Tinh hoa Việt

Nhà văn Trương Anh Quốc: Văn chương là chông gai, càng bơi càng không thấy bờ

24/12/2023 10:49

Nhà văn Trương Anh Quốc sinh năm 1976 tại Quảng Nam, là tác giả của tập truyện ngắn “Sóng biển rì rào”, “Lũ đầu mùa”, tiểu thuyết “Biển”, tiểu thuyết du ký “Sóng”... Anh đạt giải Nhất cuộc thi Văn học tuổi 20 năm 2010 với tiểu thuyết “Biển”. Giải Nhì cuộc thi Văn học tuổi 20 lần 3 với tác phẩm “Sóng biển rì rào” năm 2005, cùng nhiều giải thưởng văn học khác.

nv-truong-anh-quoc-2.jpg
Nhà văn Trương Anh Quốc.

Với nhà văn Trương Anh Quốc, mỗi cuộc thi đều tạo động lực, cú hích cho anh sáng tác.

Tuy nhiên, mặc dầu đạt nhiều giải thưởng văn chương quan trọng, nhưng với nhà văn Trương Anh Quốc, viết văn chỉ là việc phụ: “Viết văn không giúp ích gì cho chuyên môn và nghề nghiệp chính của tôi, ngược lại nó còn làm tốn thời gian và công sức. Bởi để viết văn, tôi phải làm xong làm tốt nghề chính của mình, thời gian còn lại mới tranh thủ viết”.

Không phải lúc nào cũng có thời gian để viết do phải làm nghề chính kiếm sống, khi bắt gặp ý tưởng hay, nhà văn Trương Anh Quốc cứ nhớ lại đó, khi nào thuận lợi sẽ viết.

Mọi thứ qua đôi mắt và nghe được, đều là tư liệu, anh có thể viết chúng sau vài năm đến vài chục năm: “Những thứ không đáng nhớ sẽ quên ngay sau đó, những thứ không thể quên sẽ nằm đâu đó trong vỏ não; khi gọi, chúng sẽ về. Những thứ để lâu vẫn nhớ được, như một thứ men rượu đã được ủ lâu, càng chất lượng”.

Khi tác giả trẻ (tuổi đời dưới 40) ngày càng ít ỏi, nhiều tác giả đã không còn tiếp tục viết, chất lượng tác phẩm đang là vấn đề cần được quan tâm… Điều gì sẽ xảy ra, khi văn học trẻ trên đà suy yếu trong khi các thể loại nghệ thuật khác (âm nhạc, mỹ thuật, điện ảnh…) ngày một phát triển và đi ra thế giới? Đâu là giải pháp nhằm đưa văn học trẻ trở về vị trí tiên phong về nghệ thuật tư tưởng?

Nhà văn Trương Anh Quốc đang công tác ở Ban Nhà văn trẻ Hội Nhà văn Việt Nam hai nhiệm kỳ, vì thế, anh luôn theo dõi các tác giả trẻ, không chỉ những sáng tác gần đây mà cả hành trình của họ. Dù không là bạn bè nhưng anh vẫn tìm đọc những tác phẩm của tác giả trẻ, đọc để học hỏi cái mới của họ. “Nhiều tác giả có đủ đam mê văn chương và nhiều tài năng như Huỳnh Trọng Khang, Hiền Trang, Nguyễn Khắc Ngân Vy… Hy vọng họ sẽ tiến xa hơn nữa trong tương lai gần.

Bên cạnh đó, vì xu thế xã hội ngày nay nghiêng về văn hóa nghe nhìn hơn là đọc sách. Không như trước đây, thời chỉ có sách còn là món giải trí chính trong văn hóa nghệ thuật nhiều người còn thuộc lòng từng câu từng chữ trong tiểu thuyết Nga, Trung Quốc...

Ở Việt Nam, một cuốn sách in đến mấy chục vạn bản. Nay, trừ những nhà văn có sách in với số lượng lớn như Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư thì các tác giả khác đầu sách in vài ngàn bản đã là nhiều. Những tác giả trẻ lại càng khó hơn trong việc đi tìm độc giả. Tác giả trẻ sẽ không thể sống được bằng nghề sáng tác, dần dần người viết ít và họ khó nuôi đủ đam mê. Số lượng và chất lượng sáng tác ngày càng giảm là điều tất yếu.

Không như các nghề nghiệp khác càng lâu năm kinh nghiệm thì tay nghề cao, văn chương chữ nghĩa luôn luôn ở điểm khởi đầu. Ai nói viết văn dễ tôi cho là nói phét. Viết văn vô cùng vất vả, lao tâm khổ tứ và tốn thời gian nhưng thành quả mang lại không xứng đáng với công sức bỏ ra. Các bạn trẻ bây giờ cần phải sống được với nghề nghiệp của họ. Họ khó có thể dấn thân vào con đường văn chương đầy chông gai, càng bơi càng chẳng thấy bờ. Nhưng chúng ta cũng đừng quá bi quan, nếu có tố chất thì trước sau gì họ cũng cho ra tác phẩm họ cần viết, dù sau này tuổi họ lớn hơn. Nếu có tác phẩm nổi tiếng, nhất định sẽ được viết”.

anh-chinh-16-17.jpg
Một số tác phẩm của các tác giả trẻ được xuất bản trong thời gian gần đây.

Nhưng đồng thời, với anh, với thực trạng văn học trẻ hiện nay, theo đà đang suy yếu dần thì văn học sẽ bị chôn vùi:

“Chúng ta cứ hô hào vực dậy văn hóa đọc nhưng chưa có giải pháp thỏa đáng một khi các phương tiện truyền thông đại chúng cứ ưu tiên cho văn hóa nghe nhìn. Hình ảnh nhóm nhạc Black Pink ở tận Hàn Quốc nhưng tràn ngập mặt báo đài mỗi ngày, ngay cả đứa con gái của tôi mới 8 tuổi đã thuộc vanh vách tên tuổi từng ca sĩ của nhóm, trong khi nhiều tờ báo ta hiện nay đã bỏ hẳn trang sáng tác vốn hiếm hoi in vào dịp cuối tuần. Các cây bút văn học không có sân chơi, không có đất dụng võ thử hỏi làm sao nuôi dưỡng ước mơ”.

Nhà văn Trương Anh Quốc cho rằng, để đưa văn học nói chung và văn học trẻ nói riêng giành lại vị thế tiên phong, trước hết các phương tiện truyền thông hãy dành đất, sân chơi cho họ. Cầu thủ không thể giỏi nếu không có sân, có bóng.

“Tôi còn nhớ câu nói của nhà văn Nguyễn Quang Sáng trong Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc năm 2011 tại Tuyên Quang: “Hãy trả 10 triệu một truyện ngắn, sẽ có truyện ngắn hay”. Và gần đây, cuộc thi viết về Công nhân - Công đoàn với giải Nhất truyện ngắn 200 triệu đồng, giải Nhất tiểu thuyết lên đến 400 triệu động, ngay lập tức có đến gần 500 tác phẩm rầm rộ gửi về dự thi. Điều đó chứng tỏ, người sáng tác vẫn còn nhiều lắm”, Trương Anh Quốc bày tỏ.

"Dẫu tuân theo quy luật thị trường, vấn đề là, Nhà nước và các cơ quan chức năng cần có biện pháp điều tiết để văn học không bị quá lép vế trước các loại văn hóa nghe nhìn khác. Ví dụ, một ca sĩ hát một bài trên sân khấu với thù lao đến hàng chục đến hàng trăm triệu đồng, còn một tác phẩm văn học trên báo chừng vài triệu là cao. Thử hỏi giới trẻ sẽ chọn theo con đường nhà văn hay làm ca sĩ?”