Mặt trái của thị trường hóa di tích tín ngưỡng
Các di tích danh lam thắng cảnh gắn với tôn giáo, tín ngưỡng hằng năm thu hút hàng chục triệu lượt khách, mang về nguồn thu lớn cho địa phương và cũng từ đây phát sinh nhiều vấn đề.
Chuẩn bị bước vào mùa lễ hội, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với TS Hoàng Văn Chung - Trưởng phòng Nghiên cứu lý luận và chính sách tôn giáo, Viện Nghiên cứu tôn giáo (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).
PV: Ông có thể khái quát tiềm năng du lịch của các cơ sở di tích, tôn giáo tín ngưỡng ở nước ta?
TS HOÀNG VĂN CHUNG: Các di tích, danh lam, thắng cảnh gắn với tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam tồn tại với số lượng lớn, mỗi năm thu hút rất nhiều khách du lịch, hành hương trong và ngoài nước.
Theo thông tin từ Cục Du lịch Quốc gia, năm 2019, trong số 85 triệu lượt du khách nội địa, 34,85 triệu lượt (42%) tìm đến các địa điểm tôn giáo, tín ngưỡng. Dữ liệu này cho thấy sức thu hút mạnh mẽ và tiềm năng phát triển du lịch từ các di tích tôn giáo, tín ngưỡng.
Dù mỗi du khách chi một khoản nhỏ cho các nhu cầu trong quá trình tham quan, với số lượng du khách lớn, con số tổng tiền thu về của các di tích này là rất lớn.
Do đó, điều mà ai cũng có thể thấy là các di tích tôn giáo, tín ngưỡng có thể hỗ trợ rất mạnh mẽ cho phát triển du lịch và còn nhiều tiềm năng chưa được giải phóng bởi các di tích đó chứa đựng nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa, kinh tế... mà các loại hình khác không có được. Tuy thế, trong thực tiễn, có một số vấn đề đặt ra xung quanh câu chuyện khai thác, phát huy giá trị của các di sản tôn giáo, tín ngưỡng vào phát triển du lịch.
Người ta nói nhiều về sự tồn tại các hình thức trục lợi và làm mất trật tự ở một số khu di tích tôn giáo, tín ngưỡng. Ông bình luận gì về hiện tượng này?
- Hiện nay, quản lý kinh tế và trật tự xã hội ở các di tích, danh lam thắng cảnh gắn với tôn giáo, tín ngưỡng vẫn còn thiếu nhất quán và chưa tối ưu. Đáng lo ngại là khi các di tích, danh lam thắng cảnh nổi tiếng thu hút lượng lớn khách du lịch, xuất hiện nhiều tổ chức, cá nhân tìm cách hưởng lợi.
Tiền kiếm được từ những gì liên quan đến di tích, danh lam thắng cảnh thường là khó có thể bị giám sát, không có mặt bằng giá cả cố định, chủ yếu diễn ra dưới các giao dịch theo thỏa thuận cá nhân, chi trả tự nguyện mà không có các bằng chứng, giấy tờ mang tính pháp lý.
Khi trục lợi kinh tế diễn ra, không chỉ người trả tiền chịu thiệt thòi khi không nhận thứ được mình trông đợi, mà Nhà nước cũng không thu được thuế.
Khi số tiền thu được quá lớn và quá dễ dàng từ di tích tôn giáo, tín ngưỡng, tâm lý trục lợi rất dễ phát sinh. Mặt khác, khách đến các di tích tôn giáo, tín ngưỡng có thể chỉ đông đúc vào một số thời điểm trong năm, gắn với mùa lễ hội, ngày thực hiện nghi lễ chính...
Tâm lý tranh thủ "tận thu", "khai thác nóng" xuất hiện. Việc quá quan tâm đến thu vén lợi ích về kinh tế đã là nguyên nhân dẫn đến những hành vi gian trá, thậm chí lừa đảo đối với khách du lịch. Việc tranh thủ các cơ hội trục lợi về kinh tế quá mức cũng sẽ dẫn đến thiếu trách nhiệm chăm sóc, tôn tạo, bảo vệ chính di tích, danh lam thắng cảnh một cách kịp thời.
Khi trục lợi về kinh tế từ những thứ liên quan đến di tích, danh lam thắng cảnh trở thành mục tiêu của nhiều người, điều tất yếu sẽ là sự ganh đua, tranh giành, đấu đá, tố cáo, chống phá lẫn nhau... Mặt khác, thấy lợi ích kinh tế từ việc thu hút nhiều người đến với di tích, với lễ hội, có những nơi đã cố tình tìm cách khuếch trương, phóng đại tính thiêng của đối tượng thờ cúng, của vật lễ, của các tập tục địa phương.
Có thể nói di tích, danh lam, thắng cảnh gắn với tôn giáo, tín ngưỡng ở một số nơi đã bị thị trường hóa?
- Về mặt truyền thống, các di tích và danh lam, thắng cảnh thuộc quyền sở hữu của cộng đồng, tức là tập thể, là nơi bất cứ ai cũng có thể đến tự do và không phải trả tiền để có thể hành lễ, tìm kiếm sự kết nối với các lực lượng họ tin là có quyền năng siêu nhiên và thư giãn khi được thưởng ngoạn vẻ đẹp của tự nhiên.
Khi các di tích, danh lam thắng cảnh bị cuốn vào cơn lốc của thị trường hóa, bắt đầu phát sinh việc quy hoạch, phân vùng, bảo vệ, đi cùng với khai thác tối đa công năng, phóng đại những điểm thu hút nhất, và tự ý thêm vào những yếu tố trước đây không có.
Thị trường hóa làm xuất hiện những trao đổi, bán mua, chuyển giao quyền sử dụng và quản lý ngầm ẩn ở đằng sau đối với một di tích, danh lam thắng cảnh. Nó kích thích sự quan tâm, tranh giành của những cá nhân hay nhóm vốn chỉ nhìn thấy tiềm năng thu lấy lợi nhuận kinh tế khi tham gia quản lý một di tích, hay danh lam thắng cảnh.
Thị trường hóa di tích, danh lam, thắng cảnh dẫn đến một hệ quả nữa là có sự ồ ạt mở các "dự án tâm linh". Trên phạm vi cả nước, rất nhiều các công trình tôn giáo, tín ngưỡng được xây mới, hoặc được nâng cấp, mở rộng với số tiền đầu tư kỷ lục. Các công trình này cũng thường chiếm cứ các vị trí không gian có cảnh quan đẹp, như trên núi, ven hồ, trong rừng, cạnh bờ biển...
Các dự án này chỉ cần có một vài yếu tố liên quan đến di tích, đến truyền thuyết về cái thiêng là có lý do để hợp thức hóa đất đai, xây dựng các quần thể công trình thờ cúng mới, mở cửa bán vé. Vấn đề là với các chiêu trò truyền thông, các dự án này tìm mọi cách gây sự chú ý, định hướng dư luận, khiến cho người dân bị nhầm tưởng về các giá trị nguyên gốc của các địa điểm này.
Sự xuất hiện và cạnh tranh của các dự án này với nhau và với các di tích, danh lam, thắng cảnh chính thống làm người dân không khỏi rơi vào tình trạng bối rối.
Như ông nói, có thể hiểu là một số cơ sở di tích tôn giáo, tín ngưỡng nay ưu tiên nhu cầu của du khách hơn là người hành hương?
- Có thể nói là như vậy. Một khi bị thị trường hóa, các di tích gắn với danh lam thắng cảnh rơi vào tình trạng phải phục vụ và thỏa mãn các nhu cầu của du khách, cạnh tranh nhau để thu hút và giữ chân du khách.
Trở thành một phần của thị trường, nghĩa là phải chấp nhận tham gia vào vòng quay của quy luật cung-cầu mà tại đó việc tìm hiểu và thỏa mãn nhu cầu của du khách và những gì từ phía di tích có thể cung cấp được đặt lên là ưu tiên trước nhất.
Thị trường hóa cũng đi cùng với công thức hóa các quy trình mà khách du lịch đến với một di tích, danh lam thắng cảnh.
Để chiều lòng và đáp ứng các nhu cầu đa dạng của du khách, người ta sẵn sàng tạo ra, tích hợp thêm vào không gian di tích những thứ trước đây chưa từng tồn tại, như nơi nghỉ qua đêm, nơi dừng chân để ăn uống, điểm chụp ảnh lưu niệm, cửa hàng bán đồ lưu niệm, các tượng thờ, đồ thờ, biểu tượng, linh vật ngoại lai.
Hệ quả của việc tạo ra "mọi thứ trong một" để "nhu cầu nào cũng có thể được thỏa mãn" ở di tích là làm mất đi phần nào những đặc thù, những nét riêng mang tính truyền thống của di tích liên quan đến bản sắc văn hóa của vùng miền, địa phương.
Khi đó, di tích, danh lam thắng cảnh bị đặt vào nguy cơ bị điều chỉnh, bị tác động, bị khuếch đại các giá trị vốn có, mất đi tính nguyên gốc.
Theo ông, đâu là những thách thức trong việc điều chỉnh các hoạt động kinh doanh gắn với cơ sở di tích tôn giáo, tín ngưỡng?
- Quản lý các hoạt động thị trường hóa di tích, danh lam thắng cảnh là hoạt động gặp nhiều thử thách hiện nay. Một mặt, các di tích, danh lam thắng cảnh là tài sản chung của cộng đồng, do đó không dễ can thiệp bằng các công cụ pháp lý, chưa kể các quy định pháp lý hiện còn nhiều bất cập.
Mặt khác, các lực lượng có chủ đích thị trường hóa các di tích, danh lam thắng cảnh có rất nhiều phương cách tinh vi và nguồn lực mạnh mẽ để hợp thức hóa quyền quản lý và khai thác di tích, danh lam thắng cảnh.
Trong thực tiễn, quản lý các di tích ở Việt Nam gặp sự chồng chéo nhiều năm qua chưa gỡ được. Theo quy định mới, việc quản lý các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng là trách nhiệm của ban/phòng tôn giáo thuộc Sở Nội vụ ở các địa phương, thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ ở cấp Trung ương.
Nhưng xưa nay, quản lý các di tích về phần cứng (các cơ sở di tích đã và chưa được xếp hạng) và lễ hội đi kèm lại là trách nhiệm của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch và các sở trực thuộc ở địa phương.
Mặt khác, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Luật Di sản văn hóa vẫn chưa có sự xác định rõ trách nhiệm và quyền hạn của các bên liên quan. Sự chồng chéo này là một rào cản đối với việc quản lý các hoạt động liên quan đến di tích, danh lam thắng cảnh, trong đó có hoạt động thị trường hóa.
Mặc dù các địa phương đều đã có chương trình, kế hoạch cho du lịch về văn hóa, trong đó có tôn giáo, tín ngưỡng, còn tồn tại nhiều vấn đề lớn liên quan đến di tích, danh lam thắng cảnh gắn với tôn giáo và phát triển du lịch như vấn đề quản lý hoạt động kinh tế và trật tự chưa hiệu quả; xuất hiện nhiều hình thức can thiệp làm tổn hại giá trị hơn là phát huy các giá trị của di tích; các nguy cơ về an ninh con người và tổn hại môi trường...
Trân trọng cảm ơn ông!