Độc đáo nghề làm khô cá khoai
Cá khoai khô và cá khoai một nắng của người dân ở thị trấn Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân, Cà Mau) đã được nhiều người biết tới. Thế nhưng, đằng sau sản phẩm danh tiếng này là một nghề truyền thống lâu đời cũng không ít thăng trầm của những ngư dân nơi mảnh đất cuối trời Tổ quốc.
Làng nghề lâu đời
Cũng như nhiều làng ven biển khác ở khu vực phía Nam, thời gian cuối năm là vụ đánh bắt thủy sản chính của ngư dân (thường từ tháng 10 cho tới tháng 4 sang năm), kéo theo đó là nghề sản xuất, chế biến, sơ chế các sản phẩm từ biển cũng tấp nập, nhộn nhịp.
Đó cũng là những hình ảnh chúng tôi bắt gặp ở những ngư dân làm nghề khô cá khoai tại thị trấn Cái Đôi Vàm, một trong những thị trấn nhỏ, xa xôi phía Nam của Tổ quốc.
Từ tuyến đường tỉnh lộ lớn đi qua trung tâm thị trấn là bắt gặp những giàn phơi cá khoai của ngư dân bày gần như kín hai bên đường. Anh Đặng Văn Thức, 31 tuổi, chủ một vựa sản xuất khô cá khoai cho biết cuối năm là lúc thời tiết đẹp nhất để làm khô.
“Ở đây nhà nào cũng làm khô cá khoai hết. Ít thì cũng có vài giàn phơi, nhiều thì lập công ty, thuê thêm công nhân để làm cá. Khô cá khoai ở đây có chứng chỉ rồi, các siêu thị trên thành phố họ lấy nhiều lắm. Như nhà tôi chỉ có gần chục giàn phơi, chủ yếu là lấy cá từ ghe đáy của mấy anh chị trong xóm. Bây giờ đáy ngoài khơi biển Cà Mau cũng chủ yếu là cá khoai, ít các loại cá khác lắm.
Trước kia cá khoai thường bỏ đi, hoặc cho heo ăn vì giá rẻ. Nhiều ghe đáy có cá khoai họ còn đổ luôn ngoài biển, không đưa về đất liền nữa. Nhưng nay thì khác, cá khoai là đặc sản rồi, giá cao không kém gì cá thu, cá dứa đâu. Nhưng ở đây cá khoai phải làm khô rồi mới đưa đi bán. Làm khô cá khoai cũng dễ lắm, không phải tẩm ướp như nhiều cá khác. Bây giờ trúng mùa nắng nóng, cá khoai chỉ cần 2 ngày là đủ thành khô rồi. Chứ sau tết, có khi phải phơi 3 ngày, hoặc hơn nữa mới đạt tiêu chuẩn”, anh Thức chia sẻ.
Cũng theo người đàn ông này, tiêu chuẩn của khô cá khoai Cái Đôi Vàm cũng khá đặc biệt mà hầu hết người dân ở đây phải thực hiện để đảm bảo uy tín cho làng nghề. Đó là khi khô thành phẩm thì cầm tay sẽ không thể xé, bẻ được con cá. Đây là điều rất đặc biệt bởi cá khoai là loại cá bình thường có thân mềm nhũn (vì vậy có nơi ngư dân gọi là cá cháo) nhưng khi phơi nắng, cá lại dẻo và dai. Để có được khô cá dẻo và dai, ngư dân phải lựa chọn cá khoai tươi ngon, mới đánh bắt từ biển lên và phơi phải đủ nắng. Nếu cá không tươi hoặc chưa đủ nắng thì thịt cá sẽ bở, chỉ cần bẻ nhẹ sẽ bục ra.
Chia sẻ thêm cùng chúng tôi, anh Thức bảo hiện nay ngư dân Cái Đôi Vàm chủ yếu là cá khoai khô và cá khoai một nắng. “Muốn có 1kg khô thì phải có 2,5kg cá tươi, còn cá khoai một nắng thì cần 1,8kg cá tươi. Cá tươi ở cảng mua về cũng phải lựa thật kỹ, những con bị hư, dập nát thì bỏ ra.
Cá khoai chỉ rửa sạch, không tẩm ướp gì rồi treo chúng lên giàn phơi bằng tre hoặc tràm non. Khi treo, ngư dân lấy sợi dây nhỏ buộc 2 con thành một rồi treo để cá không bị hư hao. Cách làm khô này khác với hầu hết các loại cá thông thường khi ngư dân thường đặt cá lên giàn phơi. Nguyên nhân cũng bởi thịt cá khoai rất mềm nên phải buộc vào rồi mới treo chúng lên.
Đặc sản nơi làng biển
Nghề làm khô cá khoai ở Cái Đôi Vàm rất nổi tiếng nên những năm qua, không chỉ có các ghe thuyền của ngư dân trong vùng Cái Vàm Đôi cập cảng nơi đây mà ghe thuyền ở các nơi khác cũng tới đây bán cá khoai. Dọc con kênh Cái Đôi cũng là khu vực có nhiều ghe tàu nghề biển cập cảng, chúng tôi thấy có nhiều ghe ở tận Kiên Giang, Sóc Trăng (dựa theo biển số) neo đậu ở đây.
Chị Nguyễn Thị Bé, chủ một vựa thu mua cá khoai cho biết đó là ghe đáy vùng ngoài vài ngày lại cập cảng Cái Đôi Vàm một lần. “Họ đánh bắt rồi thu mua của ngư dân trên biển đem về đây bán cho các hộ làm khô. Nghề khô cá khoai ở đây nổi tiếng lắm.
Các chú nhìn thấy mấy xe khách từ Cái Đôi Vàm bên kia lộ không, xe đi lên Cần Thơ, Sài Gòn không đó. Mà người đi thì ít chứ cá khoai thì nhiều lắm. Dịp gần tết này dân trên thành phố họ tìm mua khô khoai. Thường mỗi tháng tôi chỉ bán được chừng 3-4 tạ khô nhưng dịp này có tháng được gần một tấn. Khô ở đây mình đóng bao cẩn thận, gửi lên đó ai cũng thích”, chị Bé chia sẻ.
Mặc dù xuất hiện ở nhiều vùng biển phía Nam nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, chỉ có khu vực thị trấn Cái Đôi Vàm là có và duy trì nhiều năm nghề làm khô cá khoai. Theo nhiều người dân, từ vài chục năm trước, nghề làm khô đã xuất hiện nơi đây nhưng chủ yếu là sản xuất nhỏ lẻ, quy mô bán cho cư dân địa phương.
“Khô cá khoai thì người dân Cái Đôi Vàm làm từ lâu lắm rồi. Vì tới mùa gió, cá khoai đánh bắt được nhiều, không thể nào ăn hết được. Mà cá này cũng khó vận chuyển đi xa, khó bảo quản tươi lắm.
Vậy nên ngư dân làm khô để trữ, để dành cho những tháng khác sử dụng. Sau đó Nhà nước trao tặng danh hiệu cho nghề làm cá khô, tỉnh ở đây họ cũng khuyến khích, giúp người dân sản xuất khô đúng công đoạn và bán được giá cao. Thế nên những năm qua nghề làm khô cá khoai phát triển lắm.
Từ khu vực thị trấn cho tới phía biển có cả trăm hộ dân làm khô cá, chưa kể những công ty lớn phía bên ngoài tỉnh lộ nữa. Tôi ở đây chỉ làm vựa thu mua cá khoai, hầu hết là các ghe lẻ, ghe nhỏ của ngư dân nghề đáy thôi. Những ghe lớn họ có hợp đồng bán cho công ty rồi”, chị Bé chia sẻ thêm.
Những ngày cuối năm này, đi dọc hai bên bờ kênh Cái Đôi, con kênh khá lớn chia đôi thị trấn Cái Đôi Vàm chúng tôi thấy hàng trăm giàn phơi cá khoai của ngư dân.
So với những làng nghề chế biển thủy sản khác, nghề làm khô cá khoai Cái Đôi Vàm có lẽ còn giữ được nét đặc trưng nhất, dù đã có thương hiệu được cả nước biết tới. Chính vì vậy, sản phẩm của làng biển nhỏ bé và xa xôi vẫn giữa được hương vị thơm ngon, được coi là đặc sản được nhiều nơi ưa chuộng.