khi các em đang học trong trường phổ thông. Theo PGS Bích, đội tuyển chỉ có hơn hai tuần tập huấn thi Olympic châu Á và hơn một tháng ôn thi Olympic quốc tế. Trong thời gian ngắn này, các em gặp áp lực rất lớn. Trong vai trò là trưởng đoàn, PGS Bích cùng các thầy cô khác luôn cố gắng tìm kiếm những vấn đề mới để học sinh tiếp cận, đưa các em thăm một số phòng thí nghiệm hiện đại trong nước. Sau buổi học thầy cô còn tổ chức cho học sinh đi ăn, tổ chức sinh nhật... để giải tỏa tâm lý. Thầy cô thường xuyên trao đổi để nắm bắt tâm tư của học sinh và gia đình, tạo điều kiện tốt nhất để các em tập trung ôn tập, thoải mái tinh thần để sẵn sàng bước vào kỳ thi đầy căng thẳng.

Chia sẻ thêm về công tác tìm kiếm, phát hiện, bồi dưỡng tài năng ở trường phổ thông hiện nay, PGS Bích cho biết, thông thường đến lớp 12 học sinh mới tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, từ đó tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc tế. Tuy nhiên, cũng có những ngoại lệ khi nhiều năm trở lại đây xuất hiện những học sinh lớp 11, thậm chí lớp 10 trong các đội tuyển Olympic quốc tế.

Võ Hoàng Hải, học sinh trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội có mặt trong đội tuyển từ năm lớp 10 và giành huy chương vàng. Năm 2023, Hải học lớp 11 và giành chiếc huy chương vàng thứ hai. Nếu như cứ “tuần tự mà tiến” thì Hải chưa thể có mặt trong đội tuyển ở năm lớp 10 nhưng nhờ việc phát hiện, bồi dưỡng tài năng từ sớm của nhà trường cùng nỗ lực không ngừng nghỉ của Hải đã đem lại cho em cơ hội tham gia đội tuyển, đem về vinh quang.

Kiên nhẫn và tâm lý

Ông Nguyễn Vũ Lương - nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên kể về Đinh Vũ Tùng Lâm, đoạt huy chương bạc trong kỳ thi Olympic Toán quốc tế (IMO) năm 2021. “Chữ Lâm rất xấu, có những khi đọc bài giải của con, mãi các thầy mới hiểu. Cho nên, nếu không quan sát kỹ càng, các thầy có thể sẽ bỏ sót tài năng của Lâm” - ông Lương nói và cho biết trong quá trình giảng dạy, các thầy cô phát hiện Lâm có năng khiếu đặc biệt về môn toán, có “sức công phá” rất lớn. Lâm thẳng thắn, trung thực, sẵn sàng “phê phán” các thầy nếu bài giảng chưa hay. Chính vì vậy, để dạy Lâm, trước hết các thầy phải rất gương mẫu và tâm lý, tin tưởng và sẵn sàng đồng hành cùng em kể cả trong khó khăn, thất bại, động viên học trò nếu có điều chưa như ý xảy ra.

Theo ông Lương, mỗi học trò là một cá tính và đúng với bất cứ đứa trẻ nào. Với những học sinh đặc biệt xuất sắc trong một lĩnh vực nào đó, sự nhạy cảm của các em là rất lớn nên trong vai trò một giáo viên, điều quan trọng nhất là khơi gợi niềm đam mê với môn học phát huy hết sở trường, năng lực của các em. Thành tích đạt được đương nhiên là quan trọng nhưng thầy cô phải là người nhận thức rõ nhất, cũng là người chỉ ra cho các em thấy, giá trị của các em không nằm ở tấm huy chương bởi một kỳ thi không thể đánh giá được cả chặng đường.

“Điều quan trọng là mỗi người phải kiên trì và biết đứng dậy sau thất bại. Đó mới là điều quý giá hơn cả” - ông Lương nói.

Nguyễn Tiến Lộc đoạt huy chương bạc Olympic sinh học quốc tế năm 2023, hiện là học sinh lớp 11 Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Suốt những năm cấp 2, em theo đuổi toán học. Đến học kỳ 2 năm lớp 9 em rẽ hướng sang môn sinh học với dự định sẽ thi vào trường Đại học Y Hà Nội, trở thành bác sĩ. Với Lộc, đó là quãng thời gian nỗ lực vượt bậc của em vì em xuất phát với môn sinh học muộn hơn các bạn khác. Theo Lộc, em gặp được cô Đỗ Thị Thanh Huyền - Trưởng bộ môn chuyên Sinh học, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, được cô giảng dạy và khơi gợi niềm đam mê, hứng khởi với môn học này.

“Trong suốt quá trình ôn thi vào cấp 3, ôn để vào đội tuyển, ôn thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, cũng có thời điểm em rơi vào trạng thái áp lực, mệt mỏi nhưng nhờ có sự động viên khích lệ của gia đình, bạn bè, đặc biệt là các thầy cô giáo, đặc biệt là cô Huyền, em đã cân bằng trở lại để tiếp tục theo đuổi đam mê của mình” – Lộc nói.

Thu Hương