Xã hội

Quảng Nam: Sạt lở đe dọa Trung tâm hành chính huyện Nam Trà My

TẤN THÀNH - CHÍ ĐẠI 24/12/2023 08:02

Cứ bước vào mùa mưa bão người dân và cán bộ làm việc ở Trung tâm hành chính huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam sống trong cảnh lo lắng sợ sạt lở đất đá. Bởi vì khu vực đồi núi phía sau trung tâm này xuất hiện các vết nứt chạy dài có nguy cơ sạt lở đe dọa tính mạng, tài sản của họ.

sat-lo-3.jpg
Trung tâm hành chính huyện Nam Trà My nằm dưới đồi núi có vết nứt.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Trung tâm hành chính huyện Nam Trà My được quy hoạch và xây dựng ở xã Trà Mai rất kiên cố, không chỉ có chỗ đàng hoàng để cán bộ an tâm làm việc mà thời gian qua đã giúp người dân miền núi có chỗ trú tránh sạt lở đất, lũ quét vào mùa mưa bão.

Thế nhưng qua 20 năm xây dựng cơ sở vật chất đã xuống cấp và đáng lo là hiện nay khu vực đồi núi phía sau trung tâm huyện này xuất hiện vết nứt kéo dài. Vết nứt này ngày càng nghiêm trọng hơn sau đợt mưa bão cuối năm 2020 đang đe dọa đến tính mạng, tài sản người dân ở đây.

Ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, vào năm 2020 phía sau trụ sở thi hành án huyện Nam Trà My xuất hiện điểm sạt lở, đất đá từ trên đỉnh đồi tràn vào đến phòng làm việc.

Còn 1 năm trở lại đây, một dãy các trụ sở làm việc khác như UBND huyện, Huyện ủy, Công an của huyện Nam Trà My dài gần 1km cũng nằm trong vùng nguy hiểm khi dọc theo chân đồi đã xuất hiện vết nứt. Nguy cơ sạt lở cao khiến nhiều cán bộ làm việc tại trung tâm hành chính lấy làm lo lắng.

Không chỉ cán bộ mà người dân địa phương cũng rất lo lắng. Bà Lưu Thị Nghĩa, ở xã Trà Mai cho biết:

“Hiện tại gia đình tôi đang sinh sống tại khu dân cư sát trung tâm hành chính huyện, nơi đây là khu an toàn của huyện. Thế nhưng mỗi khi vào mùa mưa bão thì tất cả người dân đều lo lắng. Do đó khi có những trận mưa lớn thì cả nhà tôi không dám ngủ ở phía sau nhà vì sát triền đồi mà phải lên phòng khách ngủ vì sợ sạt lở đất”.

Theo bà Nghĩa, không chỉ gia đình bà mà mọi người dân cũng như cán bộ làm việc ở đây đều mong muốn Nhà nước đầu tư xây dựng bờ kè sau núi vững chãi hay xử lý làm sao hạ mặt bằng quả đồi đang sạt lở để đảm bảo an toàn hơn so với hiện tại.

Ông Trịnh Minh Hải - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Trà My cho biết, hiện nay quả đồi phía sau khu vực trung tâm hành chính huyện xuất hiện vết nứt nên đa số cán bộ viên chức làm việc trong mùa mưa cũng lo sợ, bất an. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với cán bộ huyện đi kiểm tra địa điểm xuất hiện vết nứt này để tính toán đưa ra biện pháp khắc phục.

“Hiện nay mỗi khi bước vào mùa mưa bão thì mọi người rất lo lắng. Bởi vì có một số anh em ở lại trong khu tập thể dưới chân quả đồi núi xuất hiện vết nứt này. Rất mong các cấp đầu tư kè chống sạt lở để mọi người an tâm làm việc cũng như người dân trong khu vực an tâm sinh sống”, ông Hải nói.

Ghi nhận thực tế của chúng tôi, hiện nay ngọn đồi phía sau trụ sở của huyện Nam Trà My đã có hiện tượng nứt chảy dài và nước bắt đầu chảy rỉ ra từ phía chân đồi. Có những vết nứt lớn có độ sâu gần 0,5 m, dài hàng trăm mét bị cỏ cây mọc che khuất.

Theo ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, trước nguy cơ sạt lở này, chính quyền huyện Nam Trà My cũng tính đến phương án di dời trung tâm hành chính. Thế nhưng huyện miền núi Nam Trà My quỹ đất khan hiếm nên rất khó tìm được nơi bằng phẳng để xây dựng. Và việc xây mới hàng chục trụ sở làm việc gây tốn kém, lãng phí nên phương án này đã các ngành chức năng huyện loại bỏ.

“Chúng tôi cũng đã tính toán, việc kè chống sạt lở kèm hạ thấp độ cao quả đồi để có quỹ đất làm khu tái định cư, nhưng làm vậy thì phải có trên 350 tỷ đồng, do đó rất cần có sự hỗ trợ của bộ, ngành, Trung ương và của tỉnh.

Nhưng trước mắt mong muốn tỉnh hỗ trợ khoảng 70 tỷ đồng để làm bờ kè trước để bảo vệ được khu vực trung tâm hành chính, chứ làm 1 lúc thì kinh phí cũng quá nhiều mà tỉnh hiện còn khó khăn.

Do đó rất mong Chính phủ, bộ, ngành Trung ương cùng với tỉnh quan tâm hỗ trợ các huyện miền núi trong đó có huyện Nam Trà My trong vấn đề chống, hạn chế xảy ra sạt lở mùa mưa bão”, ông Dũng nói.

Còn trước mắt theo Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, mỗi khi vào mùa mưa bão hoặc trời mưa lớn chính quyền huyện yêu cầu cán bộ, công viên chức ở khu tập thể di chuyển sang ở khu vực khác để đảm bảo an toàn tính mạng cho họ.

Được biết, khoản kinh phí 70 tỷ đồng chính quyền tỉnh Quảng Nam đã đồng ý cấp cho huyện Nam Trà My để chính quyền huyện xây dựng bờ kè chống sạt lở cho khu vực này. Hiện huyện đã lập dự án để phê duyệt và thực hiện công trình này.

Theo Kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên thì huyện Nam Trà My có khoảng 15 điểm nguy cơ cao tập trung tại các xã Trà Leng, Trà Vân, Trà Mai, Trà Don... Còn huyện Bắc Trà My có khoảng 30 điểm nguy cơ. Viện này cũng cho rằng: “Việc dự báo lũ quét, sạt lở đất rất khó, hiện nay chúng ta chỉ có thế cảnh báo, xác định được các vùng, điểm có nguy cơ sạt lở. Tuy nhiên để dự báo chính xác thời điểm xảy ra là không thể”.

TẤN THÀNH - CHÍ ĐẠI