Canh cánh nỗi lo bữa ăn bán trú
Dù trường học ở đồng bằng hay miền núi, thành thị hay nông thôn cũng luôn cần quan tâm tới bữa ăn, giấc ngủ của các em học sinh. Tuy vậy, thời gian qua xuất hiện không ít vụ việc xoay quanh bữa ăn bán trú của học sinh, từ cắt xén bữa ăn đến ngộ độc thực phẩm...
Xót xa bữa ăn bán trú vùng cao
Câu chuyện bữa ăn bán trú của học sinh tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Hoàng Thu Phố 1 (Lào Cai) tuần qua khiến dư luận dậy sóng.
Cụ thể, bữa ăn bán trú của 178 học sinh dân tộc không đảm bảo chất lượng, có dấu hiệu bị bớt xén. Trong bữa ăn sáng, mỗi mâm có 11 học sinh nhưng chỉ có 2 gói mì tôm nấu loãng chan với cơm, các em tự chia nhau ăn.
Trong khi đó theo thực đơn ghi trên bảng thì khẩu phẩn của mỗi em được 1 gói mì và 1 quả trứng gà. Tương tự bữa trưa, theo thực đơn có đầy đủ cơm, thịt lợn, rau nhưng thực tế các em chỉ được ăn món giò thái hạt lựu cùng với canh rau không đảm bảo chất lượng thực phẩm.
Điều khiến dư luận bức xúc hơn là những học sinh này thuộc diện được hỗ trợ theo Nghị định 81 của Chính phủ, mỗi tháng 1 học sinh bán trú sẽ được hưởng trợ cấp tiền ăn là 720.000 đồng cùng 15kg gạo.
Nhưng thực tế bữa ăn lại khác xa với những gì đáng ra các em phải được hưởng. Trong khi đó, được biết trung bình 1 tháng, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Hoàng Thu Phố 1 được nhận hơn 125 triệu đồng để tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh.
Là phụ huynh có hai con đang trong độ tuổi đến trường, chị Phạm Minh Thúy (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, chị cảm thấy rất thương các em nhỏ, không thể nghĩ rằng ở một ngôi trường dân tộc nội trú lại có hiện tượng nhẫn tâm cắt xén bữa ăn của học sinh như thế. "Tôi không thể tưởng tượng được học sinh vùng cao đã thiếu thốn đủ thứ lại còn phải chịu cảnh này và cũng rất bức xúc khi các em được Nhà nước hỗ trợ mà lại không được hưởng đúng phần của mình.
Rất mong các cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị và nếu có sai phạm thì phải xử lý để không xảy ra thêm bất cứ một trường hợp nào tương tự nữa".
Chăm lo cho bữa ăn bán trú
Câu chuyện khẩu phần ăn bán trú không đủ dinh dưỡng không chỉ xuất hiện ở các trường vùng khó khăn mà ngay ở các thành phố lớn cũng diễn ra thực trạng trên, thậm chí còn có những vụ ngộ độc thực phẩm nguy hiểm.
Chẳng hạn, tháng 10 vừa qua, nhiều học sinh Trường Tiểu học Thành Công B (quận Ba Đình, Hà Nội) bị nôn ói, đau bụng, tiêu chảy sau bữa ăn trưa ở trường làm gia tăng những nỗi lo. Sau đó lại đến những hình ảnh một công ty cung cấp suất ăn bán trú cho Trường tiểu học ở TP Thủ Đức, TPHCM trữ thực phẩm hư hỏng, bốc mùi...
Trước những vụ việc trên, chị Bùi Thanh Hiên có con học bán trú tại một trường tiểu học quận Hà Đông, Hà Nội mong mỏi: “Tôi mong sao các con mình và bạn bè của chúng không phải là những đứa trẻ phải chịu thiệt thòi do cách làm của người lớn. Mong các vị hiệu trưởng bằng lương tâm và trách nhiệm, hãy đặt an toàn sức khỏe của học sinh là ưu tiên hàng đầu”.
Có thể thấy sự lo lắng ngày càng lớn của các bậc phụ huynh khi nhiều sự việc “lùm xùm” liên quan đến bữa ăn bán trú xảy ra trong thời gian qua. Khi từ những vụ việc đó đã thấy xuất hiện những hành vi "ăn bớt" khẩu phần và lơi là trách nhiệm đảm bảo an toàn thực phẩm bữa ăn bán trú cho học sinh xảy ra ở nhiều nơi với muôn hình vạn trạng.
Điều đáng nói là đối tượng hứng chịu lại là thế hệ tương lai của chúng ta. Vì vậy, tổ chức bữa ăn bán trú quan trọng nhất vẫn là trách nhiệm, lương tâm của hiệu trưởng nhà trường. Ban giám hiệu nhà trường cần nâng cao trách nhiệm trong việc kiểm soát bữa ăn một cách chặt chẽ, đảm bảo đúng tiêu chuẩn theo quy định về số lượng, chất lượng thực phẩm.
Nên chăng đã đến lúc ngành giáo dục và các ban ngành liên quan cần xây dựng một cơ chế cụ thể cho việc tổ chức các bữa ăn bán trú; tổ chức đấu thầu cho các nhà cung cấp thực phẩm và bên cạnh đó là cơ chế giám sát từ đại diện phụ huynh, chính quyền địa phương, cán bộ ngành vệ sinh an toàn thực phẩm.
Để mỗi nhà trường cần ra quy định siết chặt chất lượng bữa ăn bán trú, cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong từng khâu lựa chọn nhà cung cấp thực phẩm, chế biến và tổ chức bữa ăn đủ lượng, đủ chất.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Đề - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng: Ở Việt Nam, việc luật hóa các vấn đề về sức khỏe học đường, dinh dưỡng học đường là giải pháp về lâu dài, nếu áp dụng ngay thì chưa thể phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của Việt Nam.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, để học sinh có bữa ăn học đường an toàn, lành mạnh, đủ dinh dưỡng rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành y tế, giáo dục từ Trung ương đến địa phương trong tất cả các hoạt động triển khai, giám sát, thanh tra và hỗ trợ chuyên môn cho các trường.
Cần triển khai rộng rãi việc lắp camera theo dõi bữa ăn bán trú
Sau vụ việc 11 học sinh ăn bữa ăn bán trú gồm 2 gói mì tôm chan cơm, Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai yêu cầu các trường lắp camera giám sát toàn bộ khu chế biến, chia suất ăn và khu vực ăn. Sở này yêu cầu, các nhà trường tạo và công khai tài khoản khoản truy cập camera để cha mẹ học sinh, tổ chức đoàn thể, các cơ quan truy cập giám sát. Việc lắp đặt camera hoàn thành trước ngày 10/1/2024.
Nhiều phụ huynh có con đang ăn bữa ăn bán trú tại các trường học, cơ sở giáo dục trên toàn quốc cũng mong hình thức lắp đặt camera để theo dõi bữa ăn của con được thực hiện rộng rãi trên toàn quốc. Có như vậy, nỗi lo bữa ăn bán trú mới vơi bớt những nghi ngại từ phía phụ huynh học sinh.