Kinh tế

Ngành gỗ đối diện nhiều thách thức

DUY KHANG 24/12/2023 08:33

Xu thế tiêu dùng hiện nay là vừa đáp ứng nhu cầu dân sinh, vừa góp phần bảo vệ môi trường. Đây là một áp lực lớn với ngành gỗ, đòi hỏi các sản phẩm tiêu dùng phải đáp ứng tiêu chí an toàn cho môi trường cũng như nhu cầu của người dân.

anhgoviet.jpg
Muốn vững chân ở thị trường thế giới, doanh nghiệp buộc phải hướng đến sản xuất xanh, bền vững. Nguồn: INT.

Nhiều rào cản cần vượt qua

Tính đến thời điểm này, gỗ và các sản phẩm gỗ Việt Nam được xuất khẩu đến 150 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới. Mặt hàng đồ gỗ Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng thế giới ưa chuộng.

Tuy nhiên, để có thể vững chân tại thị trường thế giới, sản phẩm gỗ cần phải đáp ứng nhiều yêu cầu ngày càng khắt khe của các thị trường.

Đơn cử, yêu cầu về chứng chỉ rừng bền vững (FSC) - một chứng nhận quốc tế, để có thể được chứng nhận thì các cánh rừng phải tuân thủ những vấn đề về bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên… Và điều này đòi hỏi người trồng rừng phải vượt qua rất nhiều yêu cầu, thủ tục khắt khe để có thể đạt được chứng nhận này.

Khi lấy được chứng nhận FSC thì các đơn vị khai thác rừng nguyên liệu để sản xuất ra sản phẩm đồ gỗ có chứng nhận bán ra thị trường xuất khẩu đảm bảo được người tiêu dùng ưa chuộng. Đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ, EU, người tiêu dùng rất coi trọng vấn đề hợp pháp, có các chứng chỉ về bảo vệ môi trường...

Đây chính là một trong những bài toán hóc búa của ngành gỗ nước nhà. Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM cho rằng, thách thức đối với ngành công nghiệp gỗ và lâm nghiệp là phải xây dựng nguồn nguyên liệu đủ, ổn định về khối lượng cả trong nước lẫn nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhóm ngành công nghiệp gỗ; đồng thời, bảo đảm mục tiêu bền vững môi trường trong nước và cam kết quốc tế của Việt Nam.

Thêm vào đó, thị trường lớn đang có nhiều tiêu chuẩn hơn đối với nguồn hàng nhập khẩu từ các quốc gia khác; trong đó, tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và đời sống con người càng được quan tâm sâu sắc.

Từ 10 năm trước, Chính phủ đã ra quyết định đóng cửa rừng tự nhiên, mà diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang trồng rừng đang còn chiếm tỷ lệ nhỏ, nên việc cung cấp các chứng từ pháp lý cho nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng còn cần thời gian hoàn thiện.

Hiện nhiều hộ tiểu điền trồng rừng với diện tích nhỏ cũng đang chờ hồ sơ pháp lý đầy đủ cho sản phẩm gỗ nguyên liệu sản xuất từ rừng trồng, mới cung ứng được cho các doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ xuất khẩu. Chính vì vậy, cả phía DN lẫn các hộ trồng rừng vẫn đang rất cần hồ sơ pháp lý để đáp ứng tiêu chuẩn liên quan đến nguyên liệu gỗ an toàn cho môi trường.

Đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh

Ở một khía cạnh khác, xu hướng tiêu dùng của thế giới là tiêu dùng xanh, bảo vệ môi trường. Do đó, khi DN xuất khẩu gỗ ký kết các hợp đồng mới, yêu cầu về tiêu chuẩn xanh luôn là vấn đề được phía đối tác đặt ra đầu tiên. Thậm chí, nếu không đạt được các quy chuẩn về sản xuất xanh thì sẽ không có bất kỳ ký kết nào.

Đơn cử, tại thị trường Nhật Bản, nước này yêu cầu sản phẩm gỗ khi xuất sang thị trường này phải có chứng chỉ bền vững. Với thị trường Đức thì đang áp dụng nghĩa vụ thẩm định DN trong chuỗi cung, tác động gián tiếp đến nhà sản xuất Việt Nam.

Nhà nhập khẩu Đức yêu cầu Việt Nam cung cấp các chứng nhận liên quan đến nguồn gốc sản phẩm, tình trạng sử dụng lao động, tiền lương, xử lý chất thải…

“Điều này cho thấy Việt Nam cần có sự thống nhất tiêu chí và quy định theo yêu cầu của nhà nhập khẩu, tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất nguyên liệu gỗ” - Chủ tịch Hiệp hội gỗ Việt Nam Đỗ Xuân Lập khuyến cáo.

Thời gian tới, chỉ có sản phẩm xanh, sản phẩm không làm suy thoái, mất rừng, không phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất mới đủ điều kiện để xuất khẩu vào thị trường khó tính. Nên bất kể thế nào, DN chế biến, xuất khẩu gỗ bắt buộc phải khắc phục các điểm khó để chuyển đổi xanh.

Nêu lên lời giải cho bài toán phát triển ngành gỗ bền vững, đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, giới chuyên gia cho rằng, liên kết khối tư nhân sẽ là giải pháp đột phá trong việc tạo nguồn gỗ nguyên liệu rừng trồng gỗ lớn có chứng chỉ.

Cụ thể, cần thành lập và mở rộng liên kết giữa khối tư nhân và hộ gia đình, giữa khối tư nhân và các công ty lâm nghiệp là hướng đi đột phá trong việc chủ động tạo nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng là gỗ lớn có chứng chỉ tại Việt Nam trong tương lai.

Trong liên kết này, khối tư nhân có tiềm năng trong việc phát huy các thế mạnh nêu trên của mình, tham gia cùng với hộ tiểu điền và công ty lâm nghiệp để phát triển rừng trồng gỗ lớn có chứng chỉ. Việc này cũng tạo các bước phát triển đột phá trong ngành chế biến gỗ nói riêng và ngành lâm nghiệp nói chung.

Đối với vai trò của DN, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM Nguyễn Quốc Khanh cho rằng, DN chế biến, xuất khẩu gỗ cũng phải khẳng định tính chủ động thích ứng thị trường trong thời kỳ hội nhập.

Ngoài thị trường khó tính, thì những thương hiệu nội thất lớn của Việt Nam đang mở rộng hiện diện ở thị trường xuất khẩu tiềm năng, đặc biệt là thị trường của các nước siêu giàu ở Trung Đông để tiếp cận cơ hội cung ứng cho siêu dự án bất động sản mới. Do đó, ngành gỗ rất cần một thị trường carbon để đáp ứng tiêu chí của nhà nhập khẩu.

Tính đến tháng 10/2023 diện tích rừng trồng có chứng chỉ FM FSC tại Việt Nam là 281.294,64ha, trong đó, diện tích rừng trồng của công ty có chứng chỉ FSC là 181.715,4ha, diện tích rừng trồng của hộ có chứng chỉ FSC là 99.579,24ha. Theo đó, loài gỗ của rừng trồng chứng chỉ FM/FSC, chủ yếu là keo tràm. Diện tích cao su có chứng chỉ FM/FSC là 3.843,54ha, gồm diện tích chứng chỉ nhóm hộ có chứng chỉ FSC là 3.409,45ha, diện tích chứng chỉ công ty có chứng chỉ FSC là 434.Cùng với nguồn từ gỗ rừng trồng có chứng chỉ FSC, Việt Nam còn nhập khẩu gỗ nguyên liệu có chứng chỉ FSC. Phân tích từ số liệu hải quan cho thấy, kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam khai báo có chứng chỉ FSC (không bao gồm các chứng chỉ khác) chiếm tỉ lệ nhỏ nhưng có dấu hiệu gia tăng.

DUY KHANG