Tinh giản biên chế, tiết kiệm chi để cải cách tiền lương
Tính từ 1/1 đến 15/12/2023, tổng số đối tượng tinh giản biên chế là 7.151 người nhưng để cải cách tiền lương từ 1/7/2024 có hiệu quả cần tiếp tục tinh giản biên chế.
Báo cáo của Bộ Nội vụ cho thấy, trong năm 2023 giảm 13 sở và tổ chức hành chính khác thuộc UBND tỉnh; giảm 2.572 tổ chức phòng và tương đương thuộc cơ quan chuyên môn UBND tỉnh, huyện trong cả nước, đồng thời, tiếp tục rà soát, sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp công lập.
Tính đến hết năm 2023 đã giảm 7.867 đơn vị sự nghiệp công lập. Tính từ 1/1 đến 15/12, tổng số đối tượng tinh giản biên chế là 7.151 người, trong đó Trung ương là 146 người; địa phương là 7.005 người.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, bộ đã rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và cắt giảm thủ tục hành chính trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức; đổi mới công tác nâng ngạch công chức và xét thăng hạng viên chức.
Cùng với đó, theo bà Trà, ngành Nội vụ đang tham mưu thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Trung ương bảo đảm đồng bộ, thống nhất để thực hiện từ 1/7/2024.
Thế nhưng vấn đề đặt ra là năm 2024 được dự báo là vẫn còn nhiều khó khăn do tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều yếu tố tác động không thuận lợi đến nền kinh tế nước ta, cộng với việc sẽ thực hiện cải cách chính sách tiền lương và bắt đầu thực hiện từ 1/7/2024 thì tiết giảm chi thường xuyên và tiếp tục tinh giản biên chế là vấn đề cần được đặt ra trước mắt.
Vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký công điện về việc tăng cường công tác quản lý thu ngân sách nhà nước (NSNN), tiết kiệm chi, chủ động điều hành ngân sách nhà nước trong tháng 12/2023 và những tháng đầu năm 2024. Trong đó chỉ rõ, công tác thu NSNN còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhiều ngành, địa phương có tiến độ thu đạt thấp, nhất là các khoản thu tiền sử dụng đất, ảnh hưởng đến cân đối ngân sách địa phương.
Vì thế, liên quan đến triển khai quyết liệt nhiệm vụ thu, chi NSNN trong thời gian còn lại của năm 2023 và ngay từ những tháng đầu năm 2024, Thủ tướng yêu cầu rà soát, sắp xếp, điều chỉnh dự toán chi theo quy định. Chủ động cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết. Giảm các khoản chi tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi công tác trong nước, nghiên cứu, khảo sát nước ngoài. Điều hành dự toán chi ngân sách nhà nước chủ động, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, rà soát, cắt giảm các nhiệm vụ chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai, dành nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thực hiện các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng và cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội theo quy định.
Để hoàn thành các nhiệm vụ đề ra trong năm 2024, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng yêu cầu, toàn ngành Nội vụ tham mưu trình cấp có thẩm quyền triển khai đồng bộ, thống nhất, toàn diện, hiệu quả cải cách chính sách tiền lương, cố gắng hoàn thành trước 31/3/2024 để kịp thời xây dựng phương án trả lương và áp dụng chính sách tiền lương mới từ ngày 1/7/2024 đã được Quốc hội thông qua.
Xét trên thực tế, hiện tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển tuy tăng so với cùng kỳ, song mới đạt 65,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đến nay vẫn còn 21 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương chưa phân bổ chi tiết hết kế hoạch vốn được giao năm 2023. Bên cạnh đó, theo kết quả giám sát của Quốc hội việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, kết luận của cơ quan Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước và qua công tác quyết toán NSNN hằng năm cho thấy vẫn còn những tồn tại, hạn chế, lãng phí trong chi NSNN, sử dụng tài sản công, tổ chức hội nghị, hội thảo, công tác nước ngoài ảnh hưởng đến kỷ cương, kỷ luật quản lý nhà nước và hiệu quả sử dụng nguồn lực NSNN.
Liên quan đến vấn đề trên, ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) cho rằng, trong tinh giản biên chế, Bộ Nội vụ cần tính toán về tổng biên chế đảm bảo hoạt động của bộ máy, tinh giản những người không xứng đáng, tránh tinh giản “nhầm” đối với người tài, người giỏi. Và đặc biệt không cào bằng tinh giản giữa các ngành với nhau, bởi có ngành khối lượng công việc nhiều thì phải giữ người lại và tỷ lệ tinh giản phải ít hơn. Như thế mới đảm bảo cho bộ máy hoạt động hiệu quả.
Theo ông Huân, trên cơ sở đề án về tổng biên chế của Bộ Nội vụ, được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì Bộ Tài chính tính toán nguồn, căn cứ vào lượng tiền ngân sách để phân bổ tăng lương. Khi phân bổ nếu thấy không đạt được mặt bằng chung của xã hội thì Chính phủ phải có chính sách tích luỹ quốc gia để bù đắp vào phần tăng lương.