Chủ tịch nước: Đẩy mạnh cải cách tư pháp, không để xảy ra oan sai
Dự, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) tại điểm cầu chính ở Đà Nẵng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định: Uy tín của Tòa án là uy tín của Đảng, Nhà nước và chế độ.
Chiều 24/12, TANDTC tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2024 tại 800 điểm cầu trên cả nước. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, dự và phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu chính ở TP Đà Nẵng.
Cùng dự với Chủ tịch nước có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng và lãnh đạo Bộ, ngành Trung ương.
Theo báo cáo của TANDTC, năm 2023, ngành Tòa án đã nỗ lực hoàn thành đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Tỷ lệ giải quyết, xét xử các loại vụ án; công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm và giải quyết khiếu nại tố cáo trong hoạt động tố tụng đều đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra; việc giải quyết đảm bảo đúng pháp luật.
Với sự hỗ trợ và triển khai tích cực của các Tòa án, Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án đã dần đi vào cuộc sống, qua đó xã hội hóa nguồn lực để giải quyết các tranh chấp trong nhân dân, góp phần giảm áp lực công việc đối với các Tòa án. Sự tham gia của TAND nói chung mà đặc biệt là TAND nói riêng vào công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật rất tích cực, hiệu quả.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ghi nhận năm 2023, Tòa án các cấp đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; đội ngũ cán bộ, thẩm phán không ngừng tiến bộ, trưởng thành, vững vàng về bản lĩnh chính trị, giỏi về nghiệp vụ. Công tác xét xử có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ giải quyết các vụ án đạt cao, tranh tụng tại phiên tòa được mở rộng, thực chất, hiệu quả hơn. Tỷ lệ án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan thấp hơn năm trước, đạt và vượt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội. Ngành Tòa án cũng tổ chức xét xử thành công nhiều vụ án tham nhũng lớn.
Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, được xét xử đúng tiến độ, nghiêm minh. Công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật được đẩy mạnh, chuyển biến tích cực...
Chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục của ngành Tòa án như tỷ lệ bản án, quyết định hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra, vẫn còn một số vụ án giải quyết quá thời hạn luật định do nguyên nhân chủ quan, năng lực, trách nhiệm, phẩm chất của một số cán bộ còn yếu, cá biệt có cán bộ vi phạm pháp luật, tổ chức thi hành án tử hình chậm, số bị án tử hình cần phải thi hành còn thấp;Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định: Uy tín của Tòa án là uy tín của Đảng, Nhà nước và chế độ, là niềm tin của người dân đối công lý, công bằng xã hội. Mỗi bản án được tuyên phải thực sự làm cho mọi người "tâm phục, khẩu phục", khuất phục được tội phạm, thuyết phục được các bên, xã hội đồng tình; có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh, góp phần xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương.
Chủ tịch nước nhấn mạnh: Nhiệm vụ quan trọng nhất của các Tòa án là phải nâng cao chất lượng xét xử; chú trọng hoạt động tranh tụng tại phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp; hạn chế thấp nhất các bản án bị huỷ, bị sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán. Phải nâng cao chất lượng, tính chính xác, tính khả thi, các phán quyết của tòa án, nhất là việc áp dụng các hình phạt. Đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám đốc việc xét xử, chấn chỉnh kịp thời các sai sót trong hoạt động nghiệp vụ. Khi phát hiện sai sót phải thành tâm nhận khuyết điểm, khẩn trương, kiên quyết khắc phục, sửa chữa để bảo vệ quyền và lợi ích tổ chức, cá nhân, đó cũng là cách để nâng cao uy tín của tòa án; Chú trọng công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, đẩy mạnh công khai bản án, quyết định của tòa án làm cơ sở để nhân dân và cơ quan liên quan giám sát hoạt động, tăng cường niềm tin của nhân dân vào công lý, công bằng xã hội.
Chủ tịch nước cũng đề nghị TANDTC chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan, nghiên cứu, tham mưu, trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định đơn xin ân giảm hình phạt tử hình. Sớm tiến hành thi hành án tử hình khi đã đủ điều kiện. Hạn chế thấp nhất tình trạng tồn đọng hồ sơ xin ân giảm hình phạt tử hình và thi hành án tử hình hiện nay. Cùng với đó là tham mưu Chủ tịch nước quyết định đặc xá nhân ngày lễ, sự kiện lớn của đất nước hoặc trường hợp đặc biệt. Đây là việc làm nhân đạo, thể hiện sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước đối với người bị kết án phạt tù theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.