Nhà thơ Lữ Mai: Văn chương là con đường nhọc nhằn
Nhà thơ Lữ Mai sinh năm 1988, đã xuất bản 12 đầu sách với nhiều thể loại: Thơ, truyện ngắn, tản văn, ghi chép... Bên cạnh đó, nhà văn Lữ Mai còn là mẹ của cây viết nhí Đoàn Lữ Thụy Phương.
Bé Phương sinh năm 2012, hiện là học sinh lớp 6. Tháng 5/2023, Thụy Phương là tác giả nhỏ tuổi nhất nhận tặng thưởng của Hội đồng giám khảo giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần thứ tư - năm 2023. Trước đó, Thụy Phương đoạt giải Cây bút triển vọng Cuộc thi viết thư Quốc tế UPU lần thứ 52.
Vừa làm báo, sáng tác, và làm mẹ, nhà thơ Lữ Mai có nhận được những lời đề nghị phụ trách việc hướng dẫn các kỹ năng giúp trẻ em đọc, học văn, sáng tác… nhưng do công việc khá bận rộn nên chị thường từ chối.
Gần đây, chuyên gia Dương Hằng - người sáng lập và phụ trách Trung tâm Cây bút nhí (Hà Nội) đã kết nối với nhà thơ Lữ Mai, tiếp tục đề nghị. Do đã thu xếp được công việc cũng như cảm thấy nền tảng, thông điệp của nơi này phù hợp, nên chị đã nhận lời và trở thành cô giáo phụ trách một số khóa học, chủ yếu diễn ra theo hình thức online.
Khi tác giả trẻ (tuổi đời dưới 40) ngày càng ít ỏi, nhiều tác giả đã không còn tiếp tục viết, chất lượng tác phẩm đang là vấn đề cần được quan tâm… Điều gì sẽ xảy ra, khi văn học trẻ trên đà suy yếu trong khi các thể loại nghệ thuật khác (âm nhạc, mỹ thuật, điện ảnh…) ngày một phát triển và đi ra thế giới? Đâu là giải pháp nhằm đưa văn học trẻ trở về vị trí tiên phong về nghệ thuật tư tưởng?
“Tôi cảm thấy trẻ em mà mê đọc, mê viết đã là đáng quý rồi”, nhà thơ Lữ Mai chia sẻ. “Việc sẵn sàng bày tỏ những gì mình suy nghĩ, cảm nhận và chia sẻ với mọi người là điều vốn không dễ dàng. Tất nhiên, trong những lớp học tôi phụ trách, vẫn có những cá tính, năng lực rất khác nhau. Có em nhỏ đã sẵn tố chất, chỉ cần được chia sẻ, đồng cảm, gợi mở thêm chút là các bạn ấy sẽ tỏa sáng.
Cũng có những em lười học văn, chán học văn chứ đừng nói là sáng tác, biết điều ấy nên bố mẹ mới “đẩy” con vào lớp học với mong muốn “chữa” được “bệnh” lười. Dù vậy, tôi vẫn nhận định giới trẻ giờ có thừa sự thông minh, nhạy cảm”.
Với con gái mình, để giúp con có tình yêu với văn học, với nhà thơ Lữ Mai, bắt đầu từ gia đình. Từ khi con còn nhỏ, không gian gia đình vợ chồng nhà thơ Lữ Mai và nhà thơ Đoàn Văn Mật có rất nhiều sách.
Anh chị thường đọc sách cho con nghe, dành thời gian trả lời các câu hỏi đầy ngộ nghĩnh, đọc những gì con viết, xem những gì con vẽ. Khi bé Phương lớn hơn, nhà thơ Lữ Mai thường đưa con tới các sự kiện giới thiệu sách, cho xem các chương trình về văn hóa đọc, gặp gỡ giao lưu với các chuyên gia mà con yêu mến như Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh.
“Tôi tôn trọng lựa chọn và ước mơ của con cái. Mỗi giai đoạn, cháu có những đam mê và sở thích riêng. Tôi ít khi đặt ra câu hỏi vì sao con muốn bước vào con đường đó, bởi đó là câu hỏi mà chính đứa trẻ sẽ phải trả lời. Tôi chỉ thường đặt ra cho mình những sự tương tác, rằng mình có thể làm gì để chia sẻ, hỗ trợ trong khả năng và giới hạn có thể.
Chính bởi các cháu còn nhỏ nên tôi nghĩ chưa thể nói trước điều gì, kể cả ta có thông minh đến mấy cũng khó dự đoán. Con đường sự nghiệp, ngoài năng lực, sự cố gắng, đôi khi còn có cả dấu ấn định mệnh, số phận của một con người.
Trong xã hội hiện đại, tôi đặt niềm tin vào sự thích nghi và nỗ lực của con người ở các lĩnh vực, nhưng với văn chương thì điều đó lại hơi chông chênh. Dường như, người ta vẫn khó có thể xác định đó là một nghề để sống vui sống khỏe được bởi những nền tảng tạo thành trụ vững cho điều đó chưa có.
Ta có thể thấy, nhuận bút cho tác phẩm văn chương so với mặt bằng chung các tác phẩm nghệ thuật là rất thấp, sự kết hợp giữa văn chương với các loại hình khác để cho ra sản phẩm rất hạn chế, công việc và vị trí dành cho người chuyên môn văn chương cũng ít ỏi…”
Theo quan điểm của nhà thơ Lữ Mai, việc đánh giá về chất lượng và số lượng sáng tác trẻ hiện nay cần thể hiện qua căn cứ. Nếu xét trên phương diện tác phẩm xuất bản, giải thưởng, nhà thơ Lữ Mai thấy nhiều cây bút cuối 8x, 9x đoạt các giải thưởng cao và được giới chuyên môn, độc giả đánh giá tốt về chất lượng:
“Mỗi giai đoạn có thể có những đặc điểm riêng, và điều đó tạo nên diện mạo đa dạng cũng như tín hiệu về xu hướng phát triển của nền văn học. Văn chương là con đường đầy nhọc nhằn, ta nghĩ tới đó là “nghiệp” nhiều hơn là “nghề”. Ngay cả bản thân tôi và các bạn viết cũng đều duy trì cuộc sống bằng một hay nhiều nghề khác, và văn chương là một góc nhỏ cho đam mê mà thôi.
Tôi nghĩ đó cũng là lý do khiến nhiều bạn trẻ xa rời công việc ấy. Nhất là trong đời sống hiện nay, quá nhiều áp lực, quá nhiều nhu cầu để trang trải, gánh vác”.
Không nghĩ tới việc văn học suy yếu, với nhà thơ Lữ Mai, chị nghĩ tới việc thay đổi cách thức trong sáng tạo và tiếp nhận. “Sẽ có sự thay đổi về cách làm nghề, diện mạo tác phẩm, cách tương tác…
Tôi lấy thí dụ về dịch giả Nguyễn Bình, ngoài 20 tuổi, bạn ấy đang là du học sinh ngành thiên văn học tại Mỹ nhưng vẫn bền bỉ với văn chương, dịch thuật. Hay Cao Việt Quỳnh là một học sinh giỏi đều các môn, tôi luôn có hình dung sau này Quỳnh làm nghề khác, nhưng chắc chắn vẫn là một nhà văn xuất sắc”.
Để giáo dục đào tạo văn chương và ươm mầm những cây viết có khả năng, với nhà thơ Lữ Mai, đó là một hành trình dài và cần nền tảng khoa học, cần sự hỗ trợ, kết hợp của nhiều thành phần trong xã hội: “Trước hết, chúng ta muốn đào tạo thì phải có trường lớp, nếu không có trường chuyên biệt thì cần đưa vào như một môn học chính hoặc phụ đạo trong nhà trường, đồng thời tiết giảm áp lực các môn khác.
Bên cạnh đó, người học thì phải có người dạy, vậy thì đội ngũ chuyên môn phải ổn.
Theo tôi, đây là điều còn thiếu và yếu. Ngoài ra, có những vấn đề khác mang tính bổ trợ, như: đầu tư sáng tác, nâng cao số lượng và chất lượng giải thưởng, quảng bá văn học, ưu tiên đãi ngộ, đổi mới giáo dục…
Bằng không, nếu ta chưa thể cùng lúc thực hiện thì hãy lắng nghe, tôn trọng và làm được việc gì, dù nhỏ, thì hãy đề cao tính thực chất, tránh hình thức, lãng phí”.