Chính trị

Đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật

H.Vũ 23/12/2023 07:47

Ngày 22/12, Ban Chỉ đạo xây dựng đề án đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả họp phiên thứ nhất.

anh-bai-phu(1).jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp. Ảnh: V.H.

Tại phiên họp, ông Ngô Trung Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, dự kiến đề án sẽ tập trung đánh giá thực trạng quy trình xây dựng pháp luật, trong đó bao gồm một số vấn đề lý luận về quy trình xây dựng pháp luật và kinh nghiệm một số nước về quy trình xây dựng pháp luật; thực trạng hệ thống các hình thức văn bản quy phạm pháp luật và thẩm quyền ban hành; thực trạng quy trình và kết quả thực hiện quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; các bài học kinh nghiệm rút ra sau khi đánh giá thực trạng.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, Đề án cần có một phần riêng về các giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong hoàn thiện, đổi mới quy trình xây dựng pháp luật, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long bày tỏ cần cố gắng giữ các nguyên lý chung, đặc biệt là những giá trị phổ quát của nhân loại. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 có đóng góp rất lớn. Tuy nhiên có một số vấn đề thực tiễn chưa xử lý được, cần khảo sát đánh giá sâu hơn về thực tế thi hành.

Theo ông Long, cần quan tâm hơn tới trách nhiệm của các chủ thể vì gắn với tổ chức thi hành. Do đó cần nghiên cứu kỹ hơn các quy định của Đảng về kỷ luật đảng trong số các văn bản đã có. Nghiên cứu thêm cả Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức để sau này xử lý cán bộ công chức, viên chức cùng với quy định của Đảng nếu có hành vi có vấn đề.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng đề án cho biết, đề án được xây dựng theo tinh thần Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trong đó có yêu cầu đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả, tập trung đổi mới quy trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Ngày 10/2, Đảng đoàn Quốc hội đã có kế hoạch triển khai toàn diện các nhiệm vụ. Ngày 23/10, Đảng đoàn Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ biên tập Đề án và Kế hoạch về xây dựng Đề án.

Theo ông Định, từ khi có Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, công tác xây dựng pháp luật trong những năm qua đã có một bước tiến rất dài, năm sau tốt hơn năm trước và cơ bản hoàn chỉnh. Song giai đoạn hiện nay đang bước vào hoàn thiện ở tầm cao, gắn với việc tổ chức thi hành pháp luật, phải chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả hơn nữa. Do đó cần phải đánh giá thực trạng trong thời gian vừa qua để từ đó đề xuất phương hướng đổi mới quy trình xây dựng pháp luật, từ luật đến các văn bản của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Đây cũng là dịp để nhìn lại quá trình xây dựng pháp luật, để từ đó có định hướng tốt hơn.

Ông Định đề nghị, bên cạnh bối cảnh, cơ sở và sự cần thiết xây dựng Đề án, cần làm rõ thực trạng, ưu điểm, nhược điểm của công tác xây dựng pháp luật. Trong đó, những vấn đề tốt cần được phát huy, những vấn đề thực sự vướng thì sẽ sửa đổi nhưng phải trong khuôn khổ của Hiến pháp và các chủ trương, quy định của Đảng. Bên cạnh đó, cần dành sự quan tâm thỏa đáng đối với quy trình xây dựng văn bản của địa phương và việc giải thích văn bản quy phạm pháp luật.

H.Vũ