Xã hội

Hoàn thành di dân khỏi di tích Kinh thành Huế sớm hơn kế hoạch

Ngọc Quang 23/12/2023 07:53

Theo kế hoạch, đến năm 2025 sẽ hoàn thành việc di dời dân cư khỏi di tích Kinh thành Huế. Tuy nhiên mới hết năm 2023, việc di dời này cơ bản đã hoàn tất.

anh-bai-duoi.jpg
Khu vực 1 di tích Kinh thành Huế - nơi có hàng nghìn hộ dân được di dời. Ảnh: Nguyễn Phong.

Tại cuộc họp báo ngày 21/12 do UBND TP Huế tổ chức, ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế cho biết, việc di dời dân cư khỏi di tích Kinh thành Huế đã hoàn thành sớm hơn 2 năm so với kế hoạch.

Đây là cuộc di dân lịch sử đối với TP Huế, được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ năm 2019 - 2022 với tổng kinh phí được cấp hơn 1.880 tỷ đồng (di dời dân cư khỏi Thượng thành, Eo bầu); giai đoạn 2 thực hiện từ năm 2023 - 2025 (di dời dân cư đang sống ở các di tích thuộc khu vực hai bên trong Kinh thành Huế).

Ông Tuấn cho biết, TP Huế đã cơ bản hoàn thành di dời dân cư ra khỏi di tích Kinh thành Huế của cả 2 giai đoạn, hoàn thành kế hoạch sớm hơn 2 năm với kinh phí 1.880 tỷ đồng.

"Hiện nay chúng tôi còn 80 tỷ đồng trong tổng số 1.880 tỷ đồng được cấp nữa là sẽ hoàn thành việc di dời dân cư cả giai đoạn 1 và giai đoạn 2. Dự kiến số tiền này sẽ được phê duyệt, đền bù, hỗ trợ, xây dựng tái định cư cho bà con trước ngày 31/12 này. Như vậy trong năm 2023 cơ bản sẽ hoàn thành toàn bộ cuộc di dân lịch sử" - ông Tuấn nói và cho biết đã bố trí tái định cư 2.760 lô đất tại khu quy hoạch Hương Sơ, TP Huế phục vụ di dân khỏi di tích.

Còn theo ông Trương Đình Hạnh - Phó chủ tịch UBND TP Huế, thành phố đang dọn dẹp, san lấp mặt bằng nhiều khu vực đã di dời dân cư khỏi Kinh thành Huế. "Dự kiến tháng 1/2024 tới, chúng tôi sẽ bàn giao đất sạch ở khu vực Thượng thành, Eo bầu, tuyến phòng lộ cho Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế quản lý, thực hiện phát huy giá trị di tích Kinh thành Huế" - ông Hạnh nói.

Được biết, khoảng 4.200 hộ dân, với 15.000 người sống ở khu vực 1 di tích Kinh Thành Huế được di dời.

Kinh thành Huế - nơi đóng đô của triều đại nhà Nguyễn trong suốt 143 năm từ năm 1802 đến khi vua Bảo Đại thoái vị vào năm 1945. Năm 1803, vua Gia Long bắt đầu cho khảo sát và chọn vùng đất rộng bên bờ Bắc sông Hương cùng một phần của 2 con sông Bạch Yến và Kim Long để xây thành. Về mặt phong thủy, tiền án kinh thành là núi Ngự Bình như bức bình phong thiên nhiên che chắn trước kinh thành. Hai bên cồn Hến và cồn Dã Viên làm tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ (thế rồng chầu hổ phục).

Đến năm 1805, vua Gia Long khởi công xây kinh thành và được hoàn chỉnh vào năm 1832 dưới thời vua Minh Mạng. Đây được xem là công trình hết sức quy mô với hàng vạn lượt người tham gia thi công, hàng triệu khối đất đá với khối lượng công việc khổng lồ kéo dài trong suốt 30 năm dưới triều Nguyễn. Với 3 vòng thành lần lượt là Kinh thành, Hoàng thành và Tử Cấm Thành, hiện Kinh thành Huế là di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1993.

Ngọc Quang