Vai trò giám sát cộng đồng trong Chương trình mục tiêu quốc gia
Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (Chương trình MTQG 1719), các địa phương đã thành lập Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tại các địa phương.
Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” đã phát huy quyền làm chủ của nhân dân, từ đó góp phần nâng cao chất lượng các công trình đang được đầu tư cơ bản tại các địa phương.
Chương trình MTQG 1719, theo Quyết định số 1719 là chính sách ưu việt của Nhà nước dành cho đồng bào các DTTS, lần đầu tiên đồng bào DTTS có một chương trình MTQG riêng. Vì thế, trong quá trình triển khai, để đồng thụ hưởng các chính sách tốt nhất, tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội cho vùng, việc phát huy cao nhất vai trò của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể trong tuyên truyền, vận động nhân dân cùng tham gia giám sát là vô cùng cần thiết. Do đó, trước khi Chương trình MTQG 1719 triển khai trong thực tiễn, Ủy ban Dân tộc đã ban hành Thông tư số 01 ngày 26/5/2022 quy định quy trình giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình. Trong đó, có quy định cụ thể về hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng cũng như các thông tư quy định cụ thể về quyền, nội dung, tổ chức thực hiện của Ban đối với các dự án, hoạt động thuộc Chương trình MTQG 1719.
Đơn cử, ở xã Trần Phú, huyện Na Rì (Bắc Kạn), từ năm 2022 đến tháng 8/2023, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng xã đã thực hiện 8 cuộc giám sát thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn. Qua giám sát, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã có 14 kiến nghị về công tác thi công, sử dụng chất lượng vật liệu không đúng tiêu chuẩn. Từ việc phát hiện sai phạm đó, Ban đã kiến nghị tới cơ quan chuyên môn và đơn vị thi công khắc phục sai phạm. Nhờ đó, nhiều công trình từ góp ý của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng xã đã đạt hiệu quả cao sau khi đưa vào sử dụng.
Còn tại cấp Trung ương, trong quý II/2023, lần đầu tiên Quốc hội đã thực hiện giám sát tối cao giữa kỳ đối với 3 Chương trình MTQG, trong đó có Chương trình MTQG 1719. Tại kỳ họp lần thứ 6, Quốc hội khóa XV, Báo cáo giám sát tối cao của Quốc hội đối với 3 Chương trình MTQG đã được đưa ra lấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội và các bộ, ngành liên quan theo đúng quy định, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, thu hút được sự quan tâm, chú ý của cử tri và dư luận xã hội.
Việc Quốc hội tổ chức giám sát giữa kỳ các Chương trình MTQG có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương hoàn thiện cơ chế, chính sách, hướng dẫn để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện. Thông qua việc giám sát tối cao đã thể hiện rõ quan điểm, sự nỗ lực, đồng hành của Quốc hội cùng với Chính phủ tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện các Chương trình MTQG, trong đó có Chương trình MTQG 1719. Cùng với Quốc hội, UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng đã tiến hành giám sát và phản biện xã hội đối với việc thực hiện các Chương trình MTQG tại các tỉnh: Quảng Ninh, Nghệ An, Tuyên Quang, Kon Tum và An Giang. Ủy ban MTTQ của 49 tỉnh, thành phố thực hiện Chương trình MTQG 1719 cũng đã xây dựng kế hoạch và triển khai giám sát. Trong đó, công tác giám sát chủ yếu tập trung vào các nội dung: Việc xác định phạm vi, đối tượng thụ hưởng; giám sát phân bổ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí khác thuộc Chương trình.
Trên cơ sở văn bản hướng dẫn của Trung ương, các địa phương đã chỉ đạo triển khai xây dựng và bố trí nguồn lực triển khai công tác kiểm tra, đánh giá thực hiện Chương trình. Qua công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá đã giúp các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện Chương trình MTQG 1719 phát huy những kết quả tích cực, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh để đảm bảo thực hiện Chương trình có hiệu quả.